• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không nên vì một vụ án mà thay đổi cả chính sách hình sự về trẻ em”

Thời sự 25/05/2017 06:07

(Tổ Quốc) -Ngày 24/5, các Đại biểu Quốc hội đã tranh luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Đó là hành vi chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Tại phần thảo luận, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Thái Bình, không nên vì một vụ án mà thay đổi cả 1 chính sách hình sự về trẻ em đã giữ lâu dài. Trẻ em phạm tội chủ yếu do bị kích động, lôi kéo, không làm chủ được bản thân. Do vậy, nên ưu tiên xử lý bằng các hình thức khác để đảm bảo tính nhân văn.

 Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Thái Bình. Ảnh: Nam Nguyễn

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Quảng Ninh, cho rằng, nếu áp dụng chính sách hình sự thì không còn cơ hội thay đổi cho trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Bắc Kạn thì cung cấp số liệu từ Viện Kiểm sát: trong 3 năm 2014 – 2016, cả nước có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Tức là thực tế có rất ít em phạm các tội này. Người chưa thành niên phạm tội gây bức xúc trong thời gian qua không nằm trong nhóm này mà nằm ở lứa tuổi từ 16 đến dưới 18, ví dụ vụ Lê Văn Luyện”- Đại biểu Thủy phân tích.

Từ đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định như Bộ luật Hình sự 2015 là rất nặng với trẻ em, không còn sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội.

“Xử lý người vị thành niên không nên bằng thái độ quá nóng, mà chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội đến đâu khi xử lý các em” – bà Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề.

Tuy vậy, cũng có các ý kiến trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc tán thành việc trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi ngoài tội nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm với cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng với 3 loại tội danh trên.

Ngoài ra, theo quan điểm của Đại biểu Phúc, việc trẻ hóa tội phạm đang khiến nhân dân rất bức xúc, gây bất ổn xã hội.

“Khoan hồng với trẻ em phạm tội chưa chắc đã là cách giáo dục tốt. Người xưa thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”- Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho biết.

Ngoài ra một số đại biểu khác cho hay, Quốc hội khóa 13,14 đã lấy ý kiến đại biểu với tỉ lệ tán thành trên 67% với phương án phải xử lý nghiêm với các tội danh trên.

Trước đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

 Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo đó, đa số ý kiến đề nghị không sửa khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015: giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án: giữ nguyên như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và phương án 2: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ