• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá cơ hội đầu tư nước ngoài vào ngành hàng không Việt Nam

Kinh tế 27/09/2023 10:54

(Tổ Quốc) - Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành hàng không Việt Nam từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trong ngành, theo Vietnam Briefing.

Theo Vietnam Briefing, thị trường hàng không Việt Nam có tính cạnh tranh cao, dân số tiềm năng trên 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, phân khúc giá rẻ do VietJet Air thống trị có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Sự đi lên đáng chú ý của VietJet Air là minh chứng cho sự tiến bộ mang tính đột phá của khái niệm hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2023, thị phần của VietJet Air có sự chuyển biến rõ rệt; với hơn 10.000 chuyến bay, hãng chiếm 37,6% tổng số chuyến bay của các hãng hàng không nội địa Việt Nam.

Việc các hãng hàng không giá rẻ tiếp tục mở rộng, cùng với bối cảnh cạnh tranh hiện tại đang là một môi trường đầy thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm cách thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường hàng không Việt Nam.

Khám phá cơ hội đầu tư nước ngoài vào ngành hàng không Việt Nam - Ảnh 1.

Có nhiều cơ hội đầu tư trong ngành hàng không Việt Nam. Ảnh minh họa: Vietnam Briefing.

Cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ trọng điểm

Trong khi đầu tư trực tiếp vào các hãng hàng không hoặc việc thành lập các thương hiệu nội địa mới có thể không hấp dẫn các nhà đầu tư, thì vẫn có những ngành hỗ trợ khác, như cung cấp suất ăn hàng không, sản xuất phụ tùng và đào tạo, mang lại những con đường sinh lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tiên là lĩnh vực phục vụ hàng không, ví dụ như cung cấp bữa ăn và vận chuyển hàng hóa cho các chuyến bay. Sau thời gian trì trệ do dịch bệnh, các hãng hàng không đang dần trở lại mức hoạt động như trước đại dịch. Khi nhu cầu đi lại tăng lên, nhu cầu về dịch vụ ăn uống trên chuyến bay cũng tăng theo.

Hiện nay, nguồn cung ở lĩnh vực này không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tại Việt Nam, chỉ có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp suất ăn hàng không là Noi Bai Catering, Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam (VINACS), Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MASCO) và Công ty TNHH suất ăn hàng không Việt Nam (VACS).

Đáng chú ý, cũng đã có tiền lệ cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. TASECO Airs nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam đã đầu tư vào VINACS từ năm 2015. Tình hình kinh doanh hiện nay của ngành suất ăn hàng không Việt Nam cũng khả quan sau một thời gian thua lỗ vì dịch bệnh. Chẳng hạn, doanh thu của trà sữa Lotus Sky đạt 13,9 tỷ đồng (571.500 USD) sau khi lan truyền trên mạng xã hội, theo báo cáo thường niên năm 2022 của Noi Bai Catering.

Tiếp đó, sản xuất phụ tùng cũng là một ngành đầy hứa hẹn mang lại cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư. Việt Nam có chi phí lao động rất cạnh tranh và có vị trí chiến lược để các nhà đầu tư trong ngành sản xuất phụ tùng có thể tận dụng để thành lập các dự án kinh doanh sinh lời.

Mới đây, tại Vietnam International Sourcing Expo 2023, Airbus, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, đã tiết lộ kế hoạch thiết lập chuỗi cung ứng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Năm 2019, Universal Alloy Corporation Asia (UAC), nhà sản xuất linh kiện máy bay nổi tiếng của Mỹ, cũng đã đầu tư đáng kể 170 triệu USD để thành lập cơ sở sản xuất hiện đại đặt tại Đà Nẵng. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy ở Đà Nẵng này được xuất khẩu cho các công ty hàng không vũ trụ như Boeing, Airbus, Embraer và Bombardier.

Khi ngành hàng không tiếp tục phát triển, nhu cầu về các chuyên gia lành nghề tiếp tục tăng cao. Đây là thời điểm dịch vụ đào tạo nhân viên hàng không phát huy tác dụng, mở ra các lĩnh vực đào tạo phi công máy bay, nhà quản trị hàng không, nhân viên kỹ thuật. Đây cũng là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng.

Ngoài ra, một số trường đại học quốc tế cũng đã giới thiệu chương trình đào tạo hàng không tại Việt Nam. Đáng chú ý, RMIT Việt Nam đã công bố chương trình Cử nhân Khoa học Ứng dụng (Hàng không) vào năm 2021. Chương trình giảng dạy toàn diện này chuẩn bị cho sinh viên đảm nhận nhiều vai trò đa dạng, bao gồm vận hành máy bay, sân bay, dịch vụ mặt đất và các quy trình an toàn.

Những tín hiệu tích cực cho tương lai hàng không Việt Nam

Đã có một số tin tức tích cực trong lĩnh vực hàng không Việt Nam thời gian gần đây.

Thứ nhất, đã có sự tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không và hệ thống sân bay giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã phê duyệt xây dựng 8 sân bay mới, nâng tổng số lên 14 sân bay quốc tế và 19 sân bay nội địa. Đặc biệt có ý nghĩa là dự án sân bay Long Thành, dự kiến sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành.

Số lượng mua máy bay cũng tăng lên. Mới đây, Vietnam Airlines và Boeing đã ký biên bản ghi nhớ, củng cố hợp đồng mua 50 máy bay Boeing 737 Max. Thương vụ trị giá 10 tỷ USD này là khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng cao công suất cho hãng. Tương tự, công ty Carlyle Aviation Partners thuộc Tập đoàn Tài chính Carlyle của Mỹ sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu bay của Vietjet và Boeing.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng và mua máy bay mới cho phép các hãng hàng không tăng công suất, mở các đường bay mới, nâng cao sự thoải mái cho hành khách và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là khoản đầu tư chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và duy trì tính cạnh tranh trong ngành. Điều này cũng giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ