• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng chính trị Belarus đẩy những toan tính "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc vào thế khó?

Thế giới 20/08/2020 12:52

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP dẫn lời một số nhà phân tích nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Belarus thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường - có thể chịu tác động nặng nề sau khi hàng loạt các cuộc biểu tình bùng phát ở quốc gia Đông Âu.

Hôm 9/8, ông Alexander Lukashenko tuyên bố trúng cử nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, chiến thắng của ông phải đối mặt với một loạt cáo buộc gian lận bầu cử, khiến các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra trên toàn quốc. Điều này được có là sẽ tạo ra sự bất ổn mới cho những dự án đầu tư của Trung Quốc tại Belarus.

"Nếu chúng ta chứng kiến một sự thay đổi của chính phủ nhắm vào phe đối lập, nó có thể gây ra vấn đề cho các dự án Vành đai và Con đường ở đây, đặc biệt nếu chính phủ tiếp theo bắt đầu hướng về phương tây hơn", phó giáo sư về khoa học chính trị Marc Lanteigne tại Đại học Tromso, Na Uy đánh giá.

Khủng hoảng chính trị Belarus đẩy những toan tính "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc vào thế khó? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi lời chúc mừng Tổng thống Lukashenko (ngoài cùng phải) - vừa tuyên bố trúng cử nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp (ảnh: SCMP)

Sự hiện diện về mặt kinh tế của Trung Quốc tại Belarus không ngừng mở rộng trong những năm gần đây do Bắc Kinh mong muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Âu-Á. Trong những nỗ lực giảm sự phụ thuộc truyền thống vào Nga, Tổng thống Lukashenko cũng tìm kiếm một mối quan hệ thân cận hơn với Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi lời chúc mừng ông Lukashenko, trong khi phần lớn truyền thông chính thống Trung Quốc không đăng tải thông tin về tình hình chính trị hỗn loạn tại Belarus – một trong những quốc gia đối tác chiến lược của Bắc Kinh.

"Belarus là một yếu tố quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường… Nó được Trung Quốc coi như một cửa ngõ tới các quốc gia Baltic và Đông Âu", ông Lanteigne chỉ ra. "Trung Quốc rất tích cực quan hệ với chính phủ Belarus trong những dự án có khả năng được hiện thực hóa cao".

Một trong số những dự án đầu tư quan trọng nhất của Trung Quốc là Công viên Công nghệ Great Stone – tọa lạc cách thủ đô Minsk khoảng 25km. Có chi phí lên tới 2 tỷ USD, dự án công nghệ cao bắt đầu khởi công vào năm 2014 và được Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả là "một viên ngọc trai" trên Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.

Theo Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Belarus, tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Belarus tăng lên 450,3 triệu USD vào năm 2019. Con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với đối tác thương mại chính của Belarus là Nga (có mức đầu tư 4,5 tỷ USD). Tuy nhiên, năm 2016, Trung Quốc lại đồng ý cho Belarus vay 7 tỷ USD thông qua hạn mức tín dụng.

Với 26 năm nắm quyền, Tổng thống Lukashenko là người công khai ủng hộ chiến lược Vành đai và Con đường công khai nhất trong số những nhà lãnh đạo châu Âu. Dưới sự lãnh đạo của ông, thương mại song phương giữa Belarus và Trung Quốc cũng tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, năm ngoái, giá trị thương mại giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD – tăng 58% so với năm 2018. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Belarus cũng đạt 1,8 tỷ USD. Quốc gia châu Á hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Belarus – sau Nga, Liên minh châu Âu và Ukraine.

Giới phân tích nhận định, ông Lukashenko đã quay sang Trung Quốc nhằm khẳng định sự độc lập của Belarus trước những điều khoản ngặt nghèo trong các thỏa thuận thương mại với Nga. Belarus phải dựa vào năng lượng giá rẻ Nga và các khoản vay từ Nga để duy trì nền kinh tế của mình; tuy nhiên, Moscow yêu cầu Minsk phải chấp nhận tích hợp hai nền kinh tế nhiều hơn.

"Trong phần lớn các nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Lukashenko đã cố gắng đạt được sự cân bằng giữa Nga và các đối tác khác đồng thời nỗ lực để duy trì sự độc lập", học giả cấp cao Keir Giles từ Chương trình Nga và Âu-Á thuộc tổ chức tư vấn chính sách Chatham House đánh giá. "Belarus cố tình nhìn về Trung Quốc để có được một sự thay thế khác cho việc phụ thuộc vào Nga".

Theo ông Giles, đối với Minsk, Bắc Kinh là một đối tác đầu tư ít nguy cơ hơn bởi vì tiền từ Trung Quốc gần như chắc chắn ít trở thành một lợi thế đòn bẩy liên quan tới các vấn đề chủ quyền.

Còn nhà phân tích từ tổ chức TS Lombard Madina Khrustaleva cho hay, các khoản đầu từ của Trung Quốc vào nhiều nước thuộc Liên Xô cũ như Belarus có thể coi là một động thái mở rộng ảnh hưởng ngay tại nơi từng là "sân nhà" của Nga.

Tuy nhiên, tình hình chính trị hỗn loạn hiện tại của Belarus có thể khiến các dự án đầu tư của Trung Quốc bị ngưng trệ.

"Các cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng tới tất cả các dự án đầu tư vào Belarus – tình trạng biểu tình các kéo dài, các khoản đầu tư sẽ càng bị trì trệ lâu hơn. Cho tới nay, nó vẫn là một cuộc khủng hoảng chính trị mà chưa phải là một cuộc nội chiến", bà Khrustaleva chỉ ra.

Giới phân tích đánh giá, Nga đang lo ngại khả năng "đánh mất" Belarus về phương Tây và mối quan hệ của Minsk với Bắc Kinh vẫn có thể bị tổn hại nếu Moscow quyết định có động tĩnh. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã cảnh cáo châu Âu không can thiệp vào tình hình Belarus.

Cũng theo ông Giles, nếu chính phủ tiếp theo của Belarus có lập trưởng ngả về phía Nga hơn, hợp tác với Trung Quốc nhiều khả năng "sẽ bị thu hẹp lại".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ