• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân đạt Giải Sách hay

Văn hoá 01/10/2017 20:10

(Tổ Quốc) -Từ những dòng nhật ký giản dị của một người mẹ trong quá trình nuôi dưỡng và hàn gắn vết thương của "chú lính chì Thiện Nhân", Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân đã bất ngờ được in thành sách và bất ngờ nhận Giải Sách hay.

Thiện Nhân là cậu bé có số phận đặc biệt ngay từ khi mới sinh ra: Bị chính người mẹ đẻ bỏ lại “trên hai cái lá đu đủ và bị che kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua lại. Kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen… Và khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không còn chút biểu hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu đầy” (Trần Mai Anh). Sau đó, Thiện Nhân được chị Trần Mai Anh nhận làm con nuôi với lý do:  “Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp”.

Có thể nói, khi cậu bé Thiện Nhân được trở về ngôi nhà của mình cũng là hành trình tìm lại phần cơ thể đã mất đầy gian khó, đau đớn, vất vả… cùng những giây phút ngộ nghĩnh trẻ thơ, ấm áp hạnh phúc của một gia đình.

Cuốn sách được viết ra và in ngoài dự định ban đầu đã đoạt giải Sách hay

Và để lưu giữ lại hành trình này, chị Trần Mai Anh đã ghi chép nó dưới dạng nhật ký đơn giản và trung thành với sự thật. Những câu chuyện được viết ra, kể lại bằng trái tim của người mẹ bao la và dịu ngọt với độ dài ngắn khác nhau: Có chuyện chỉ vài dòng, có chuyện dài vài trang… nhưng trên hết đó là những dòng viết bình dị của một người mẹ như bao người mẹ đang nuôi con khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Vì thế cuốn sách Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân đến tay độc giả là một “hành trình” hoàn toàn nằm ngoài dự định của chị Mai Anh. Khi Nhà xuất  bản Kim Đồng có ý định tập hợp những ghi chép nhật ký của chị Mai Anh in thành sách là một bất ngờ cho cả hai mẹ con.

Chính điểm xuất phát của cuốn sách là nhật ký nên những gì được viết ra, kể lại hoàn toàn là sự thật. Có ai đó đã nói về giá trị của sự thật: Sự thật không thuộc sở hữu cá nhân mà là báu vật của loài người.

Một câu chuyện thật hay một câu chuyện hư cấu đều có khả năng khiến người ta xúc động. Nhưng những xúc cảm dành cho câu chuyện thật mang tính tự nhân, không phải nương nhờ, là điểm tựa để niềm tin đứng vững. Và không để ai đó khóc xong, cười xong lại tự lau nước mắt và an ủi mình: đó chỉ là hư cấu, đó chỉ là sách vở thôi, hiện thực không như thế.

Hành trình yêu thương– Nhật ký Thiện Nhân là cuốn sách mang trong mình những sự thật vừa trần trụi, đớn đau, vừa như cổ tích với ngọn lửa nhân văn, ấm áp của biết bao người. Việc Giải thưởng Sách hay tôn vinh một cuốn sách thiếu nhi có nội dung hoàn toàn sự thật là một sự ghi nhận của thể loại nhật ký. Văn học nói chung và văn học thiếu nhi không có giới hạn giữa sự thật và hư cấu, miễm là nội dung hấp dẫn, có sức lan tỏa, thuyết phục độc giả. Những câu chuyện lay động lòng người từ sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục và tác động lớn đến nhiều người. Và phải chăng, trong sáng tạo nghệ thuật có những sự thật hiển hiện ở ngay trước mắt chúng ta mà mọi sự hư cấu trở nên bất lực và không cần thiết.

Hành trình yêu thương có lẽ là hành trình mà bất cứ đứa bé nào được sinh ra cũng cần phải được hưởng, dù đứa bé đó đuợc may mắn sinh ra trong một gia đình viên mãn hay có những thiệt thòi. Nếu không có Hành trình yêu thương của con người thì những đứa trẻ khó lòng lớn lên, hoàn thiện về thể chất và nhân cách được.

Sáng 1/10 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ trao Giải Sách hay do Viện Giáo dục IRED, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức. Theo đó, 7 hạng mục sách: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới đã được trao giải. Các cuốn sách được giải bao gồm: Nước Đức thế kỷ XIX - Cuộc cách mạng giáo dục khoa học & công nghiệp của tác giả Nguyễn Xuân Xanh; Dịch phẩm Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác của tác giả Alfred North Whitehead, dịch giả Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường. Bộ sách 7 cuốn về nghiên cứu lịch sử, của tác giả Nguyễn Duy Chính; Dịch phẩm Định chế totem hiện nay của tác giả Claude Lévi – Strauss, dịch giả Nguyễn Tùng. Cuốn; Một vành đai - Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam, tác giả Phạm Sỹ Thành chủ biên; Dịch phẩm Bí Ẩn Của Vốncủa tác giả Hernando De Soto, dịch giả Nguyễn Quang A… Trong đó, cuốn Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân đạt giải Sách hay ở hạng mục sách thiếu nhi.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ