(Tổ Quốc) - Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại được tổ chức sẽ góp phần quảng bá và giới thiệu tới người dân và du khách về di sản văn hoá Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hoá dân gian trong đời sống đương đại.
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại sẽ chính thức diễn ra vào tối nay ngày 13/12 tại khu vực Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ bao gồm các hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống của 16 làng nghề, với sự tham gia của các nghệ nhân trình diễn quy trình thực hành các sản phẩm có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ phát huy giá trị trong đời sống đương đại như: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), Nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), Nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), Nghề quạt Chàng Sơn, Nghề làm chuồn chuồn Thạch Xá, Nghề mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Nghề sơn khảm Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Nghề nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai), Nghề thêu ren Thắng Lợi, Nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)...
Bên cạnh đó là không gian giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), Nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh), Nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hoà) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; Nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (huyện Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và trang phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt…
Tại không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại sẽ giới thiệu và triển lãm những tác phẩm nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại với việc sử dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại trong triển lãm đa phương tiện "Tranh dân gian Hàng Trống" nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh dân gian Hàng Trông, cũng như các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh gốm và tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay... Đặc biệt tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mang tên "VỤN ART" được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Du khách được tham quan, trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân.
Ngoài ra, chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại vào 19h30 các ngày 14 và 15/12 sẽ giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể do các nghệ nhân tại Hà Nội trình diễn như: Hát Chèo tàu, hát Dô, hát Xẩm, hát Ví, hát Trống quân...
Các hoạt động này nhằm hưởng ứng sự kiện Hà Nội được vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO - lĩnh vực Thiết Kế. Đây là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.