• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

Thời sự 12/09/2023 21:27

(Tổ Quốc) - Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tổ chức Họp báo quốc tế về Chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Hội nghị được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14-17/9/2023 tại Hà Nội với chủ đề: ''Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo''.

Đồng chủ trì Họp báo có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Quốc hội khóa XV Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền; bà Zeina Hilal, cán bộ Ban Thư ký IPU.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Họp báo về Chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Báo cáo tóm tắt dự kiến chương trình, nội dung Hội nghị và mục đích, ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 14-17/9, là diễn đàn quan trọng để các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam và thế hệ trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi, truyền cảm hứng với hơn 300 đại biểu Quốc hội, Nghị sĩ quốc tế từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. 

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng", Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị thông tin tại buổi họp báo chiều 12/9.

Về chương trình Hội nghị, ngày 14/9, Hội nghị tổ chức Tọa đàm "Tăng cường năng lực số cho thanh niên"; khai mạc Triển lãm thành tựu Đổi mới sáng tạo, sản phẩm OCOP. Hội nghị sẽ có 3 phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề xoay quanh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Trong đó, chuyên đề Chuyển đổi số sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.

Chuyên đề Ðổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Và chuyên đề số 3: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững sẽ tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa, cụ thể: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị khẳng định, qua việc tham gia các hoạt động của Hội nghị, các đại biểu có thể xây dựng mối quan hệ, tạo dựng mạng lưới liên kết với thanh niên, nghị sĩ, nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trên thế giới, giúp đại biểu mở rộng tầm nhìn toàn cầu, khám phá những khía cạnh mới, thấu hiểu hơn những vấn đề toàn cầu.

Thông tin tại buổi họp báo, bà Zena Hial - Giám đốc Chương trình Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới IPU bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam tạo cơ hội để IPU đồng tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 - sự kiện quốc tế đặc thù dành cho thế hệ trẻ. Bà Zena Hial bày tỏ cảm kích trước vai trò của lãnh đạo Việt Nam không chỉ đăng cai tổ chức hội nghị lần này mà còn nỗ lực cải thiện, trao quyền hạn cho giới trẻ và minh chứng rõ rệt nhất là đông đảo các bạn trẻ đến dự sự kiện.

"Đây không chỉ là con số đơn thuần mà là số lượng đại biểu thực sự quan tâm, tới tham dự sự kiện để có thể đóng góp nỗ lực về chủ đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", bà Zena Hial bày tỏ.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ