• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiên quyết "rồng lửa" S-400 Nga: Thổ "âm thầm" sẵn sàng hứng đòn Mỹ

Thế giới 03/07/2019 11:11

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất bất chấp những tín hiệu tích cực gần đây từ Tổng thống Donald Trump, đang dự trữ các phụ tùng quan trọng của nhiều loại vũ khí do Mỹ sản xuất.

Động thái này là để phòng ngừa Quốc hội Mỹ trừng phạt Ankara về thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa Nga, theo Bloomberg.

Không rõ khi nào quyết định này được đưa ra lần đầu tiên, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, sự chuẩn bị về mặt khí tài đã diễn ra trước nguy cơ nước này bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Trước đó, Washington đã đe dọa sẽ không để yên cho Ankara về quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga- một đối thủ cạnh tranh với hệ thống phòng thủ Patriots do Mỹ sản xuất.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chậm chân

Vẫn bị ám ảnh bởi lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ cách đây nửa thế kỷ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tích lũy nhiều bộ phận của máy bay phản lực F-16 và các thiết bị quân sự khác, theo hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thân cận với chiến lược phòng thủ của nước này. Mối quan hệ giữa Washington và Ankara đang ngày càng xấu đi vì nhiều lí do. Trong cuộc xung đột tại Syria, Mỹ đã vũ trang cho lực lượng dân quân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố. Và sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của ông Erdogan quy trách nhiệm cho một người Thổ Nhĩ Kỳ cư trú tại Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO – đầy quyết tâm với việc tiếp cận công nghệ tên lửa đạn đạo và đặt mục tiêu cùng hợp tác sản xuất thế hệ tiếp theo của S-400, các quan chức nói thêm, trích dẫn các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Erdogan cho biết đất nước của ông sẽ nhận S-400 trong vòng vài ngày.

"Khẩu đội S-400 đầu tiên sẽ được giao trong một tuần hoặc 10 ngày, tờ Haberturk dẫn lời ông Erdogan cho biết trong một bản tin hôm thứ Hai. "Tôi đã nói rõ điều này với ông Trump, ông Putin cũng đã nói tới điều đó".

Kiên quyết rồng lửa S-400 Nga: Thổ âm thầm sẵn sàng hứng đòn Mỹ - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để vùng trời của họ để ngỏ lâu hơn nữa. (Nguồn: Anadolu Agency/Getty)

Thổ Nhĩ Kỳ coi các tên lửa S-400 của Nga là vượt trội so với Patriots và có khả năng bảo vệ thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ và trung tâm thương mại Istanbul, các quan chức cho biết. Sự hiện diện của S-400 sẽ làm giảm bớt những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại eo biển nối Biển Đen với Địa Trung Hải, các quan chức nước này nói thêm.


Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho biết những phụ tùng nào đã được tích lũy, nơi chúng được mua, hoặc hàng tồn kho có thể tồn tại trong bao lâu. Việc tích lũy này là để báo hiệu rằng Ankara đã chuẩn bị tốt hơn để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ so với khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí bốn năm đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974, họ nói.

Mỹ, phương Tây lo "sốt vó"

Về phần mình, Hoa Kỳ cho rằng động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho phép Nga thu thập thông tin tình báo quan trọng – điều sẽ làm suy yếu NATO và có thể cho phép Moscow tìm hiểu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, mà các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tham gia chế tạo. Tuy nhiên, trong khi Quốc hội Mỹ đang vạch ra các kế hoạch trừng phạt tiềm tàng - mà hệ lụy tồi tệ nhất sẽ làm tê liệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, thì ông Trump đã chọn để Thổ Nhĩ Kỳ làm nạn nhân trong câu chuyện.

Bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm thứ Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông Erdogan đã bị chính quyền Obama đối xử bất công khi Ankra tìm đến mua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong khi thỏa thuận S-400 là "một vấn đề", thì Hoa Kỳ "đang tìm kiếm các giải pháp khác nhau", ông Trump nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang Nga để giải quyết các điểm yếu trong phòng không sau khi không thuyết phục được Hoa Kỳ chia sẻ công nghệ từ hệ thống phòng không Patriot – một điều kiện tiên quyết trong mọi thỏa thuận mua bán nào. Một thỏa thuận tên lửa giữa Ankara với Moscow đã được công bố vào tháng 7/2017 và để cố gắng ngăn điều đó, Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái đã phê duyệt một thương vụ bán Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ không bị Mỹ thuyết phục do nghi ngờ về sự phản đối từ Quốc hội và nước này cũng không muốn trì hoãn để không phận của mình bị xâm nhập thêm nữa, các quan chức nước này, đề nghị giấu tên, cho hay.

Hôm thứ Hai, Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết, ông Erdogan cần dừng chơi các ván bài và lựa chọn giữa phương Tây hoặc Nga".

Thỏa thuận S-400 "gây nguy hiểm cho NATO và an ninh quốc gia của chúng tôi", ông Engel cho biết trong một tuyên bố. "Thổ Nhĩ Kỳ không thể vận hành một hệ thống phòng không tiên tiến của Nga bên cạnh các hệ thống nhạy cảm của NATO và Mỹ. Tổng thống Erdogan phải biết sẽ có hậu quả".

Hệ lụy đến đâu?

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm suy yếu liên minh giữa hai quốc gia và trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa, Ankara cũng để ngỏ khả năng giải quyết sự khác biệt, họ nói thêm. Mùa hè năm ngoái, Washington đã trừng phạt Ankara về việc bỏ tù một mục sư người Mỹ, điều làm khó khăn thêm cho tình hình kinh tế vốn đã đầy thách thức. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất khoảng một phần tư giá trị, lạm phát và thất nghiệp tăng vọt, và nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật đầu tiên trong một thập kỷ.

Một nghị quyết đệ trình lên Hạ viện về các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ có thể là đầu mối để Ankara bắt đầu tập trung mua phụ tùng vũ khí.

Ngoài máy bay tiêm kích tấn công chung F-35, các chương trình mua bán vũ khí quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt bao gồm hệ thống phòng không và tên lửa Patriot, trực thăng hạng nặng CH-47F Chinook, trực thăng đa dụng UH-60 Black Hawk và máy bay chiến đấu Falcon F-16, theo nội dung nghị quyết trên.

Hoa Kỳ cũng đe dọa không cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35 vào ngày 31/7 nếu Ankara không loại bỏ thỏa thuận S-400. Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt riêng biệt theo hai đạo luật cho phép trừng phạt các thực thể kinh doanh với Nga. Các nhà thầu quốc phòng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đẩy ra khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ và gần như không được mua các linh kiện của Mỹ hoặc bán sản phẩm của họ ở Hoa Kỳ.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, họ sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế, bao gồm cả máy bay phản lực Nga, trong khi cũng sẽ cố gắng phát triển máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo của riêng mình để sử dụng và xuất khẩu trong nước.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ