• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững

Thực hiện: Đức Hoàng | 09/11/2023

(Tổ Quốc) - Dư địa của tỉnh Quảng Nam rất đa dạng và phong phú để phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp du lịch. Hơn nữa, du lịch xanh được cho là chiến lược phát triển bền vững, hướng tới định vị thương hiệu du lịch của vùng đất “chưa mưa đà thấm” này.

Diễn đàn Khởi nghiệp du lịch - Hướng phát triển xanh và bền vững vừa diễn ra tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) là cơ hội để cộng đồng du lịch tỉnh có cái nhìn mới về khai thác tài nguyên du lịch hiện nay; chuyển giao khoa học công nghệ và khởi nghiệp du lịch; xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm mới… Diễn đàn do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ở lĩnh vực du lịch. 

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 1.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn Khởi nghiệp du lịch - Hướng phát triển xanh và bền vững.

Du lịch xanh mang lại giá trị hạnh phúc

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều mô hình khởi nghiệp ở lĩnh vực du lịch đã hình thành, phát triển và được du khách đánh giá cao. Các mô hình này đã đóng góp tích cực trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch nông thôn, cũng như góp phần giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam và văn hóa của vùng đất này.

"Tuy nhiên, số lượng dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực du lịch còn khá khiêm tốn, trong khi dư địa phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch gắn với hoạt động thể thao... ở tỉnh Quảng Nam là rất lớn. Chúng ta có thể thấy tiềm năng và thời cơ để phát triển thêm các sản phẩm du lịch khi phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (đều thuộc tỉnh Quảng Nam) là những điểm đến khó có thể bỏ qua trong hành trình du lịch của du khách", ông Sơn nói.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 2.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam.

Khu đền tháp Mỹ Sơn vẫn thu hút ổn định lượng khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, đô thị cổ Hội An liên tiếp được các tổ chức du lịch uy tín thế giới lựa chọn là điểm du lịch văn hóa hàng đầu trong khu vực.

Mới đây, Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây là cơ hội để phát triển thêm các sản phẩm du lịch vệ tinh, bổ sung cho các điểm đến du lịch chính của tỉnh Quảng Nam.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, với nhu cầu của thị trường và du khách, những người làm du lịch ở tỉnh Quảng Nam đã sớm nhận ra rằng, du lịch xanh là nhu cầu của sự phát triển và cũng phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tài nguyên du lịch địa phương này.

"Nhiều doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Quảng Nam đã thay đổi phương pháp quản trị, hướng tới thúc đẩy sự tử tế trong kinh doanh dịch vụ, chia sẻ trách nhiệm với môi trường, tái tạo tài nguyên và lợi ích cộng đồng để thiết lập con đường phát triển bền vững. Có thể họ đã nhìn thấy và hy vọng du lịch xanh sẽ mang lại giá trị hạnh phúc cho doanh nghiệp mình", ông Thanh chia sẻ.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài thích thú đạp xe tham quan du lịch vùng ngoại ô TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Những năm qua, Hiệp hội du lịch Quảng Nam tin rằng, thay đổi để phát triển du lịch "xanh" là lựa chọn tất yếu. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã chọn mục tiêu theo từng giai đoạn, từ "du lịch không rác thải nhựa" đến "xây dựng sản phẩm sáng tạo trên nền tảng văn hóa - giá trị truyển thống", nền tảng nông nghiệp thuận nhiên, du lịch chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và "dấu chân sinh thái".

Xanh nên là ý tưởng khởi nghiệp hơn là giải pháp đối phó

Bà Hà Thị Diệu Viên - đại diện Silk Sense Hoi An River Resort cho rằng, du lịch xanh trở thành một xu hướng quan trọng và là cách hiệu quả để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Định hướng du lịch xanh là chiến lược phát triển bền vững và định vị thương hiệu du lịch của Quảng Nam hiện tại cũng như tương lai.

"Việc thực hiện du lịch xanh chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp nào cũng có thể phát triển theo hướng xanh - bền vững và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng quyết tâm theo đuổi con đường phát triển này", bà Viên nhấn mạnh.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 4.

Các đồ dùng trong phòng khách sạn Silk Sense Hoi An River Resort được làm bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 5.

Silk Sense Hoi An River Resort là một trong 11 doanh nghiệp đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam; giành những giải thưởng về bảo vệ môi trường, khách sạn xanh và là khu nghỉ dưỡng đầu tiên thực hiện tự công bố "Không rác thải nhựa".

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc định vị và phát triển thương hiệu theo hướng xanh, bà Viên cho biết, đầu tiên là "cam kết bền vững". "Hãy bắt đầu bằng việc cam kết bền vững đối với môi trường và cộng đồng. Điều này nên được phản ánh trong sứ mệnh, giá trị cốt lõi và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Cam kết đó không chỉ được thể hiện bằng văn bản, mà còn phải thông qua hành động cụ thể", bà Viên nêu.

Thứ hai là "đưa ra các sản phẩm, dịch vụ xanh". Bà Viên giải thích: Đối với doanh nghiệp du lịch, việc tận dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình xây dựng và trang trí nội thất là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc đưa ra các sản phẩm, chương trình du lịch bền vững vừa tạo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, vừa mang lại giá trị và lợi ích cho xã hội, cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ di sản văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.

Thứ ba là "tạo và truyền tải thông điệp xanh đến với du khách". Theo đại diện Silk Sense Hoi An River Resort, truyền thông về cam kết bảo vệ môi trường và thúc đẩy du lịch bền vững giúp xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp. Khách hàng thường đánh giá cao những doanh nghiệp cam kết bền vững và sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn để tham gia các trải nghiệm du lịch xanh.

"Xanh nên là ý tưởng khởi nghiệp hơn là giải pháp đối phó. Doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng này với tầm nhìn xa hơn và cam kết sâu sắc. Du lịch xanh đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy kinh doanh và tích hợp nguyên tắc bền vững vào mọi khía cạnh của hoạt động. Điều này không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, tạo cơ hội cho du lịch trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn", bà Viên khẳng định.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 6.

Điểm đến "Lò gạch cũ" ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - từ một lò gạch cũ, bỏ hoang nhiều năm được "biến" thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

2024 là năm đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Nam

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam thông tin: Việc áp dụng chuyển đổi số vào khởi nghiệp du lịch, phát triển xanh và bền vững là một trong những định hướng quan trọng nhằm thu hút khách du lịch.

"Chúng tôi đã và đang xây dựng hệ thống du lịch thông minh bao gồm các trang web và các ứng dụng. Cùng với đó, vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình theo hướng xanh, từ đây tích hợp trực tiếp vào hệ thống du lịch chung của toàn tỉnh", ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, Sở VHTTDL đang xây dựng dữ liệu số của ngành. Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có dữ liệu để tìm kiếm khách hàng mục tiêu chính xác hơn. Hơn nữa, dữ liệu số sẽ giúp du khách dễ dàng tìm kiếm những địa chỉ phục vụ nhu cầu của bản thân như: tour, trải nghiệm, ăn uống…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định, tỉnh chú trọng khởi nghiệp du lịch xanh trong thời gian qua và phát triển trong thời gian đến. "Tỉnh Quảng Nam chủ trương năm 2024 là năm đa dạng sinh học, sẽ có nhiều chương trình hướng đến trực tiếp du lịch xanh từ rừng xuống biển", ông Bửu nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan chức năng, huyện thị, doanh nghiệp, diễn giả… tham mưu cho tỉnh những cơ chế, chính sách cho lĩnh vực khởi nghiệp du lịch xanh, từ đó xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển du lịch xanh.

Khởi nghiệp du lịch theo hướng phát triển xanh và bền vững  - Ảnh 7.

Khách Tây tham quan làng rau Trà Quế, Hội An.

Biến rủi ro, thách thức thành cơ hội

Người sáng lập dự án Làng củi lũ, ông Lê Ngọc Thuận, kể câu chuyện xây dựng mô hình nâng cấp tượng gỗ lên một tầm cao mới, đồng thời truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, phát triển hướng đến du lịch xanh - du lịch bền vững.

"Hằng năm, đặc thù Hội An thường trải qua những đợt mưa lũ lớn. Theo đó, những thanh củi, khúc gỗ từ thượng nguồn trôi về hạ lưu dọc sông Thu Bồn và bờ biển Cửa Đại. Với bàn tay khéo léo của những nghệ nhân địa phương, những thanh củi, khúc gỗ vô tri trở thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao và có giá trị ứng dụng trong đời sống hằng ngày, tại khách sạn và nhà hàng, cũng như làm quà lưu niệm", ông Thuận kể.

Đến nay, dự án Làng củi lũ ở xã Cẩm Hà (TP. Hội An) đã bước đầu cho ra nhiều sản phẩm nghệ thuật truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường và được du khách đón nhận.

Hay dự án lò gạch cũ ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) biến một lò gạch cũ, bỏ hoang nhiều năm trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa, đồng thời được công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020.

Từ những dự án nói trên, có thể thấy cơ hội khởi nghiệp du lịch ở tỉnh Quảng Nam thật sự rộng mở và không nhất thiết phải dựa vào việc khai phá nguồn tài nguyên mà chủ yếu là phát huy tính sáng tạo, biến rủi ro, thách thức thành cơ hội.

NỔI BẬT TRANG CHỦ