• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị giải pháp triển khai các phương thức dạy học từ xa

Giáo dục 25/03/2020 10:57

(Tổ Quốc) - Trước tình hình sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng phải nghỉ học để phòng ngừa dịch Covid-19, nhà trường triển khai nhiều hình thức dạy học từ xa, mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi tới Bộ trưởng Bộ GDĐT một số đề nghị để triển khai đại trà các phương thức dạy học từ xa thực sự hiệu quả.

Trên trang web của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đăng tải  kiến nghị một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, để chủ trương triển khai đại trà các phương thức từ xa, bao gồm cả cách học trực tuyến (cho một bộ phận cơ sở giáo dục, cả phổ thông và đại học nếu có đủ điều kiện), cũng như cách học qua truyền hình (triển khai đại trà chủ yếu cho giáo dục phổ thông ở những nơi chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao đại trà) thực sự có hiệu quả, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin gửi tới Bộ trưởng Bộ GDĐT 6 đề nghị sau.

Bộ GDĐT nên quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung đã học trước mùa dịch và bắt buộc tất cả học sinh (trừ những trường được Bộ công nhận đủ điều kiện dạy học trực tuyến) phải học trong thời gian nghỉ đến trường trong mùa dịch. Phải tránh tâm lý ở không ít người, kể cả lãnh đạo ngành, là chờ hết dịch các trường sẽ được Bộ cho kéo dài khung thời gian để dạy bù các nội dung còn chưa được dạy trên lớp trước dịch.

Để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tránh lãng phí, đồng thời trợ giúp cho các địa phương gặp khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai đại trà dạy học trên truyền hình cho toàn khối giáo dục phổ thông trong mùa dịch Covid-19, Bộ GDĐT cần trình Chính phủ sớm cho phép Bộ GDĐT chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", không chần chừ, không cầu toàn. Bộ nên kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.

Bộ trình Chính phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

Bộ GDĐT nên khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục (bao gồm cả đại học và phổ thông) đủ điều kiện chủ động chuyển qua hình thức học trực tuyến trong thời gian phải đóng cửa trường do dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông có phương thức dạy thực sự "trực tuyến" và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị giải pháp triển khai các phương thức dạy học từ xa - Ảnh 1.

Dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng ngừa dịch Covid-19

Bộ GDĐT cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn điều kiện để công nhận các kết quả học tập theo các phương thức học từ xa (bao gồm học qua truyền hình, học trực tuyến…) cho phù hợp tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Bộ GDĐT không nên can thiệp quá sâu vào việc chọn lựa phần mềm dạy học trực tuyến mà để cho các trường tự quyết định. Tiêu chí duy nhất để Bộ xét duyệt phần mềm là phần mềm đó có phù hợp với chương trình giáo dục đã được Bộ ban hành và với sách giáo khoa đã được Bộ thẩm định hay không, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục .

Bộ GDĐT có văn bản chỉ đạo cho các Sở giáo dục và các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình/mạng giáo dục ở địa phương lên kế hoạch cụ thể bố trí giáo viên lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh, cùng hội cha mẹ học sinh triển khai việc tổ chức học qua truyền hình/trực tuyến cho các nhóm nhỏ học sinh tại địa bàn, giám sát việc học và đánh giá kết qủa học tập của học sinh,… nhằm khắc phục một số hạn chế của phương thức dạy học trên truyền hình hoặc dạy học trực tuyến. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.

Bộ GDĐT trình Chính phủ chỉ đạo cho giới truyền thông mở chiến dịch tiếp tục tuyên truyền rộng rãi cho các điển hình về ứng dụng thành công dạy học truyền hình/trực tuyến trong mùa dịch và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Về lâu dài Bộ GDĐT cần kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GDĐT xây dựng Đề án triển khai đại trà "Giảng dạy trực tuyến và phát triển tài nguyên giáo dục mở" trong những năm tới nhằm thay thế dần cho phương thức dạy học truyền thống hiện nay, khi có nhu cầu, như nhiều quốc gia đã và đang triển khai, để chủ động đối phó trước mọi thiên tai địch họa.

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ