• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai thác, phát huy giá trị di tích bền vững: Đừng ngồi trên “kho báu” mà vẫn nghèo

Văn hoá 31/07/2018 13:56

(Tổ Quốc) -Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không để việc sở hữu di sản nổi tiếng thế giới mà vẫn nghèo nhưng cũng không nên bất chấp phát triển mà làm mất di sản.

Đây là vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu trong tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Kho báu di sản

Với hơn 4 vạn di tích được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú.

Sau Hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về Tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững (ảnh Nam Nguyễn)

 

Di sản thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho địa phương từ việc đón khách tham quan. Theo thống kê, khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua. Trong năm 2017, một số di tích như Chùa Hương (Hà Nội) đón gần 2 triệu lượt khách, thu từ phí thắng cảnh khoảng 110 tỷ đồng và phí chở đò khoảng 70 tỷ đồng; Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đón khoảng 925 nghìn lượt khách, thu từ vé đạt khoảng 27 tỷ đồng; Khu di tích Văn miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội) đón khoảng 1,9 triệu lượt khách (trong đó miễn vé cho khoảng 300 nghìn lượt khách), thu từ vé khoảng 46 tỷ đồng. 08 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng...

Chỉ tính riêng với các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, số liệu thống kê đã chỉ ra sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, khi thống kê số liệu khách du lịch trong thời gian lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2017 (sau 03 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút 6,1 triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu. Nhờ đó, riêng nguồn thu hằng năm từ tiền bán vé tham quan của những di sản này đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Có thể thấy, hầu hết các Di sản Thế giới của Việt Nam đã đón nhận sự gia tăng đáng kể cả về lượt khách thăm cũng như doanh thu từ việc bán vé tham quan. Sự thay đổi này cũng hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, thông qua việc giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.

 8 Khu di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã thu về hơn 2.500 tỷ đồng (Ảnh Lê Chung)

Bài toán hài hòa bảo tồn và phát triển

Rõ ràng, khai thác di sản tốt sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho địa phương và người dân ở vùng sở hữu di sản. Bên cạnh đó, hình ảnh văn hóa, đất nước, con người cũng được quảng bá rộng hơn đến thế giới.

Nhưng đáng tiếc là ở những nơi đã khai thác tốt di sản, vẫn còn những hiện tượng tận thu di sản bất chấp pháp luật. Thời gian qua, việc khai thác di sản tại Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang)... đã cho thấy những tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch. Nhưng lợi ích đó cũng dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch… để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép như: việc xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang….

Bên cạnh đó, không phải tất cả các di sản đều đem lại nguồn lợi cho người dân ở địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng miền núi. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng đặt câu hỏi: Tại sao ruộng bậc thang Mù Cang Chải là danh thắng quốc gia, là hình ảnh gắn với vẻ đẹp Việt Nam được thế giới biết đến nhưng người dân làm nên tác phẩm kỳ vĩ này lại nghèo?

Những thách thức trên đặt ra vấn đề cần xử lý hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, một nguyên tắc quan trọng trong phát triển bền vững là cách tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác. Rõ ràng việc quản lý Di sản Thế giới liên quan tới nhiều đối tác không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, cần có biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan quản lý và đối tác ngoài ngành văn hóa, giúp họ nhìn nhận đúng vai trò ngày càng tăng của công tác bảo tồn di sản, xét trên cả phương diện kinh tế và chính trị. Cùng với đó, còn giúp cho những đối tác này có thể đóng góp một cách hiệu quả trong hai lĩnh vực vừa nêu.

Việt Nam đang hướng đến bảo tồn di sản để phát triển bền vững (ảnh quangbinhtravel.vn)

Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng khẳng định: “Công tác ra quyết định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản muốn đạt hiệu quả thì không nên xé lẻ, tùy thuộc thời điểm hay địa điểm; bảo tồn di sản chỉ thực sự có hiệu quả nếu như mối quan tâm của các bên liên quan được đặt trên cùng một bàn đối thoại với mục tiêu bao trùm là phát triển bền vững. Phương châm của Việt Nam là “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn” cũng cần được điều chỉnh thành “bảo tồn để phát triển bền vững” và “phát triển bền vững để bảo tồn”.

Cũng theo đại diện UNESCO tại Việt Nam, Chính sách của UNESCO về Di sản Thế giới và Phát triển Bền vững năm 2015 có một nguyên tắc cơ bản không đổi là: “Các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản”. Với quan điểm này, các mục tiêu phát triển trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch tại các khu Di sản Thế giới cần được xây dựng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đo lường được về phương diện chất lượng và tính bền vững, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong các mục tiêu và chỉ tiêu về số lượng khách du lịch và doanh thu. Nếu tiếp tục đơn thuần dựa trên các mục tiêu và chỉ tiêu về doanh số và doanh thu, nguy cơ ở đây là việc phát triển một loạt các cơ sở hạ tầng để tăng lượt khách mà coi nhẹ việc đánh giá tác động với Khu Di sản và tác động tới văn hóa địa phương hay sức chịu tải của Khu Di sản. Bởi mục đích sau cùng là đảm bảo không mất đi tính nguyên vẹn. Nếu các hoạt động phát triển tiếp tục được thúc đẩy trong khung kế hoạch ngắn hạn thiếu hợp lý, thì trong dài hạn, sẽ dẫn tới việc suy giảm nguồn khách có chất lượng và việc đảm bảo thực thi các quy định hành pháp sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi đã có tiền lệ, đôi khi sẽ dẫn đến những trường hợp chệch hướng khó sửa chữa để có thể trở về hiện trạng ban đầu.

Tới đây, Bộ VHTTDL sẽ soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về Tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững. Chúng ta có thể kỳ vọng, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa đã ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, Chỉ thị ra đời sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý thích hợp; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, đồng thời tạo động lực định hướng cho các hoạt động bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ