• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá nét văn hóa Tết cổ truyền của người dân Đà Nẵng

12/02/2018 08:12

(Cinet)- Nếu bạn muốn có kỷ niệm khó quên cùng một chuyến du lịch đặc biệt khám phá phong tục tập quán truyền thống trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 này, thì Thành phố Đà Nẵng chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng nhất trong hành trình du xuân của bạn.

(Cinet)- Nếu bạn muốn có kỷ niệm khó quên cùng một chuyến du lịch đặc biệt khám phá phong tục tập quán truyền thống trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 này, thì Thành phố Đà Nẵng chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng nhất trong hành trình du xuân của bạn.



Phong tục, tập quán của người Đà Nẵng trong ngày Tết



Tết bắt đầu cho một năm mới đầy hy vọng, vì thế ở Đà Nẵng, vào tháng Chạp, mọi người đã rục rịch chuẩn bị đón Xuân. Những công việc như quét dọn, sơn sửa nhà cửa cho sạch đẹp, giặt giũ rèm màn, đánh bóng lư đồng, mua sắm những đồ dùng mới để thay thế những đồ cũ, may quần áo mới để mặc cho đẹp trong những ngày Tết… đã diễn ra từ nhà dân đến đình, chùa vào đầu tháng chạp, trên khắp các nẻo đường thành phố Đà Nẵng.



Trong khi đàn ông lo chỉnh trang nhà cửa thì cánh phụ nữ lo trổ tài làm các thứ bánh mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, kim quật, bánh đậu xanh nướng, bánh phục linh, bánh dẽo, bánh khô khảo, bánh bảy lửa… Ngày nay người ta thường mua các loại bánh kẹo công nghiệp sản xuất ở trong nước và nước ngoài cho tiện dụng và sang trọng nhưng dù sao nó vẫn không thay thế hết được các loại bánh mứt cổ truyền.
Bánh Tổ. Ảnh: chabocole.com
 


Có hai thứ bánh không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên ở Đà Nẵng là bánh Tổ và bánh Tét. Bánh Tổ là đặc sản có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán của người dân Đà Nẵng, được làm từ nếp hương và đường bát có thêm vào ít gừng tươi giã nhuyễn để tạo mùi thơm. Bánh Tổ không đổ vào khuôn mà được đựng trong những rọ đan bằng nan tre vót mỏng, hình tròn, to bằng cái bát, đường kính khoảng 18- 20cm, bên trong lót lá chuối. Trên mặt bánh có rắc mè rang vàng cho thêm hương vị. Bánh Tổ sau khi hấp chín thì lấy ra khỏi rọ, để chỗ thoáng mát cho nguội, có thể cắt thành từng lát để ăn hoặc nướng trên than hồng nhỏ lửa, khi bánh nở phồng ra là có thể ăn được, nhưng ngon nhất vẫn là món bánh Tổ chiên. Những lát bánh mỏng thả vào chảo dầu nóng phồng lên, vàng rụm trông hấp dẫn. Nhai miếng bánh Tổ chiên, ta cảm được vị ngọt đậm đà của đường, quyện với mùi thơm của gừng tươi cay cay, hòa với vị dẽo thơm của nếp hương thật là tuyệt.



Bánh Tét là loại bánh được dùng phổ biến trong ngày Tết của người kinh và một số dân tộc ít người tại miền Trung và miền Nam nước ta. Ở Đà Nẵng, bánh Tét có hình trụ, đường kính từ 10-15cm, dài khoảng 30-40cm. Nguyên liệu chính dùng để gói bánh là nếp, đậu xanh, thịt heo. Bánh được gói bằng lá chuối rồi buộc bằng những sợi lạt tre chẻ mỏng. Bánh Tét không để được lâu nên người ta thường gói bánh vào những ngày giáp Tết. Muốn để lâu hơn thì gói bánh chay chỉ có nhân đậu xanh chứ không dùng thịt heo. Bánh Tét không cắt bằng dao mà dùng sợi lạt để cắt. Mở lạt cột bánh, lột lá chuối xong, lấy sợi lạt khoanh tròn đòn bánh, kéo mạnh hai đầu, vòng dây lạt siết chặt vào đòn bánh cắt rời những lát bánh láng lẩy, tròn vo vừa nhanh gọn vừa đẹp không bị méo mó như cắt bằng dao. Có lẽ do cách cắt bánh đặc biệt mà các loại bánh khác không có nên bánh được mang tên là bánh Tét.
Bánh Tét. Ảnh: chabocole.com
 
Ngày Tết, người Bắc thường có món thịt nấu đông còn người Đà Nẵng thì có món thịt muối. Gọi là thịt muối nhưng không có muối mà chỉ có nước mắm ngon nấu với đường cát trắng thành một thứ dung dịch đặc sánh vừa mặn vừa ngọt một cách đậm đà dùng để ngâm thịt và  còn có dưa món ăn với bánh tét. Thịt dầm mắm là món ăn khá được yêu thích của người dân Đà Nẵng. Thịt phải tươi ít mỡ. Người ta dùng lạt mỏng buộc chặt lại rồi luộc cho thịt chín sau đó dầm mắm. Nước mắm phải là nước mắm ngon có độ đạm cao thì thịt mới ngon, đổ một chén nước mắm thì thêm một chén đường. Sau khi xếp thịt vào hũ, đổ mắm ngập bề mặt. Đợi khoảng 4-5 ngày khi thấy lớp da và thịt chuyển sang màu vàng là có thể ăn được. Thịt dầm ăn kèm bánh tráng và rau sống là hợp gu luôn nhé, là món ăn cực ngon dành cho ngày Tết ở Đà Nẵng.



Hiện nay người dân Đà Nẵng vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán của tổ tiên trong những ngày lễ Tết như: Tục thăm mộ ông bà, Tục lắng nghe tiếng thú vật kêu trong giờ Giao thừa, Tục Xuất hành, Tục Đạp đất (còn gọi là xông đất)… Những lễ nghi, phong tục của ngày Tết Nguyên Đán thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, là tấm gương phản ánh tâm hồn của người dân thành phố Đà Nẵng. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền đó chính là tạo sức mạnh để người dân “Thành phố pháo hoa” vững tin bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới mà không đánh mất mình.



Phong phú hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp Tết



Ngoài những nét tiêu biểu về văn hóa với những tinh hoa được đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Thành phố Đà Nẵng còn mang đến một sức sống mới với những hoạt động văn hóa đặc sắc. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, các đơn vị văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức hơn 70 hoạt động văn hóa, thể thao. Vào đêm giao thừa, trong khi chờ đợi những màn pháo hoa chào đón khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, chương trình nghệ thuật được các đơn vị phục vụ người dân và du khách. Theo đó, tại công viên bờ đông cầu Rồng, chương trình nghệ thuật của Nhà hát Trưng Vương với 36 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và kỳ vọng vào một vận hội mới của đất nước. Tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu – ở hai điểm bắn pháo hoa của thành phố, cũng sẽ diễn ra chương trình văn nghệ đón giao thừa với nhiều tiết mục sôi nổi chào mùa xuân mới. Ngoài ra, trên địa bàn 7 quận, huyện sẽ tổ chức các điểm hô hát bài chòi, trưng bày báo xuân, chương trình nghệ thuật, đêm thơ…
Không gian Tết tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Linh với hoa mai, hoa đào, bánh chưng xanh, câu đối Tết... Ảnh: Báo Đà Nẵng
 


Hoạt động của bảo tàng cũng được đổi mới. Bên cạnh việc trưng bày, mở cửa phục vụ khách tham quan trong suốt dịp Tết thì Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú) tổ chức chương trình “Hái lộc đầu Xuân (mồng Một Tết), Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức chương trình đón khách tham quan và tặng quà trong các ngày đầu năm (mồng Một đến mồng Ba).



Trong dịp này, du khách có thể trẩy hội hoa xuân dọc hai bờ sông Hàn và tham gia các sự kiện văn hóa, giải trí như: xem trình diễn tiết mục đoạt giải tại Cuộc thi Tài năng nghệ thuật thành phố Đà Nẵng xuân Mậu Tuất 2018 chủ đề “Giai điệu sắc màu”, biểu diễn nhạc hơi của Câu lạc bộ Kèn hơi Đà Nẵng, Hô hát Bài Chòi của Câu lạc bộ Dân ca bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố…
Vườn hoa phía tây cầu Rồng hứa hẹn một sắc thái mới, lạ. Báo Đà Nẵng
 


Ngày Tết ở Đà Nẵng hôm nay, không chỉ nhà tư nhân mới trang trí cho đẹp mà những đường phố như đường bờ sông Bạch Đằng, đường Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn cũng giăng đèn kết hoa rực rỡ. Đặc biệt là con đường hoa Bạch Đằng với những công trình nghệ thuật bằng hoa tươi muôn màu, muôn sắc được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cùng với các tác phẩm điêu khắc bằng đá trưng bày trên bờ sông Bạch Đằng… sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút biết bao người dân địa phương và khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Đà Nẵng tham quan, thưởng ngoạn vào dịp nghỉ Tết.



Minh Huyền

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ