• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng nghìn tỉ từ “Quỹ đầu tư giải trí” có giúp điện ảnh chuyên nghiệp?

Giải trí 28/07/2018 19:33

(Tổ Quốc)  - Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam (VEF) ra mắt đã thu hút sự quan tâm lớn của những người theo dõi và hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam lần đầu ra mắt

Sự kiện 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, giải trí tại Việt Nam cũng “bắt tay” thành lập Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam (Vietnam Entertainment Fund - VEF) với số vốn ban đầu khoảng 1.150 tỷ đồng vào ngày 26/7 tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm lớn của những người theo dõi và hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Các chuyên gia đánh giá phim của VEF là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, NSX Lê Thanh Phong và NSX Nguyễn Cao Tùng. Theo cơ chế hoạt động của Quỹ, VEF khẳng định không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim mà sẽ hỗ trợ về vốn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn về chiến lược truyền thông, marketing đồng thời phát triển kênh quảng cáo tại hệ thống các rạp chiếu phim cũng như đặt mục tiêu sở hữu cụm rạp mới trên thị trường. Mục tiêu của Quỹ là mỗi năm tham gia góp vốn cho khoảng 20 dự án phim điện ảnh nhằm mục đích thúc đẩy ngành sản xuất phim, giúp điện ảnh trong nước phát triển và chuyên nghiệp hơn. Điều này mang đến nhiều cơ hội hơn cho các nhà làm phim.

 Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam với số vốn ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: plo.vn

Tại lễ công bố Quỹ, VEF cho biết những dự án điện ảnh quỹ sẽ tham gia góp vốn từ nay đến hết năm 2018 gồm có: Trường học bá vương, Tiểu thư đi bụi, Gameshow tử thần, Thiên linh cái, Thánh nữ. Ngoài ra, đến năm 2019, 2020 cũng dự kiến có các dự án được VEF nhắm tới như: Táo quậy phiêu lưu ký, Yêu bất chấp, Mùa tử đằng yêu em, Những chàng trai xấu tính, Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Hoa lê ki ma thép, Ngôi sao may mắn, Trái tim quái vật, Thang máy tử thần.

Với chiến lược tập trung vào giải trí và tăng trưởng, VEF mang đến cho nhà đầu tư cơ hội tham gia vào một danh mục đa dạng trong ngành giải trí, nhằm giảm thiểu rủi ro.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam các công ty cùng góp vốn để cho ra đời một quỹ nhằm hỗ trợ, đầu tư cho lĩnh vực giải trí, trong đó có điện ảnh

Mở ra những hi vọng…

Như vậy có thể thấy VEF đã “đánh đúng” vào những điểm còn hạn chế của phim Việt hiện nay là kinh phí và quảng bá truyền thông.

Được biết hiện nay số kinh phí để sản xuất một bộ phim trung bình khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Nếu bộ phim có sử dụng những công nghệ điện ảnh đi kèm (CGI) thì chi phí sẽ cao hơn. Bỏ ra số vốn làm phim không hề nhỏ như vậy nhưng không phải bộ phim nào cũng có lãi và lãi lớn. Trong những năm qua, những bộ phim “thắng lớn” về doanh thu có thể kể đến như: Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô Ba Sài Gòn, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám: chuyện chưa kể, Cô gái đến từ hôm qua, Để Mai tính, Quả tim máu, Tèo em… Theo tiết lộ của một đơn vị phát hành phim khá lớn trong nước thì không ít phim “thua” về doanh thu.  Do đó, khi cầm một kịch bản trên tay, nhà làm phim phải cân nhắc để quyết định có hiện thực hóa kịch bản này thành phim hay không. Và trong sự đắn đo đó có tính đến yếu tố lỗ - lãi, gu khán giả, khán giả có chịu bỏ tiền ra xem phim này không… Bởi nếu không cân nhắc, nhà làm phim sẽ phải chịu cảnh lỗ và khó có thể đi đường dài với phim ảnh.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim được Nhà nước đầu tư kinh phí tạo nên "hiện tượng" doanh thu phòng vé

Nhìn lại các bộ phim trong nhiều năm qua có thể thấy, dường như để “an toàn” cho doanh thu hơn một số nhà làm phim có xu hướng mua kịch bản ngoại từng mang về doanh thu cao ngất ngưởng ở nước bản địa: như Bước nhảy ngàn cân, Tháng năm rực rỡ… và mới đây đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại tiếp tục “Việt hóa” kịch bản “50 lần hẹn đầu tiên” từ Mỹ.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, bất cứ một sản phẩm nào muốn đến được với công chúng một cách nhanh nhất, đông đảo nhất và hiệu quả nhất khó mà chờ đợi hay vỗ ngực kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Sự cạnh tranh về các loại hình giải trí ngày càng gay gắt buộc lòng người ta phải nghĩ đến marketing và truyền thông. Điều này cũng dễ hiểu bởi một nhà sản xuất giỏi chưa chắc đồng nghĩa với một người giỏi truyền thông. Bởi vậy, nếu VEF bên cạnh hỗ trợ vốn còn hỗ trợ marketing có thể được coi là thiết thực để giúp tác phẩm có cơ hội đến được với công chúng nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thấy rằng, nhiều năm qua dường như sự thận trọng về doanh thu cũng như nhu cầu giải trí của số đông công chúng mà nhiều bộ phim ra rạp mang nặng tính thị trường, giải trí hơn là nghệ thuật. Cuộc chơi nghệ thuật trong điện ảnh được xem là “mạo hiểm”, đầy cá tính và không phải nhà sản xuất nào cũng sẵn sàng tham gia. Vì vậy với câu hỏi, liệu việc ra đời một quỹ hỗ trợ như VEF có thúc đẩy điện ảnh nước nhà phát triển, chuyên nghiệp hơn bằng những tác phẩm nghệ thuật hơn hay chỉ làm tăng số lượng phim giải trí Việt trong rạp hơn là một câu hỏi cần thời gian trả lời. Bởi chính VEF cũng cho rằng trong giai đoạn đầu sẽ tập trung chọn lọc dự án phim điện ảnh hàng đầu có xác suất sinh lợi cao nhất thông qua ban chuyên gia đánh giá phim. Hơn nữa, ngay tên gọi "Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam" cũng khiến không ít người cho rằng sẽ hướng đến giải trí nhiều hơn.

Em chưa 18 là bộ phim giải trí mang về doanh thu kỷ lục phòng vé với gần 170 tỷ. Ảnh: vietnamnet

Và dù thời điểm này chưa thể đánh giá, nhận định Quỹ hiệu quả đến đâu, mang lại gì cho điện ảnh cũng như khán giả, nhưng sự ra đời của VEF vẫn khiến nhiều diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất phim vui mừng vì có thêm “cơ hội” và hi vọng cho những tác phẩm màn ảnh rộng đến với công chúng. Điều quan trọng nữa mà khán giả trông chờ không chỉ là tăng số lượng mà phải tăng cả chất lượng cho phim cũng như sự đồng hành của VEF được lâu dài.

Tuy nhiên cũng có nhiều người lạc quan cho rằng, việc Quỹ lựa chọn dự án phim có xác xuất sinh lợi cao nhất chỉ là giai đoạn đầu để kích thích sáng tạo, tăng thêm doanh thu làm cơ sở hậu thuẫn cho những dự án nghệ thuật sau đó. Hoặc cũng có thể trước mắt hãy cứ để khán giả Việt kéo đến rạp đông hơn, trở thành một thói quen hưởng thụ, giải trí đã rồi sau sẽ là hưởng thụ nghệ thuật. Cũng giống như cuộc chơi của những người đam mê phải tính đến bước “lấy ngắn nuôi dài”. Và biết đâu sẽ xuất hiện sự tính toán để  “dung hòa” tuyệt vời giữa hai yếu tố nghệ thuật và giải trí cùng song song hội tụ trong những dự án phim tương lai.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ