• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không ai ép hướng dẫn viên phải vào Hội Hướng dẫn viên du lịch”

Du lịch 09/12/2017 11:40

(Tổ Quốc)-Trước một số ý kiến của Hướng dẫn viên (HDV) du lịch cho rằng Luật Du lịch mới “ép” họ phải tham gia vào Hội HDV du lịch với mức phí khá cao, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Luật Du lịch 2017 rất “mở”, cho HDV ba lựa chọn để tham gia các tổ chức, doanh nghiệp. “Không ai ép họ phải vào Hội HDV du lịch”- ông Bình cho biết.

Đầu tháng 11/2017, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam đã chính thức được thành lập, trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017, góp phần quản lý nguồn nhân lực lao động hướng dẫn viên một cách bài bản hơn. Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018. Theo đó, nếu hướng dẫn viên không có hợp đồng làm việc cho doanh nghiệp du lịch, đơn vị cung ứng lao động hoặc thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về HDV sẽ không được hành nghề.

Xung quanh vấn đề này, ngoài một số ý kiến băn khoăn về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, một số ý kiến khác cho rằng Luật Du lịch “ép” họ vào Hội HDV với mức phí khá cao và đặt câu hỏi về việc hội phí Hội phí Hướng dẫn viên sẽ được dùng vào những hoạt động gì? Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc về vấn đề này.

-Thưa ông, ông có ý kiến gì khi đến thời điểm này – Luật Du lịch 2017 sắp có hiệu lực - vẫn còn có những ý kiến cho rằng việc ban  hành các quy định có tính chất “siết chặt”  đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thay vì để họ hoạt động tự do là không phù hợp?

+Ông Vũ Thế Bình: Hướng dẫn viên (HDV) du lịch là một đội ngũ quan trọng của ngành du lịch, góp phần tạo nên hình ảnh của đất nước, là linh hồn của các tour tuyến. Tuy nhiên, đội ngũ này gần như đã bị “thả lỏng” suốt 20 năm qua. Đến thời điểm này, chúng ta cũng không biết rõ liệu đội ngũ ấy có xứng đáng với niềm tin của ngành Du lịch hay không? Do vậy, việc tập hợp họ lại trong các tổ chức nhất định là điều kiện bắt buộc. Không có một nước nào, đội ngũ HDV  lại không được quản lý cả, cho nên đó là vấn đề không cần phải bàn đến nữa.

Quốc hội khi tiến hành xây dựng hệ thống Luật Du lịch đã có nhiều năm thông báo, trao đổi, tổ chức các tọa đàm, hội nghị xin ý kiến kéo dài nhiều năm. Tất cả HDV hoàn toàn có quyền góp ý, đề xuất về các quy định được nêu trong Luật Du lịch. Khi Luật đã được thông qua rồi, chúng ta không nên bàn tại sao lại thông qua quy định đó nữa, chỉ còn một việc duy nhất là triển khai. Đối với những người không quan tâm, không đọc, không góp ý thì trách nhiệm duy nhất của họ bây là triển khai chứ không nên hỏi tại sao lại quy định như vậy nữa.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

-Trước việc Hội HDV du lịch được thành lập và các HDV cần phải đóng phí làm thẻ Hội viên và phí thường niên khi tham gia, có một số ý kiến băn khoăn rằng liệu HDV sẽ được lợi ích gì khi tham gia Hội và Hội phí sẽ được sử dụng vào việc gì, thậm chí có người cho rằng Luật Du lịch mới “ép” họ vào Hội HDV với mức phí khá cao? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Ông Vũ Thế Bình: Luật Du lịch rất mở, tạo cho HDV ba cơ hội để tham gia các các tổ chức hoặc hoanh nghiệp. Họ có thể vào doanh nghiệp lữ hành hoặc công ty cung ứng nhân lực, và cuối cùng là có thể vào tổ chức xã hội nghệ nghiệp về HDV du lịch. HDV có thể chọn phương án nào phù hợp, không ai ép HDV phải vào Hội HDV. Tuy nhiên, tổ chức xã hội nghề nghiệp không phải là nơi để đăng ký cho có, mà là một tổ chức có hoạt động để bảo vệ quyền lợi của HDV, nâng cao chất lượng nghiệp vụ và chia sẻ cơ hội nghề nghiệp cho HDV. Đã hoạt động thì phải có kinh phí và các hội viên phải đóng hội phí. Hội phí đó là dành cho chính họ. Nếu như có những người muốn vào Hội mà không muốn nộp phí, mà chỉ muốn đóng phí tượng trưng như mua một vé xem phim thì họ không xứng đáng là hội viên.

Hội HDV là một tổ chức xây dựng theo cơ chế mở, có nhiều hoạt động đi kèm và cũng có nhiều sự ủng hộ. Liên minh châu Âu đã thông báo sẽ hỗ trợ cho Hội HDV du lịch Việt Nam một dự án để xếp hạng HDV, đầu tư ngay lập tức từ năm 2018. Không phải ngẫu nhiên mà Liên minh châu Âu lại hỗ trợ dự án cho hội, mà họ thấy tầm quan trọng của công việc và sự hấp dẫn của việc này. Ngoài ra, có nhiều nhà tài trợ khác sẵn sàng đồng hành với hội. Theo quy định của Hội HDV thì kinh phí Hội sẽ được kiểm toán quốc tế. Chúng tôi đang trao đổi với Big4 (4 hãng kiểm toán quốc tế lớn nhất thế giới) để kiểm toán hàng năm nhằm công khai, minh bạch cho hội viên biết hội phí sẽ dành cho việc gì.

Từ 1/1/2018, Hướng dẫn viên du lịch chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện. Thứ nhất, có thẻ HDV du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Thứ ba, có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. (Ảnh: Hoàng Hà)

-Thưa ông, các doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp cung ứng nhân lực đều có những quy định khá chặt chẽ khi tuyển dụng nhân sự. Vậy Hội HDV du lịch sẽ đảm bảo chất lượng Hội viên như thế nào khi hình thức tham gia chỉ cần đăng ký và đóng hội phí?

+ Ông Vũ Thế Bình: Chất lượng HDV phụ thuộc vào cả hai bên. Trước tiên, tiêu chuẩn hành nghề của HDV đã được quy định khi họ được cấp thẻ HDV rồi. Khi ký cam kết tham gia Hội HDV, Hội cũng có những quy định riêng về tiêu chí nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Tổ chức Hội HDV sẽ giám sát hội viên theo quy định của pháp luật và quy chế của Hội, nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử lý, kỷ luật hoặc thậm chí loại ra khỏi Hội. Ngoài ra, Hội HDV sẽ có Chương trình Hành động riêng của mình, trong đó sẽ có những hoạt động đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng nguồn nhân lực…

-Xin cảm ơn ông!

 

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ