• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoàng Tùng: Nghệ sĩ kịch câm dám đi ngược thị hiếu khán giả

Giải trí 14/11/2017 08:12

(Tổ Quốc) – Nam nghệ sĩ sinh năm 1982 cho biết, là một diễn viên kịch hình thể tại Nhà hát Tuổi trẻ nhưng anh vẫn đam mê kịch câm. Đây là loại hình nghệ thuật không mới ở Việt Nam nhưng lại quá mới với khán giả ngày nay vì thời gian qua đã bị lãng quên. Dù cho xu thế thị hiếu khán giả thờ ơ với các loại hình sân khấu kịch nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Đối với anh, được kể những câu chuyện không lời trên sân khấu là niềm hạnh phúc.

- Anh đang đi ngược dòng thị hiếu khán giả với đam mê kịch câm, vì sao anh chọn con đường này?

+ Tôi bắt đầu đam mê nghệ thuật kịch câm từ lúc 9 tuổi tại Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Khi đó, thầy dạy kịch của chúng tôi có hướng dẫn cho mọi người một vài động tác kịch câm cơ bản. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến kịch câm. Lúc đó, với suy nghĩ của một đứa trẻ, tôi đã không ngừng thắc mắc tại sao nghệ sĩ kịch câm có thể biểu diễn giỏi như vậy, bằng những động tác hình thể như tay, chân, mặt mũi và cơ thể của mình, không cần đạo cụ mà nghệ sĩ kịch câm có thể biến những thứ vô hình thành những thứ hữu hình và họ đã có thể kể được một câu chuyện mà không cần lời thoại.

 Nghệ sĩ Hoàng Tùng đang dạy cho các bạn trẻ loại hình nghệ thuật Kịch câm

Sau đó, tôi chưa có cơ hội được học sâu hơn về kịch câm nhưng trong quá trình theo học ở trường Sân khấu Điện ảnh cũng như công tác tại Đoàn Kịch Hình thể ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi vẫn luôn có hứng thú với việc biểu diễn bằng các động tác hình thể. Đoàn của tôi là đoàn kịch hình thể, thể nghiệm mà kịch câm là một trong số những bộ môn nghệ thuật có phần liên quan tới các yếu tố của các môn nghệ thuật đó, vì thế tôi cũng không lạ với nghệ thuật kịch câm.

- Khi bước chân vào con đường để trở thành một diễn viên kịch câm chuyên nghiệp anh gặp phải khó khăn thế nào?

+ Thời gian đầu khá chật vật, tôi phải tự học hoàn toàn vì không có thày dạy. Các tiết mục diễn chủ yếu vẫn là bắt chước các nghệ sĩ thế hệ trước.

Các nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng từ thời kỳ những năm 80-90 của thế kỷ trước giờ đã nhiều tuổi nên tôi phải tìm mọi cách để được tiếp xúc với các nghệ sĩ nước ngoài, học hỏi qua tài liệu, giáo trình học của nước ngoài, xem tư liệu diễn trên mạng, từ băng đĩa…Sau đó, tranh thủ học hỏi các nghệ sĩ nước ngoài khi họ sang Việt Nam biểu diễn. Việc học tập nâng cao cũng gặp trở ngại do bản thân tôi không được đào tạo bài bản ngay từ đầu, các kỹ năng có được chỉ là góp nhặt nên để diễn được như hiện nay, tôi đã phải rất cố gắng và nỗ lực trong việc tự học.

 Đối với anh được làm nghề mình đam mê đó là hạnh phúc và không cần bận tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền

Kịch câm vắng bóng trên sân khấu Việt Nam suốt một thời gian dài nên hiện giờ khán giả của loại hình nghệ thuật này cũng không nhiều. Ngoài ra, sự hiểu biết của khán giả về kịch câm cũng bị hạn chế. Thậm chí, họ cho rằng kịch câm chỉ dành cho trẻ em hoặc kịch câm là diễn hề…

Ngoài những cố gắng để sáng tạo ra những tác phẩm kịch câm hay, tôi còn phải tìm cách để thu hút khán giả đến với vở diễn, giúp khán giả hiểu thêm về nghệ thuật biểu diễn kịch câm. Để khán giả hiểu được kịch câm ngày nay mang hơi thở của thời đại chứ không như kịch câm của những thập niên trước.

- Được biết, anh đã mở lớp và trực tiếp giảng dạy bộ môn kịch câm, anh nhận xét  thế nào về niềm yêu thích của các bạn trẻ đối với loại hình nghệ thuật nay?

+ Bất kể một bộ môn nào đó, từ đá bóng đến kịch nói, Cải lương…đều cần một quá trình rèn luyện và học tập. Không ai có thể mới bước chân vào đã thành công. Nghệ thuật kịch câm cũng vậy, phải những người theo đuổi đến tận cùng môn nghệ thuật này  sẽ là những người có cơ hội thành công lớn nhất.

Khi bắt đầu, môn kịch câm khó ở phần kỹ thuật. Kịch câm cũng giống như các môn học thể hình khác, cần phải trải qua kỹ thuật điêu luyện mới có chuyên môn tốt. Sau khi nắm được kỹ thuật, phải sáng tác được tác phẩm, dựa trên những động tác cũ. Khi xem tôi biểu diễn, nhiều bạn trẻ rất hào hứng, thích thú và muốn được theo học nhưng đến khi vào học, họ lại nản lòng.

Do vậy những khóa học ngắn ngày của tôi chỉ gieo vào lòng các bạn trẻ biết đến, yêu thích bộ môn nghệ thuật không lời đó là kịch câm. Để chuyên sâu hơn đôi khi còn cần chữ duyên.

- Các nghệ sĩ theo đuổi môn nghệ thuật kịch câm hiện nay đếm trên đầu ngón tay nhưng lại không mấy được quan tâm, chú ý so với các loại hình nghệ thuật khác điều này có khiến anh chạnh lòng?

+ Khác lạ thì sẽ có sự độc đáo. Đã là nghệ sĩ thì phải có sự sáng tạo. Nghệ sĩ làm theo xu hướng cũng là một cách. Tuy nhiên, nếu ai cũng chạy theo xu hướng giống như ai cũng đi xem hài kịch và mọi nghệ sĩ đều chuyển sang làm hài kịch thì sẽ khiến sân khấu sẽ trở nên đơn điệu. Như vậy thì sẽ không tốt. Tôi nghĩ, sân khấu cần phong phú.

Nói thật, thời gian đầu tôi có chạnh lòng, có buồn đấy. Nhưng tôi làm nghề vì niềm đam mê, yêu nghề và không nghĩ đến việc mình kiếm được bao tiền. May mắn, giờ tôi có rất nhiều lời mời nên làm không hết việc. Công việc cuốn mình theo khiến tôi không có thời gian để chạnh lòng.

Đối với tôi, điều quan trọng lúc này phải sáng tác được nhiều tác phẩm hay và mang những tác phẩm đó đến với công chúng, để khán giả có nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu thêm về môn nghệ thuật độc đáo này.

+ Xin cảm ơn nghệ sĩ Hoàng Tùng!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ