• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ đòn xoáy tên lửa Triều Tiên nhằm vào "tử huyệt" của phòng vệ tên lửa "chồng chất" Mỹ, Hàn

Thế giới 09/09/2019 11:16

(Tổ Quốc) - Những vũ thử nghiệm tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng đang khiến các chuyên gia quân sự quốc tế e ngại vì một lý do đặc biệt.

Chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc Choi Kang mới đây đã chia sẻ với CNN về cảm giác ấn tượng và cả e ngại sau khi xem xét một loạt các bức ảnh miêu tả các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên.

"Đây thực sự là cách suy nghĩ giàu tưởng tượng hoặc sáng tạo trong việc sử dụng tên lửa", ông Choi hiện là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách châu Á tại Seoul, nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, các vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy, lần đầu tiên Bình Nhưỡng đã chủ động sử dụng thử nghiệm vũ khí nhằm vào các nhược điểm trong các hệ thống phòng thử tên lửa tối tân đang bảo vệ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước khi khôi phục thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào tháng 5, Triều Tiên chưa hề phóng đi bất kỳ tên lửa nào kể từ tháng 11/2017. Sự tạm dừng đó là một yếu tố quan trọng trong việc giúp thiết lập các điều kiện phù hợp, chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tông thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

https%3A%2F%2Fcdn

Triều Tiên tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn trong những tháng gần đây (ảnh: CNN)

Tính tới thời điểm hiện tại, hai ông Trump và Kim đã gặp mặt tổng cộng ba lần; tuy nhiên, hai bên được đánh giá là vẫn chưa có nhiều tiến triển thực sự tích cực. Tổng thống Mỹ cố gắng làm giảm bớt ý nghĩa của việc Triều Tiên liên tục tiến hành phóng tên lửa trong những tháng gần đây. Một trong những lý do ông Trump đưa ra là Chủ tịch Kim chỉ đồng ý dừng thử nghiệm tên lửa tầm xa và bom hạt nhân. Mặc dù vậy, các vụ phóng thử của Bình Nhưỡng vẫn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời đe dọa tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chia sẻ với báo giới vào ngày 23/8, Tổng thống Trump nói: "Ông ấy [Kim Jong-un] thích thử nghiệm tên lửa, nhưng chúng ta chưa từng cấm tên lửa tầm ngắn, chúng ta sẽ chờ xem điều gì sẽ tới. Nhiều nước cũng phóng thử những tên lửa như vậy".

Thế nhưng giới chuyên gia lo ngại, các vụ phóng tên lửa chứng tỏ trình độ phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng đã tiến rất xa hơn những gì từng được biết tới. Các tên lửa vừa qua về lý thuyết có thể được kích hoạt trong thời gian thông báo ngắn và bay nhanh hơn các tên lửa trước đây của chính Triều Tiên.

Tôi nhận thấy Triều Tiên có năng lực tên lửa rất, rất mạnh. Và họ có thể triển khai tất cả tên lửa trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn.

Choi Kang

Một số chuyên gia cảnh báo, những tính năng mới có thể được áp dụng lên các tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ.

"Tôi nhận thấy Triều Tiên có năng lực tên lửa rất, rất mạnh", ông Choi nói. "Và họ có thể triển khai tất cả tên lửa trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn".

Nhằm vào khoảng trống

Triều Tiên tạm dùng chương trình vũ khí của mình trong vòng 17 tháng để tham gia các cuộc đàm phán; và chỉ tái khởi động lại từ ngày 4/5 bằng việc thử nghiệm một hệ thống vũ khí mới.

Truyền thông Triều Tiên đưa tin, mục đích của vụ phóng thử là "quan sát khả năng vận hành và độ tấn công chính xác của các thiết bị phóng đa tên lửa tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật".

Chỉ riêng điều này cũng đã đủ gây lo ngại, nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Trong tháng bảy, Triều Tiên tiến hành phóng đi một loạt các tên lửa tầm ngắn ở độ cao trong khoảng 25 – 50km và có tầm bay khác nhau từ 220 – 600km.

Bình Nhưỡng tuyên bố, nguyên nhân là do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung, cũng như Seoul mua một loạt phi cơ chiến đấu F-35.

Độ cao của các tên lửa thử nghiệm khiến ông Choi và các chuyên gia khác phải suy nghĩ bởi vì chúng cho thấy Triều Tiên đang nhằm vào một khoảng trống giữa hai hệ thống phòng thủ tên lửa – hệ thống phòng thử tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Theo ông Choi, mục tiêu của THAAD là các tên lửa có độ cao từ 50 – 150km, trong khi Patriot "quét" các tên lửa ở độ cao từ 30km trở xuống. Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực tìm biện pháp lấp khoảng trống giữa hai hệ thống.

Ông Kim Dong-yub, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Đại học Kyungnam, Seoul nhận xét, các tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên có thể sẽ vượt qua hệ thống phòng thủ Hàn Quốc, do ở độ cao trên chúng sẽ trở nên quá cao cho Patriot và quá thấp cho THAAD – có thể đánh chặn.

Giới phân tích Hàn Quốc tin rằng, Triều Tiên đã phóng thử ít nhất 3 loại vũ khí mới: một hệ thống phóng đa tên lửa dẫn đường, một tên lửa giống tương tự như Iskander của Nga và một "vũ khí mới" thử nghiệm hôm 10/8 có thể bay khoảng 400km.

Hiện chưa rõ, các tên lửa này có được thiết kế để đem theo đầu đạn hạt nhân hay không.

"Hạt nhân hay không… chúng đều đe dọa tới hai đồng minh quan trọng nhất và các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại đông bắc Á", Tướng về hưu Mỹ Vincent Brooks cảnh báo.

Mặc dù vậy, ông Brooks thể hiện sự tin tưởng vào năng lực phòng thủ của liên minh. Ông cho rằng, các vụ thử nghiệm sẽ giúp Mỹ và đồng minh "hiểu được năng lực" của các hệ thống vũ khí mới của Bình Nhưỡng. Trong khi thừa nhận rằng những ngày yên bình đang tạm thời chấm dứt trên bán đảo Triều Tiên, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc vẫn kỳ vọng về một giải pháp hòa bình.

"Tôi mong đợi tới ngày hai miền Triều Tiên không còn phải chịu các ảnh hưởng từ bên ngoài đang ngăn cản họ tự đưa ra quyết định theo cách mình muốn; tôi mong đợi tới ngày khi bán đảo Triều Tiên có thể thống nhất và tôi muốn họ đạt được điều đó", ông Brooks khẳng định.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ