• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không bao giờ được phủ nhận sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ

Thời sự 16/07/2017 23:26

(Tổ Quốc) -Đó chỉ là những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động, thâm thù, hậm hực với những thành tựu, công lao của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc kiến thiết đất nước.

Đối với mỗi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài ngày 27 tháng 7 có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý, đó là, ngày tri ân với những anh hùng đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Niềm thành kính và sự trân trọng, biết ơn đối với những anh hùng dân tộc đã trở thành đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của con người Việt Nam được tạo dựng, vun trồng qua các thế hệ khác nhau. Ấy vậy, cứ đến hẹn lại lên vào những ngày này có những người đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, họ cho rằng: sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, chính Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho sự hy sinh đó, vì đã gây ra “cảnh nồi ra nấu thịt”… Có thật như vậy không, hay đó chỉ là những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động, thâm thù, hậm hực với những thành tựu, công lao của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc kiến thiết đất nước.

Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý ngàn đời của dân tộc

 

Như chúng ta đều biết, Việt Nam là đất nước đất không rộng, người không đông nhưng luôn đương đầu với những kẻ thù xâm lược lớn nhỏ khác nhau. Để bảo vệ cuộc sống bình yên và từng tấc đất, tấc vàng thiêng liêng của Tổ quốc, không còn cách nào khác là phải đứng lên tự vệ, tự trang bị cho mình sức mạnh đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lấy quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà tạo hoá đã ban tặng cho con người. Cuộc hành trình đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam đã trải qua cuộc trường chình đầy máu và nước mắt, mà ở đó, nỗi đau và sự hy sinh mất mát đã thấm vào trong lòng đất, vào mỗi cung đường, con sông. Trong các cuộc kháng chiến ấy đã có biết bao người tuổi chỉ mười tám, đôi mươi nhưng họ đã dâng hiến cả cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho cho đất nước, họ chấp nhận hy sinh với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trái với tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin chắc thắng vào cuộc kháng chiến của dân tộc, thì kẻ thù xâm lược đã dùng trăm phương, ngàn kế để đàn áp, bóc lột, vơ vét nguồn tài nguyên thiên nhiên, của cải của nhân dân ta.  Chúng đã gây ra những đau thương, mất mát vô cùng to lớn đối với đồng bào ta, tội ác của chúng khiến trời không rung, đất không tha: Điển hình nhất, man rợ nhất là chúng gây ra thảm hoạ vào cuối năm 1944, đầu năm 1945 làm hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói; chia cắt đất nước làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau; áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình; tước đoạt đất đai của nông dân và khôi phục lại giai cấp địa chủ, tạo thêm chỗ dựa xã hội cho chế độ; ban hành đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam để chặt đầu người cộng sản và làm họ lung lạc ý chí; chúng sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả vũ khí sinh học, hóa học (trừ vũ khí hạt nhân), nhằm mục đích “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động”, rắp tâm đẩy Việt Nam vào “thời kỳ đồ đá”.

Biến Việt Nam thành đất nước bị ném bom nhiều nhất trên thế giới (số lượng bom Mỹ ném xuống Việt Nam là trên 7,8 triệu tấn, gấp 3 lần số bom sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2; tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom của Mỹ). Tàn bạo hơn,  Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trên 19 triệu ga-lông (khoảng 85 triệu lít) chất độc hóa học (chủ yếu là chất diệt cỏ đi-ô-xin, làm hơn một nửa diện tích rừng của Việt Nam bị thiêu rụi và di chứng của chất độc này đến nay vẫn còn hàng vạn người dân Việt Nam đang và tiếp tục phải gánh chịu)… Như vậy, thử hỏi rằng cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược là chính nghĩa hay phi nghĩa? Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đối với nền độc lập tự do của Tổ quốc là vô nghĩa, không đáng có hay sao?.  

Trước những dã tâm xâm lược và tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam - một dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã lại phải một lần nữa đứng lên cầm súng bảo vệ phẩm giá của mình. Kết cục như mọi người đều biết, chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã kết thúc vào mùa Xuân năm 1975, với sức mạnh thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quân và dân ta bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã thừa thắng xông tới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó được nhân dân thế giới ngợi ca và ngay cả những chính khách trực tiếp nhúng chàm vào cuộc chiến cũng phải bày tỏ sự cảm phục đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam: Ngày 15-6-2000, trả lời báo chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ G. Pho đã thừa nhận rằng:  “Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn của dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời”. Thiết nghĩ, lời nói của những kẻ trực tiếp “nhúng chân” trong cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo đó đã phơi bày sự thật và tự nó, đã phản bác lại những luận điệu bịa đặt rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là “không cần thiết”, là “có thể tránh khỏi”; sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là vô nghĩa, không đáng có.

Để ghi lòng tạc dạ công lao trời biển của các anh, các chị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Đến ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để từng bước tri ân những anh hùng liệt sỹ, thương - bệnh binh và những người có công với cách mạng. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, phong trào áo lụa tặng bà, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “tổ thương binh tình nghĩa”, “đi tìm đồng đội”, “Xã phường làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng”…Có thể khẳng định rằng, chính sách ưu đãi người có công với nước đã và đang được bổ sung, hoàn thiện và là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay. 

ThS Nguyễn Tú Anh-Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

NỔI BẬT TRANG CHỦ