• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai hội Đền Cả và Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Hà Tĩnh năm 2018

Văn hoá 12/11/2018 09:24

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 11/11, tại Hà Tĩnh đã diễn ra lễ khai hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười và Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt năm 2018. Sự kiện do Sở VHTTDL Hà Tĩnh phối hợp với UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức.

Khai hội Đền Cả và Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Hà Tĩnh năm 2018 - Ảnh 1.

Cổng Tam quan Đền Cả. Nguồn: honglinh.hatinh.gov.vn

Đền Cả (còn gọi là đền Hoàng Thành hay Dinh đô Quan Hoàng Mười) tọa lạc tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Theo tư liệu và tương truyền, đền Cả nguyên ban đầu là nơi thờ quan Hoàng Mười và Tam Lang - thần Rắn, về sau phối thờ thêm Vua cha Bát Hải Động Đình, thờ Mẫu tam phủ, bà Lê Thị Ngọc Dung - Con gái nuôi của vua Lê Lợi...

Đền được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê với kiến trúc theo kiểu tam tòa được làm bằng gỗ có chạm khắc cầu kỳ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đền Cả bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2014, đền Cả được trùng tu tôn tạo giai đoạn 1 với các hạng mục: Khu thờ chính (hạ điện, trung điện, thượng điện), cổng tam quan, nhà soạn đồ lễ, hồ sen, khuôn viên cây xanh, hành lang dạo, bãi đỗ xe....

Lễ hội Đền Cả được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đời sống an lạc, mùa màng tốt tươi. Tại lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Chính vì vậy, đây được xem là một di tích có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Hà Tĩnh.

Tại buổi lễ, các đại biểu cũng đã cắt băng khánh thành giai đoạn 2 Dự án khôi phục Dinh đô Quan Hoàng Mười.

Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Hà Tĩnh mở rộng năm nay được tổ chức tại đền Cả, thu hút hơn 30 nghệ nhân, thanh đồng trên địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc tham gia. Liên hoan nhằm tạo cơ hội cho các nghệ nhân, các đoàn diễn xướng trong tỉnh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, vốn kiến thức về nghệ thuật diễn xướng loại hình này. Qua đó, góp phần định hướng cho cộng đồng, đặc biệt là các thanh đồng nhận thức đầy đủ giá trị và thực hành tín ngưỡng theo đúng quy chuẩn phù hợp với thuần phong mỹ tục, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2020./.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ