• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng Biển Đỏ gây cú sốc mới đối với kinh tế

Thế giới 30/01/2024 15:03

(Tổ Quốc) - Gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang bắt đầu tác động tới nền kinh tế các nước trên thế giới, trong đó có châu Á.

Hai tháng xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và cướp tàu nhằm vào tàu dân sự ở Biển Đỏ đã gây ra sự chuyển hướng thương mại quốc tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, đẩy chi phí lên cao đối với các chủ hàng ở những nơi xa xôi như châu Á và Bắc Mỹ. Theo các nhà quan sát, sự gián đoạn đang lan rộng có thể làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng vào thời gian tới.

Khủng hoảng Biển Đỏ gây cú sốc mới đối với kinh tế  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Economic Times

Trong 2 tháng qua, Biển Đỏ "dậy sóng" đáng lo ngại khi phải chứng kiến làn sóng gia tăng đột ngột các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở eo biển Bab el-Mandeb chiến lược nối Biển Đỏ với Biển Ả Rập.

Hàng loạt các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới phải tạm dừng quá cảnh qua Kênh đào Suez trong vài tuần, thậm chí còn phải định tuyến lại nhiều tuyến đường biển đi qua khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nhóm Houthi ở Yemen và tình hình đã leo thang.

Theo nền tảng dựa trên công nghệ dành cho ngành logistics trên toàn cầu Flexport, hơn 500 tàu container đã đi qua Biển Đỏ đến và đi từ Kênh đào Suez, chở mọi thứ từ quần áo, đồ chơi đến phụ tùng ô tô, giờ đây sẽ phải trì hoãn thêm hai tuần nữa khi chọn lộ trình đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở mũi phía nam của Châu Phi. Con số này chiếm khoảng 1/4 tổng công suất vận chuyển container trên thế giới.

"Chúng tôi chưa thấy chi phí tăng nhanh như vậy kể từ đợt đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều nút thắt cơ bản trong chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, mặc dù giá đã giảm vào năm ngoái", ông Vincent Iacopella, chuyên gia hậu cần tại Alba Wheels Up cho biết.

Freightos - một nền tảng đặt chỗ và thanh toán vận tải quốc tế cho biết chi phí vận chuyển container từ Trung Quốc đến Biển Địa Trung Hải đã tăng hơn 4 lần kể từ cuối tháng 11.

Các hãng tàu, cũng như những hãng vận chuyển dầu đang lên kế hoạch trước tình trạng biến động kéo dài nhiều tháng hoặc có thể là hơn. Điều đó có nghĩa là mọi công ty gửi hàng đều có nhiều hàng tồn kho hơn trong quá trình vận chuyển và thậm chí cần nhiều hơn trong trường hợp container khan hiếm.

Theo Container xChange, một nền tảng công nghiệp trực tuyến, các nhà máy sản xuất chiếc hộp chở hàng bằng kim loại phổ biến này đang hoạt động hết công suất. Các cảng xa như Halifax, Nova Scotia Scotia báo cáo sự chậm trễ trong việc nhận tàu và chi phí cao hơn.

Trong khi đó, các hãng xe ô tô như Volvo Car AB và Tesla Inc. đã tuyên bố đình chỉ sản xuất tại các nhà máy ở châu Âu, với lý do không thể lấy linh kiện từ các nhà cung cấp ở châu Á. Các nhà bán lẻ Anh Tesco Plc và Marks & Spencer Group Plc đã cảnh báo nguy cơ chi phí cao hơn. Hãng tàu Maersk tuần trước cũng đã cảnh báo rằng tình trạng gián đoạn sẽ kéo dài ít nhất trong vài tháng. Dù nhiều công ty cho biết vẫn chưa cảm nhận được ảnh hưởng nhưng biến động càng kéo dài thì tác động kinh tế càng lan rộng.

Giá dầu tăng đột biến cũng là một nguy cơ khác gây ra lạm phát nếu xung đột làm gián đoạn nguồn cung.

"Cho đến nay, tôi nghĩ chúng tôi đã may mắn khi chưa thấy tàu chở dầu nào bị trúng đạn", Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Trafigura Group, một trong những nhà kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới nhận định.

Tác động đến châu Á

Cuộc khủng hoảng vận tải tại Biển Đỏ đang tạo ra làn sóng trên khắp thị trường nhiên liệu châu Á, tăng chi phí ngay cả trên các tuyến không sử dụng đường thủy, đồng thời thúc đẩy người bán giảm phí bảo hiểm hàng hóa để bù đắp cước vận chuyển cao hơn.

Giá cước vận chuyển các sản phẩm như dầu đã tăng vọt khi một số tàu đi quãng đường xa hơn để tránh Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn. Điều này đã thắt chặt thị trường, đầu tiên làm tăng chi phí của các tuyến đường dài qua Trung Đông, và giờ đây lan sang các chuyến đi trong khu vực châu Á.

Theo dữ liệu của Baltic Exchange, chi phí vận chuyển 35.000 tấn nhiên liệu từ Hàn Quốc đến Singapore đã tăng gần 50% trong tuần trước lên hơn 49.000 USD/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2022. Trong khi đó, chi phí của các tàu chở dầu lớn hơn nối Trung Đông với Nhật Bản đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2020.

Thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô và các sản phẩm liên quan, đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bế tắc, trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây sau khi tàu chở đầy dầu Marlin Luanda bị trúng tên lửa tấn công.

Ông Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vận tải toàn cầu tại Oil Brokerage nhận định vụ tấn công gần đây nhất nhằm vào tàu chở dầu cho thấy mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn.

Do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, có những dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất nhiên liệu đang phải giảm giá hàng hóa để giữ nguồn cung ở mức giá phải chăng cho khách hàng trong bối cảnh lãi suất mua dầu khí và nhiên liệu máy bay khá thấp.

Theo các thương nhân, công ty SK Energy đã bán dầu với mức chiết khấu cao hơn so với tiêu chuẩn khu vực từ tháng 2 đến tháng 3. Công ty này cũng đã hủy bỏ lời đề nghị cung cấp hàng nhiên liệu máy bay do giá thầu thấp./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ