• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hướng dẫn cách kêu cứu khẩn cấp qua mini app phòng chống thiên tai

Thực hiện: HẠ VŨ | 06/08/2023

(Tổ Quốc) - Mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” sẽ giúp người dân được ứng cứu nhanh chóng, kịp thời khi bị ảnh hưởng bởi mưa bão.

Ra mắt ứng dụng hỗ trợ khẩn cấp trong mùa mưa bão   

Cả nước đã bước vào mùa mưa bão 2023, trước sự tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường: Nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ, sạt lở đất do mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên, sụt lún bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ,... đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. 

Mùa mưa bão 2023: Hướng dẫn cách kêu cứu khẩn cấp qua mini app phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Mini app "Phòng chống thiên tai Việt Nam" trên ứng dụng Zalo.

Trước cao điểm mùa mưa bão sắp đến, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã phát hành ứng dụng "Phòng chống thiên tai Việt Nam" trên nền tảng mạng xã hội Zalo để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khi gặp thiên tai.

Khu vực Tây Nguyên chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng:

Ngày 17/6: Sạt lở tại dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn làm 2 công nhân tử vong; Sạt lở taluy tại TP Bảo Lộc làm 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Ngày 29/6: Xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó nghiêm trọng nhất là tại công trình taluy hẻm 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương.

Ngày 30/7: Sạt lở vườn sầu riêng trên đèo Bảo Lộc vùi lấp chốt trực CSGT làm 3 cán bộ CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.

Một trong những tính năng nổi bật nhất của mini app này là “Kết nối cứu trợ”, giúp người dân nhận được sự ứng cứu kịp thời trong các tình huống nguy cấp. Người dân có thể thông qua tính năng này để cung cấp thông tin liên lạc, gửi định vị kèm mô tả và hình ảnh để lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, danh sách số điện thoại và đường dây nóng sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân có thể liên lạc cơ quan chức năng của địa phương ngay lập tức trong tính năng “Liên lạc khẩn cấp”.

Với tính năng “Phản ánh thiên tai”, người dùng có thể gửi đến cơ quan chức năng tình trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực sinh sống.

Ngoài ra, ứng dụng này có 1 tính năng nổi bật khác chính là bố trí các nút thông tin dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer.

Vậy người dân có thể kêu cứu khẩn cấp qua ứng dụng này như thế nào?

Hướng dẫn sử dụng mini app phòng chống thiên tai

Người dân chỉ cần truy cập vào Zalo, tìm kiếm từ khóa và chọn mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Lập tức, nhóm tính năng liên hệ khẩn sẽ hiển thị trên giao diện ứng dụng, nổi bật là tính năng “Kết nối cứu trợ” và “Phản ánh thiên tai”.

Kết nối cứu trợ

Trong tình huống thiên tai xảy ra, người dân gặp khó khăn như bị chia cắt do mưa lũ, bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, hoặc đang ở khu vực nguy hiểm cần hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ,... cần kết nối cứu trợ, người dân thực hiện các bước sau trên mini app:

Bước 1: Chọn tính năng “Kết nối cứu trợ”.

Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, thông tin hỗ trợ (y tế, thực phẩm, phương tiện), mô tả chi tiết cứu trợ, và hình ảnh địa điểm cũng như tình trạng đính kèm.

Bước 3: Chọn nút “Gửi cứu trợ”.

Mùa mưa bão 2023: Hướng dẫn cách kêu cứu khẩn cấp qua mini app phòng chống thiên tai - Ảnh 3.

Các bước để thực hiện "Kết nối cứu trợ"

Ngoài những trường hợp cần kết nối cứu trợ cho bản thân, người dùng cũng có thể sử dụng tính năng này để giúp những người xung quanh bị gặp nạn cần “kêu cứu”.

Thông tin cứu trợ của người dân ngay lập tức sẽ được xử lý và chuyển trực tiếp đến các cán bộ phụ trách của khu vực gần nhất. Dựa vào hình ảnh, vị trí của tin báo cứu trợ, các cơ quan chức năng tại địa phương sẽ nhanh chóng nắm thông tin, phân loại cứu trợ và phân bổ lực lượng ứng cứu người dân nhanh chóng.

Hướng dẫn phản ánh thiên tai

Mùa mưa bão thường có nguy cơ xảy ra một số loại hình thiên tai bất thường, khó dự đoán trước như động đất, sạt lở,... Tuy nhiên người dân vẫn có thể nhận biết nguy cơ thiên tai bằng một số dấu hiệu xung quanh khu vực mình sinh sống như xuất hiện vết nứt trên tường nhà, sườn đồi; cây cối, cột điện bị đổ nghiêng; mực nước sông, hồ thay đổi bất thường;...

Trong những tình huống trên, người dân sử dụng tính năng “Phản ánh thiên tai” để cấp báo đến cơ quan chức năng về tính trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực. Cụ thể qua các bước dưới đây:

Bước 1: Tại giao diện chính mini app, chọn tính năng “Phản ánh thiên tai”.

Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, loại hình thiên tai (mưa, bão, lũ, sạt lở, động đất…), mô tả chi tiết và hình ảnh đính kèm.

Bước 3: Chọn nút “Gửi phản ánh”.

Với tính năng này, các thông tin phản ánh từ người dân sẽ giúp chính quyền và cơ quan chức năng nhanh chóng có phương án ứng phó hoặc khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra, đảm bảo sự an toàn cho đời sống của người dân.

Mùa mưa bão 2023: Hướng dẫn cách kêu cứu khẩn cấp qua mini app phòng chống thiên tai - Ảnh 4.

Theo cơ quan khí tượng, từ đầu tháng 8 khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp. 

Cơ quan khí tượng dự báo Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong mùa mưa nên vẫn còn nhiều ngày xuất hiện mưa. Mưa tập trung vào chiều tối và tối dưới dạng mưa rào và dông. Cũng trong tháng 8, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 2-3 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến nước ta.

Do đó, người dân cần đề phòng và liên tục theo dõi thông tin thời tiết, thông báo về diễn biến mưa bão qua những kênh như mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo để chủ động ứng phó và liên hệ khẩn cấp để được ứng cứu, hỗ trợ kịp thời.

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ