• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?

Giáo dục 05/08/2019 14:36

Hàng năm, Bộ GDĐT vẫn kiểm tra việc sử dụng văn bằng tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô dù không được đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng vẫn chiêu sinh và cấp bằng cho hàng nghìn sinh viên.

Theo cơ quan điều tra, dù không được Bộ GDĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng nghìn văn bằng.

Trong khi đó, theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT về việc đào tạo văn bằng 2 quy định rõ, việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT và đối với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính qui của ngành đó tốt nghiệp.

Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đề nghị về chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.

Để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

Kể từ năm 2016, trường này đã tuyển sinh hàng nghìn học viên. Nhờ vậy, trường đã thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

avatar_1564978111789

Trường ĐH Đông Đô

Có hay không sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý?

ThS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này không đơn giản là câu chuyện một trường tự đào tạo hàng nghìn học viên qua nhiều năm mà Bộ không hề hay biết và không có sự quản lý.

“Theo quy định, hàng năm các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo tổng số chỉ tiêu tuyển sinh, lượng trúng tuyển, lượng tốt nghiệp, lượng phôi văn bằng đã in, sử dụng... Do vậy, không có chuyện trường đào tạo "chui" mà Bộ không biết. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc trường này có báo cáo đầy đủ với Bộ GD-ĐT hay không; nếu có thì nội dung báo cáo có chuẩn xác không?

Với các đơn vị tổ chức liên quan, kể cả đơn vị quản lý, thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cần xem xét có thực hiện hết trách nhiệm quản lý, giám sát hay không và việc báo cáo kiểm tra thể hiện qua những văn bản, tài liệu nào,…”

“Yếu tố quan trọng là phải xác định bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp có phải là “giả” không. Nếu cơ quan công an làm rõ bằng đại học do trường này cấp là tài liệu giả (giả về con dấu, giả về thẩm quyền cấp bằng, giả về phôi, giả về người có thẩm quyền ký hay nội dung bị tẩy sửa,…) thì người cấp và sử dụng bằng giả có nguy cơ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nói.

Trước những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trước hết Bộ GD-ĐT cần chủ động kiểm tra và làm rõ trách nhiệm về phía mình.

“Chắc chắn có khe hở từ phía Bộ GD-ĐT nên các trường mới có thể lợi dụng điều đó để trục lợi. Với trình độ in hiện tại, muốn làm dối phôi bằng không hề khó. Cho nên, dù việc này đã được phân quyền về các trường nhưng trách nhiệm của Bộ vẫn phải thường xuyên thanh tra, giám sát. Nếu làm chặt chẽ điều này, việc phát hiện ra sai phạm là không khó. Nhưng vừa qua, việc phát hiện sai phạm phía trường Đông Đô của Bộ lại bị chậm”.

Xử lý như thế nào với những bằng đã cấp?

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện nay, các học viên học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường này có thể chia làm hai nhóm: không thi tuyển và "học thật, thi thật".

Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh từ năm 2016 và công khai trên website của nhà trường, có thu học phí, có tổ chức lớp học, thi cử có kết quả thi.

Do vậy, những người học tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung chương trình, “học thật thi thật”; họ không biết được những sai phạm của lãnh đạo, cán bộ nhà trường thì những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi cấp bằng.

Còn trường hợp thứ hai là những người bỏ tiền ra để nhà trường hợp thức hóa hồ sơ, cấp bằng tốt nghiệp dù không tham gia học tập hay thi tuyển thì đương nhiên là không hợp pháp. Trường hợp này cần phải xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng, chứng chỉ đã được cấp.

Nguồn: CafeF

NỔI BẬT TRANG CHỦ