• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 1 thập kỷ phân vân giữa Mỹ và TQ, Australia cần "tỉnh ngộ": Nghiêng về phe nào cũng dở?

Thế giới 26/05/2020 11:49

(Tổ Quốc) - Mặc dù "cơn thịnh nộ" của Trung Quốc rất nguy hiểm, nhưng việc Australia dựa dẫm vào Mỹ cũng rủi ro không kém, theo ý kiến bình luận được đăng tải trên báo The Guardian (Anh).

Trong vòng hơn 1 thập kỷ, Australia đã phải đối diện với việc phải lựa chọn giữa hai điều gần như bất khả thi, giữa việc thắt chặt quan hệ với Mỹ - đồng minh thân thiết nhất, hay xích lại gần hơn với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, ông Jonathan Pearlman, biên tập viên của các báo Australian Foreign Affairs và The Saturday Paper bình luận trên The Guardian.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến những vấn đề của Mỹ và Trung Quốc lộ ra, Australia lại phải suy nghĩ thêm về một lựa chọn mới: không đứng về bất cứ phe nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không quan tâm đến vai trò lãnh đạo thế giới trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Khác với những người tiền nhiệm của mình, ông Trump không cố gắng tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu thông qua việc kiểm soát các tổ chức quốc tế.

Thay vào đó, với suy nghĩ rằng những tổ chức quốc tế gây ảnh hưởng tới quyền lực của Mỹ, ông Trump lại tìm cách "hủy hoại" chúng, ông Pearlman bình luận.

Tuần trước, ông Trump đã thể hiện cách tiếp cận này khi đe dọa sẽ ngừng tài trợ vĩnh viễn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu tổ chức này không chịu cải cách trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm ông công bố quyết định này.

Tương tự, tác giả bài viết cũng đã đề cập tới những cáo buộc Trung Quốc giấu dịch vào thời điểm dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán, và cho rằng các thông tin do Bắc Kinh công bố là "không đáng tin cậy", qua đó kết luận rằng những động thái của Trung Quốc không chỉ gây nguy hiểm cho những người dân của nước này mà còn gây nguy hiểm cho toàn thế giới.

Trước những diễn biến mới trên toàn cầu, Australia đột nhiên thấy mình mắc kẹt trong một tình thế khó xử: Kể từ Thế chiến II, Australia đã điều động quân đội tham chiến trong mọi cuộc xung đột lớn của Mỹ để chứng minh bản thân là một đồng minh có giá trị, nhưng Washington lại đang khiến sự bất ổn - mà liên minh này được thiết lập để ngăn chặn - ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, Australia đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất trên thế giới.

Ngày nay, việc dựa dẫm vào 2 cường quốc này về an ninh và thịnh vượng ngày càng mang lại nhiều rủi ro hơn. Australia sẽ cần phải tìm đến những đối tác khác, hoặc hành động một mình.

Thế nhưng, thật không may là động thái kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne đã khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Động thái này không chỉ dấy lên nhiều quan ngại về khả năng xử lý những thách thức ngoại giao của Canberra, mà còn cho thấy cái giá Australia sẽ phải trả nếu nước này thất bại, với hậu quả nhãn tiền chính là những đòn trả đũa thương mại mà Trung Quốc đã tung ra.

Hơn 1 thập kỷ phân vân giữa Mỹ và TQ, Australia cần tỉnh ngộ: Nghiêng về phe nào cũng dở? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Tiếng nói lẻ loi" của Australia và cơn thịnh nộ của Trung Quốc

Lời kêu gọi về việc mở cuộc điều tra đã được Ngoại trưởng Payne đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC hồi tháng trước, trong đó bà này cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và WHO - giống như những lời chỉ trích được Nhà Trắng liên tục đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, khi đó Australia lại không kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ đề xuất này. Và khi vô tình trở thành một "tiếng nói lẻ loi" trên trường quốc tế, Australia đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.

Trong vòng 3 năm qua, Australia đã tự hào là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban bố những điều luật toàn diện nhằm kiềm chế sự can thiệp của Trung Quốc, đồng thời là quốc gia đầu tiên cấm triệt để tập đoàn Huawei tham gia vào mạng 5G của nước này.

Nhưng chính những điều này lại phản tác dụng, khiến Bắc Kinh lại càng có cớ phản ứng mạnh hơn.

Để có được sự ủng hộ từ các quốc gia khác đối với đề xuất mở cuộc điều tra, Thủ tướng Morrison đã kêu gọi Tổng thống Trump và các lãnh đạo châu Âu cùng tham gia. Trong khi ông Trump ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ, thì các lãnh đạo châu Âu lại có vẻ miễn cưỡng vì chính họ cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong nước.

Thủ tướng Morrison và Ngoại trưởng Payne cũng đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc "phải" hợp tác trong cuộc điều tra này, dù chưa hề thảo luận với đối phương về đề xuất mở cuộc điều tra.

Đáp lại, các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã có phản ứng vô cùng giận dữ, cùng với đó là những lời đe dọa: Đại sứ Trung Quốc tại Australia đã cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ tẩy chay các mặt hàng rượu ngoại và thịt bò nhập khẩu từ Australia - và chỉ vài tuần sau đó, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu từ 4 nhà cung cấp thịt của Australia, tăng thuế nhập khẩu lúa mạch từ Australia lên 80%, và hạn chế nhập khẩu than đá từ Australia.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nói rằng những động thái trên có liên quan tới việc Australia mở cuộc điều tra về COVID-19; thay vào đó, quốc gia này đã viện dẫn những lí do về y tế, an toàn thực phẩm, mục đích hỗ trợ các nhà cung cấp than đá nội địa... để giải thích về những quyết định của mình.

Cuối cùng, Australia đã phải từ bỏ ý định mở cuộc điều tra độc lập, mà thay vào đó nước này đã tham gia cùng hơn 190 thành viên khác của WHO để nghị quyết về một cuộc điều tra tương tự (do Liên minh Châu Âu đề xuất) được thông qua tại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA).

Cuối cùng, Trung Quốc cũng đã đồng ý thông qua nghị quyết nói trên, và khác với Tổng thống Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chấp thuận lời đề nghị phát biểu tại phiên họp của WHA.

Theo ông Pearlman, Thủ tướng Morrison và nội các chính phủ Australia không sai khi đưa ra đề xuất về việc điều tra COVID-19, bởi thế giới cần hiểu rõ về đại dịch này, và Australia - nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới - cũng cần có trách nhiệm trong việc thúc đẩy thế giới hành động.

Tuy nhiên, trong môi trường toàn cầu mới đầy rẫy những hồ nghi và hỗn loạn này, Australia cần thay đổi cách thức hoạt động của mình, tác giả bài viết bình luận. Cụ thể, Australia cần bớt dựa dẫm vào Mỹ khi hành động, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lập trường của ông Trump.

Australia cũng cần thể hiện vai trò tích cực hơn trong các tổ chức như WHO, đặc biệt là khi Mỹ quay lưng với các tổ chức này và Trung Quốc có ý định thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo. Nhưng Australia cũng cần cho Trung Quốc một cơ hội để thể hiện thiện chí, thay vì cho Bắc Kinh cái cớ để gây hấn.

Hơn hết, Australia cũng cần tham vấn với những đối tác khác, bởi họ có thể có kinh nghiệm về những điều có thể công kích Trung Quốc, tác giả bài viết kết luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ