• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không làm ngơ căng thẳng hạt nhân toàn cầu: Bất ngờ phản ứng từ NATO

Thế giới 24/10/2018 22:41

(Tổ Quốc) - Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg ngày 24/10 lên tiếng về việc Mỹ muốn rút khỏi INF.

Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg ngày 24/10 cho biết, các thành viên châu Âu của liên minh quân sự này không có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân mới trên lãnh thổ của họ để đáp trả điều phương Tây cho là sự vi phạm từ phía Nga đối với một hiệp ước kiểm soát vũ trang hạt nhân mà Mỹ đang muốn rút khỏi.

Phát biểu bốn ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987, ông Stoltenberg cho biết, NATO đang đánh giá các tác động an ninh từ việc Nga được cho là đang vi phạm hiệp ước này.

Không làm ngơ căng thẳng hạt nhân toàn cầu: Bất ngờ phản ứng từ NATO - Ảnh 1.

Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg.

"Tôi không nghĩ rằng các đồng minh châu Âu sẽ triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn như một cách phản ứng", ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo.

Hiệp ước INF được kí giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô cuối cùng Mikhail Gorbachev, cấm Hoa Kỳ và Nga sở hữu, sản xuất hoặc triển khai tên lửa đạn đạo và hành trình được phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Gần 2.700 tên lửa đã bị Liên Xô và Hoa Kỳ loại bỏ theo hiệp ước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào ngày 20/10 rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước này.

Cả ông Trump và ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu khác tại Moscow ngày 22-23/10, đều đề cập tới những quan ngại của Mỹ về điều các thành viên NATO nói tới một tên lửa mà Nga đang phát triển vi phạm hiệp ước này, và cả việc Trung Quốc - không phải là một bên của INF - đang phát triển các loại tên lửa này.

Nhà lãnh đạo NATO nói rằng, Mỹ đã hoàn toàn tuân thủ INF và quyết định của Nga trong việc phát triển loại tên lửa hành trình từ mặt đất mà NATO gọi là SSC-8 có nghĩa là INF đã không còn "hiệu quả".

Thể hiện sự ủng hộ cho Washington, ông Stoltenberg nói rằng "tất cả các đồng minh [NATO] đồng ý rằng Hoa Kỳ hoàn toàn tuân thủ .... và vấn đề, mối đe dọa hay thách thức là cách hành xử của Nga."

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Nga và Hoa Kỳ sẽ đồng ý gia hạn New START, một hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tầm xa và sẽ hết hạn vào năm 2021.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ