• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi bác sỹ được trả ơn bằng máu: “Ai sẽ bảo vệ chúng tôi?

Sức khỏe 14/05/2017 15:16

(Tổ Quốc) - Bác sỹ đang dốc sức cứu con thì bị cha đánh ngất xỉu hay đang cấp cứu thì côn đồ xông vào tận phòng chém liên tiếp vào bệnh nhân..., đây có lẽ chỉ là câu chuyện đùa đối với ngành Y tế của những nước phát triển.    

Khi Bác sỹ được trả ơn bằng máu

Ngày 16/4, tại BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), trong lúc đang xem hồ sơ bệnh án, Bác sỹ Lê Quang Dương – Phó Khoa Hồi sức cấp cứu bị bố bệnh nhi dùng cốc thuỷ tinh đập  thẳng vào đầu trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến.

Bác sỹ Lê Quang Dương bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh khi đang làm việc.

Được biết, sự việc xảy ra khi Bác sỹ Dương đang giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhi cho gia đình và viết bệnh án thì bất ngờ bị hành hung. Cú đánh mạnh khiến bác sĩ Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương phải khâu 7 mũi và đang theo dõi chấn thương sọ não. Không những vậy, đối tượng này còn dùng nhiều lời lẽ hăm dọa nhân viên y tế.

Nói về sự việc này, Ths.BS Lê Tuấn Thành - Bệnh viện Quốc tế City trăn trở: "Chúng tôi sẵn sàng lao vào máu của bệnh nhân để cứu người, nhưng không bao giờ chấp nhận vì cứu người mà chúng tôi bị đổ máu oan. Hình ảnh trang bệnh án dính máu, chiếc áo blouse trắng bị nhuộm màu đỏ tại Bệnh viện ĐK Thạch Thất vừa qua khiến những người làm nghề Y chúng tôi không khỏi băn khoăn. Liệu ai sẽ bảo vệ chúng tôi đây?"

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, ghi nhận có ít nhất 20 vụ điển hình về mất an ninh, trật tự trong BV. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở BV tuyến tỉnh (chiếm 60%), BV tuyến T.Ư (20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là BS (70%), điều dưỡng (15%), trong đó có nhiều vụ xảy ra khi BS đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.

An ninh, bảo vệ "bất lực" khi có biến

Sự việc tại BVĐK Thạch Thất chưa kịp lắng xuống, chỉ ít ngày sau đó tại Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) lại xảy ra một vụ "thanh toán" nhau ngay tại gường bệnh của phòng cấp cứu khiến cho những người có mặt thời điểm đó một phen kinh hồn bạt vía. Gần 20 tên côn đồ mang theo hung khí xông thẳng vào bệnh viện chém đứt phế quản của một thanh niên đang nằm cấp cứu trước sự bất lực của đội ngũ an ninh, bảo vệ bệnh viện.

Bệnh viện Đại học Y, nơi xảy ra vụ chém người ngay tại phòng khám.

Tiếp đó là vụ việc ngày 7/5 tại BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ), 3 thanh niên đưa một bệnh nhân nữ có biểu hiện ngất xỉu đến cấp cứu tại bệnh viện. Khi được nhân viên y tế mời ra ngoài chờ để thực hiện cấp cứu bệnh nhân, một trong số 3 thanh niên đó tỏ thái độ không hợp tác. Nguy hiểm hơn, các thanh niên manh động này còn mang súng đến bắn vào bảo vệ, uy hiếp y bác sỹ BVĐK Hùng Vương. Rất may không có thương tích về người do viên đạn sượt qua vai nhân viên bảo vệ làm vỡ kính xe ô tô đỗ gần đó.

Qua hai sự việc này, có thể khẳng định là đội ngũ an ninh, bảo vệ của các bệnh viện dường như "bất lực" trước những đối tượng hung hãn. Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cũng cho rằng, hiện nay, chỉ các BV lớn mới có sự phối hợp với công an địa phương. Đa số các BV còn lại chủ yếu thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân. Tại một số BV, nhất là BV cấp cơ sở, trang thiết bị về an ninh bảo vệ rất hạn chế, thiếu thốn. Hầu hết nhân viên bảo vệ tại các BV đã ít lại thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trong phản ứng với các tình huống nguy hiểm.

Tại hội nghị tăng cường an ninh, trật tự BV do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều giải pháp hữu hiệu đã được nêu ra. Bên cạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh, an toàn người bệnh; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để hạn chế và răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện, ngành y tế đề nghị bổ sung vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, dù là giải pháp gì thì cũng cần sớm triển khai bởi tính mạng, sự an nguy của những người thầy thuốc vẫn đang là nỗi lo từng ngày, từng giờ.

Thế Công

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ