• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Học thông qua Chơi": Sự thay đổi tích cực cho con và cha mẹ

Giáo dục 24/10/2023 09:02

Chúng ta dễ dàng kể ra được rất nhiều lợi ích từ hướng tiếp cận giáo dục Học thông qua Chơi (HTQC) với học sinh. Thế nhưng, trong quá trình tương tác, HTQC cũng mang lại giá trị cho cả người áp dụng, đặc biệt là cha mẹ.

Trải qua quá trình học hỏi, trải nghiệm và khá thành công khi áp dụng hướng tiếp cận giáo dục Học thông qua Chơi tại nhà, anh Võ Thanh Vinh, phụ huynh học sinh lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.7, TP.HCM) cho biết, HTQC không chỉ giúp con phát triển toàn diện mà cả nhà anh đều nhận được những ảnh hưởng tích cực.

Theo anh Vinh, khi cùng con chơi một trò đố vui, một ván cờ, làm dụng cụ học tập hay kể cho con nghe một câu chuyện… là lúc ông bà, cha mẹ đang tạo ra những khoảnh khắc chất lượng cho con trẻ, đồng thời thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ.

"Học thông qua Chơi": Sự thay đổi tích cực cho con và cha mẹ - Ảnh 1.

Rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ bằng việc lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi tại nhà.

Còn anh Nguyễn Văn Lương (43 tuổi) ở Vị Xuyên, Hà Giang thì cho rằng, càng thực hành cùng con anh càng nhận thấy lợi ích khi lồng ghép các hoạt động chơi vào việc học. Khoảng thời gian tương tác với cha mẹ giúp con giải tỏa áp lực, dễ dàng mở lòng. Điều này càng có ý nghĩa khi mà bây giờ nhiều trẻ nhỏ bị tivi, iPad, điện thoại... thu hút, dẫn đến việc thiếu chủ động gắn kết với gia đình.

Cũng như anh Vinh hay anh Lương, trong quá trình tương tác để dạy con HTQC, nhiều phụ huynh đều có chung nhận định: Hướng tiếp cận giáo dục này đã mang lại giá trị "kép", vừa cho các con, vừa cho cả người thực hành.

Vô vàn lợi ích cho cả gia đình khi cùng Học thông qua Chơi

Đối với mỗi gia đình, việc dành thời gian để tương tác giữa các thành viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái. Trong quá trình áp dụng hướng tiếp cận giáo dục HTQC, cha mẹ - con cái có nhiều sự giao tiếp, lúc này trẻ sẽ xem cha mẹ như người "bạn đồng hành" và rút ngắn khoảng cách của hai bên. Cha mẹ tương tác với con sẽ tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ và vun bồi tình yêu thương, cảm xúc tích cực trong trẻ. Nói cách khác, quá trình HTQC cùng con sẽ giúp xây dựng tình yêu thương, tin cậy, cái thiện mối quan hệ, tạo sự gắn bó bền chặt giữa cha mẹ và con cái.

Bằng cách cùng chơi những trò chơi hay đọc lại những cuốn sách yêu thích thời thơ ấu, cha mẹ cũng đang "trẻ hóa" và học cách nhìn thế giới từ góc nhìn của con mình, hiểu và giao tiếp với con hiệu quả hơn.

Chỉ cần dành cho con từ 30 phút hay 1h đồng hồ mỗi ngày, chơi và lắng nghe con, chắc chắn cha mẹ sẽ tìm thấy những điều đáng ngạc nhiên về con mình, đồng thời trau dồi được những kỹ năng mới trong quá trình nuôi dạy trẻ. Chẳng hạn như Kỹ năng kiểm soát cảm xúc; Kỹ năng kiểm soát hành vi; Kỹ năng lắng nghe hay Kỹ năng trò chuyện sao cho hiệu quả nhất với trẻ… Hành trình đồng hành cùng con mỗi ngày qua những bài học mà chơi cũng chính là hành trình mà những người lớn học cách để giáo dục con tốt hơn mỗi ngày.

"Bắt nhịp" với hướng tiếp cận giáo dục hiện đại bằng bộ tài liệu hấp dẫn

Bên cạnh đó, việc tiếp cận bộ tài liệu hướng dẫn HTQC và thực hành thường xuyên với con cũng là cơ hội để cha mẹ bắt nhịp với những phương pháp, hướng tiếp cận giáo dục hiện đại. Được biên soạn tỉ mỉ và phù hợp để cha mẹ cả nước có thể đọc, hiểu và áp dụng, bộ tài liệu này mở ra một cửa sổ để thay đổi suy nghĩ của cha mẹ về giáo dục và cùng con trải nghiệm một cách sáng tạo.

"Học thông qua Chơi": Sự thay đổi tích cực cho con và cha mẹ - Ảnh 2.

Không ít gia đình trước đó vẫn giữ quan điểm "học ra học, chơi ra chơi" đã có sự thay đổi về suy nghĩ khi tham khảo tài liệu HTQC hoặc cùng các cha mẹ học sinh khác tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Họ hiểu rằng, mình hoàn toàn có thể lồng ghép các hoạt động để lúc chơi cũng là lúc học. Như vậy, không gian học của con sẽ mở rộng hơn, không bị đóng khung trong những bức tường hay chiếc bàn học nhỏ bé. Trong nhà, ngoài vườn, ở công viên, khu thể thao, siêu thị, bảo tàng… đều có thể là kho kiến thức để phụ huynh hướng dẫn con khám phá và học hỏi.

Ngoài ra, nhờ sự lan tỏa ở cả trường học và gia đình, hướng tiếp cận giáo dục này cũng được nhận định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh và giáo viên, nhà trường. Học sinh về kể với cha mẹ về những tiết học thú vị trên lớp. Cha mẹ các em cũng theo sát và nắm rõ tình hình học tập của con ở trường để có thể phối hợp hướng tiếp cận HTQC ở nhà một cách phù hợp.

Cô Hoàng Thị Hương - Giáo viên dạy lớp 1, trường tiểu học Đạo Đức, xã Đạo Đức - Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết, niềm vui lớn của cô khi áp dụng hướng tiếp cận giáo dục HTQC là được cha mẹ học sinh ủng hộ. Một vài cha mẹ mong muốn dự giờ các tiết học để xem hướng tiếp cận giáo dục này được áp dụng ra sao. Đây chính là chất xúc tác để xây dựng mối quan hệ gần gũi, chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường, từ đó giúp học sinh phát triển toàn diện.

Với những lợi ích thiết thực đó, dù mệt mỏi vì công việc và các vấn đề trong cuộc sống, cha mẹ cũng đừng quên dành một khoảng thời gian trong ngày để thực hành HTQC cùng con, tận dụng những chất liệu trong đời sống để xây dựng cho con một môi trường phát triển giàu trải nghiệm.

Dự án "iPLAY" của Tổ chức VVOB và Bộ GD-ĐT tại Việt Nam đã không chỉ tập trung vào việc cải thiện tiết học tại lớp, mà còn tổ chức các sự kiện Học thông qua Chơi cho cha mẹ học sinh ở nhiều trường tiểu học ở TP.HCM và các tỉnh thành khác. Phụ huynh được hướng dẫn tham gia các hoạt động học thông qua chơi tại nhà, giúp con phát triển toàn diện.

Dự án còn tổ chức nhiều ngày hội Học thông qua Chơi dành cho cha mẹ học sinh tại các trường tiểu học ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành: Chuỗi ngày hội "Học thông qua Chơi" tại các trường tiểu học; 20.100 buổi họp phụ huynh với sự tham gia của 365.711 cha mẹ học sinh lớp 1, 2, 3 tại 810 trường tiểu học toàn quốc. Qua đó, cha mẹ có thể nhìn nhận cởi mở hơn về khái niệm "chơi" và trở thành người bạn đồng hành cùng con trên hành trình khai phá phẩm chất và năng lực cá nhân.

Lan Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ