• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng ngàn người đón bằng Di sản Hội Gióng

Văn hoá 23/02/2011 09:31

(Toquoc)- Hàng ngàn người dân đã tham gia lễ đón bằng công nhận của UNESCO dành cho Hội Gióng.

(Toquoc)- Hàng ngàn người dân đã tham gia lễ đón bằng công nhận Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO dành cho Hội Gióng.

Ngày 22/1/2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã  tổ chức lễ đón bằng của UNESCO cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Lễ đón nhận diễn ra tại bãi Soi Bia, xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội). Bà Ngô Thị Doãn Thanh- Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Sơn- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Lê Tiến Thọ- Thứ trưởng Bộ VHTTDL; bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Chủ tịch UBND Hà Nội và bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã tham dự buổi lễ.

Hội Gióng ghi danh vào Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

Tại lễ đón nhận, bà Ngô Thị Thanh Hằng đã báo cáo quá trình làm Hồ sơ hội Gióng và khẳng định, cộng đồng có vai trò to lớn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị Hội Gióng, trong khi xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO đưa Hội Gióng vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một lần nữa, cộng đồng lại có vai trò rất to lớn. Bà Hằng khẳng định, chính quyền Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để cộng đồng phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong việc tìm kiếm các biện pháp thực hiện Chương trình hành động quốc gia mà Việt Nam đã cam kết để bảo vệ và phát huy giá trị của Hội Gióng.

Trao bằng công nhận của UNESCO cho Hội Gióng, bà Katherine Muller chúc mừng Việt Nam có thêm một di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khẳng định, Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn là lễ hội độc đáo, có nguồn gốc và gắn bó chặt chẽ với các cộng đồng ở vùng châu thổ sông Hồng, phản ánh bản sắc của cộng đồng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và mang lại nhận thức cho cộng đồng về sự tiếp nối truyền thống; góp phần vào việc phát huy tính sáng tạo của con người và đối thoại giữa các nền văn hóa, đồng thời đem đến một tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể.

Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Hội Gióng

Cũng tại lễ đón nhận bằng của UNESCO, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Tiến Thọ đã công bố Chương trình Hành động quốc gia về Hội Gióng.

Sau những nghi thức đón nhận là các tiết mục diễn xướng tái hiện là Hội Gióng. Gần 2000 người dân các địa phương thờ Thánh Gióng và nhân dân các vùng lân cận đã đến tham dự buổi lễ và hòa mình vào các màn diễn xướng độc đáo như: màn xếp chữ Thái Bình; hát múa Ải Lao; múa cờ đánh trận, rước giò hoa tre…Đây đều là các màn diễn xướng lâu đời gắn liền với Hội Gióng.

Sau các màn diễn xướng, người dân địa phương cũng như du khách đã tham gia “cướp chiếu”, “cướp hoa tre”… những biểu tượng mang ý nghĩa thiêng liêng, may mắn của lễ hội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Tiến Thọ đã công bố Chương trình hành động quốc gia về Hội Gióng tại lễ đón Bằng công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Chương trình bao gồm:

1. Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, cập nhật hằng năm. Tiếp tục kiểm kê khoa học về Thánh Gióng ở các địa phương còn lại.

2. Lập danh sách những người thực hành lễ hội ở các địa phương có Hội Gióng và xây dựng chính sách ưu đãi với họ.

3. Sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến Thánh Gióng ở các làng để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay về Hội Gióng.

4. Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các cộng đồng thờ Thánh Gióng tổ chức lễ hội như tập quán lâu nay. Ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội.

5. Hỗ trợ cộng đồng các làng có Hội Gióng phục hồi đầy đủ Hội Gióng.

6. Bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng, đền Sóc và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng thuộc thành phố Hà Nội.

7. Thành lập CLB các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở các ban khánh tiết ở các làng hiện nay và xây dựng chương trình hoạt động cho CLB này. Đổi mới hoạt động của Trung tâm Du lịch - Di tích đền Sóc; củng cố, nâng cấp BQL Di tích lịch sử văn hóa đền Phù Đổng.

8. Hỗ trợ cộng đồng tự tổ chức, quản lý, tập luyện, thực hành các nghi lễ, trò diễn độc đáo của Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc; cộng đồng tự tổ chức quản lý, duy trì các lớp dạy múa hát Ải Lao của phường Ải Lao ở làng Hội Xá, quận Long Biên.

9. Bằng công nghệ tin học, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về Hội Gióng ở các làng liên quan, phục vụ công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

10. Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cải tiến, nâng cao chất lượng giờ dạy về truyền thuyết Thánh Gióng gắn kết với Hội Gióng của chương trình môn ngữ văn cấp II và đại học; xây dựng chuyên đề Hội Gióng để đưa vào giảng dạy ở nhà trường cấp II, III, nhất là các trường trên địa bàn các huyện liên quan đến Hội Gióng.

11. Mở chuyên mục định kỳ trên Đài PT-TH Hà Nội từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch hằng năm để quảng bá Hội Gióng. Sử dụng đội truyền thanh cơ sở để giới thiệu giá trị của Hội Gióng trong cộng đồng làng xã các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên.

12. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang web riêng về Hội Gióng để phát triển du lịch bền vững.

13. Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa về Hội Gióng dưới mọi hình thức: đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp...

14. Tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham quan, học hỏi các lễ hội tương tự Hội Gióng của các cộng đồng khác ở trong nước và ngoài nước.

15. Giao cho các cơ quan chức năng của Bộ VH,TT&DL phối hợp cùng các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng giai đoạn 2011-2015.

Tin: Hà An

Ảnh: Dương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ