• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học

Thời sự 05/08/2023 19:22

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học.

Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học

Chiều 5/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, báo chí nêu vấn đề, theo kết luận của Chính phủ thì Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh Nghị định 81 về học phí theo hướng không tăng học phí năm học mới 2023-2024. Hiện nay các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tự chủ đang than khó về việc này. Vậy quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào trước vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, vì mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, xin ý kiến các bộ ngành… trình Chính phủ. Đây cũng sẽ là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi họp báo chiều 5/8.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng, học phí chỉ là một nguồn (với GDĐH là nguồn chính hiện nay), và chính sách học phí cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan.

Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay có điều chỉnh, thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) nếu như không tăng được thì cũng cần được giữ vững, ở đây có vai trò điều tiết của Nhà nước.

Đối với giáo dục phổ thông có tính chất phúc lợi, an sinh xã hội (chủ yếu do Nhà nước bảo đảm kinh phí) nên đề nghị các địa phương quan tâm để bảo đảm ngân sách, giữ ổn định đời sống để giáo viên yên tâm công tác và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, khắc phục việc giáo viên bỏ việc.

Đối với giáo dục đại học, có sứ mạng thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược, nhân lực phát triển bền vững, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và không tăng học phí 3 năm qua.

"Có thể nói đó là 1 chiếc kiềng 3 chân: Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định 60), Chính sách học phí (Nghị định 81), Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Nghị định 60 quy định về lộ trình tính giá dịch vụ (học phí) và giảm chi trực tiếp NSNN. Còn Nghị định 81 thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm giữ không giảm nguồn lực đầu vào.

Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do vậy Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện tốt sứ mạng...", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

"Hầu như không có khó khăn trong việc xét tuyển đại học năm 2023"

Cũng tại buổi họp báo, báo chí đề nghị Bộ GD&ĐT chia sẻ những điểm mới, khó khăn cũng như thuận lợi đối với việc xét tuyển đại học năm 2023.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay, việc tổ chức đăng ký xét tuyển vào đại học có một số điểm mới trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn đã rút kinh nghiệm từ năm 2022.

Thuận lợi thứ nhất là năm 2022 Bộ GD&ĐT đã tiến hành một số đổi mới, quy chế mới, trong đó có việc tập trung các phương thức xét tuyển trên cùng hệ thống cho thí sinh thực hiện tất cả các quy trình trong tuyển sinh, từ việc đăng ký nguyện vọng tới nộp lệ phí, xác nhận nhập học, tất cả được thực hiện trực tuyến.

Mặc dù có một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng cơ bản là đạt được thành công, được các thí sinh, các trường đại học và cả xã hội đánh giá cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Sơn, trên cơ sở những thuận lợi và thành công của năm 2022, năm nay Bộ GD&ĐT không điều chỉnh quy chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kỹ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh.

Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7

Một số điểm mới quan trọng là, trước hết, thực hiện chủ trương chuyển đổi số, năm 2023 là năm Bộ GD&ĐT tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh các nguồn dữ liệu phục vụ xét tuyển từ kết quả thi THPT đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học, 2 Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm, các trường năng khiếu... tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học.

Điểm mới thứ hai là việc xác nhận kết quả thi, điều kiện ưu tiên, đối tượng ưu tiên năm nay cũng dựa trên dữ liệu kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Thí sinh năm nay không phải đi xin các xác nhận của các địa phương mà các em có thể xem trực tiếp trên đó và các địa phương cũng sẽ duyệt các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trên đó.

Điểm mới thứ ba và quan trọng nhất là năm nay, thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển. Điểm này năm ngoái có một số khó khăn là các em nhầm lẫn khi chọn 1 ngành mà trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau hay nhiều tổ hợp xét tuyển. Năm nay Bộ đã nghe ý kiến và để các em chỉ chọn ngành, chọn trường.

Điểm mới thứ tư là năm nay, Bộ cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các kênh thanh toán, các ngân hàng để rà soát hệ thống, chuẩn bị kênh thanh toán lệ phí trực tuyến. Cho đến nay các kênh thanh toán này hoạt động thông suốt, không gặp vấn đề gì cả. Đến 15h chiều hôm nay là 91% hoàn thành lệ phí. Mọi thứ đều thông suốt, không bị gặp lỗi như năm 2022.

"Đó là các điểm mới cơ bản, còn khó khăn thì hầu như không có. Chủ yếu là công việc nhiều vì chúng ta dành phần thuận lợi cho thí sinh, dành phần khó khăn về phía các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc chuyển vào phần mềm trên Hệ thống chuyển đổi số sẽ mất nhiều công sức để nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm. Mặc dù cố gắng nỗ lực rất nhiều, nhưng năm nào cũng thế, điểm mới là so sánh năm nay với năm ngoái, còn với thí sinh thì tất cả đều mới cả. Vì 1 triệu thí sinh năm nay đều là mới và vẫn còn một số em sai sót không hoàn thiện được quá trình đăng ký. Việc đăng ký nguyện vọng là rất quan trọng và buộc các em phải thực hiện rất cẩn thận vì gắn với quyền lợi của các em. Cũng còn một số em chưa hoàn thiện quá trình đăng ký thì chúng tôi đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ.

Cho đến nay mọi thứ diễn ra thuận lợi. Bước tiếp theo, sau vài ngày nữa, Bộ sẽ cập nhật dữ liệu để các trường cùng với Bộ tổ chức xét tuyển, công bố kết quả, chậm nhất là 22/8", Thứ trưởng Nguyễn Minh Sơn thông tin.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ