• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh đô Văn Lang tỏa sáng

Văn hoá 17/08/2010 15:45

(Toquoc)- “Kinh đô Văn Lang- Ngàn năm tỏa sáng” là chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Đền Hùng tối 21/4.

(Toquoc)- Chương trình nghệ thuật đặc biệt trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần 2010 đã tái hiện vẻ đẹp lung linh huyền thoại của Kinh đô Văn Lang thủa xa xưa.

“Kinh đô Văn Lang- Ngàn năm tỏa sáng” là chương trình nghệ thuật đặc biệt được Bộ VH TTDL cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức tối 21/4 (tức 8/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

5000 ngọn hoa đăng đã được thả làm bừng sáng một khúc sông Lô

Những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc của chương trình đã tái hiện những sự tích của vùng Đất Tổ; của Thăng Long- Hà Nội và sự xuyên suốt, hòa trộn văn hóa của dân tộc Việt trải qua thời gian, qua không gian hai miền kinh đô. Chương trình nghệ thuật “Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng” có kết cấu gồm 3 phần. Phần một có tên gọi “Trên đất Tổ Hùng Vương” với hoạt cảnh múa khắc họa thủa sinh thành của đất trời sông núi, sự sinh sôi của cỏ cây hoa lá như bừng lên sức sống rạng ngời. Với những hình ảnh thân thuộc đã trở thành biểu trưng văn hóa của dân tộc như bánh chưng, bành dày…Phần hai có tựa đề “Âm vang Thăng Long - Hà Nội” gồm liên khúc các tác phẩm hát múa, hát thể hiện cuộc sống của Hà Nội xưa và nay, những trầm tích của Thăng Long - Hà Nội ngày đầu định đô, nhịp sống và khí phách của người dân Hà Nội, của thành phố "Vì hoà bình". Phần cuối của chương trình với tên gọi “Vọng tới mai sau” gồm liên khúc các tác phẩm thể hiện chủ đề: Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng.

Kinh đô Văn Lang tỏa sáng

Chương trình "Kinh đô Văn Lang, Ngàn năm tỏa sáng" đã thu hút hàng ngàn người dân tham dự và thưởng thức.

Cũng trong tối 21/4, tại Chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì (Phú Thọ) Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 tổ chức Lễ hội Hoa đăng trên dòng sông Lô đoạn qua ngã ba Hạc từ trên cầu Việt Trì tới chùa Đại Bi.  5000 ngọn hoa đăng đã được thả làm bừng sáng một khúc sông Lô.

Đây là lần đầu tiên Phú Thọ tổ chức Lễ hội Hoa đăng với quy mô lớn. Lễ hội Hoa đăng đã thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương đến về Giỗ Tổ đến thả hoa đăng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh huyền ảo của hàng ngàn ngọn đèn trên dòng sông Lô.

Lễ hội thể hiện ước vọng của dân tộc Việt Nam, cầu cho Quốc thái dân an, tri ân công đức Vua Hùng, tổ tiên cùng bao thế hệ ông cha đã xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bánh chưng, bánh dày- biểu tượng bất hủ của dân tộc

Lễ hội Đền Hùng 2010 sẽ còn tiếp diễn với nhiều hoạt động đặc sắc.

Buổi sáng ngày 22/4 (tức 9/3 âm lịch), màn trình biểu diễn võ thuật với chủ đề "Hào khí đất Việt" sẽ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Chiều cùng ngày, chương trình "Nối vòng tay nhân ái vì người nghèo đất Tổ" sẽ diễn ra tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Phú Thọ. Buổi tối, người dân về với Đất Tổ sẽ được thưởng thức những màn pháo hoa tuyệt đẹp từ chương trình bắn pháo hoa tầm cao tại TP Việt Trì.

Đặc biệt, 7 giờ sáng ngày Giỗ Tổ 10/3 (tức ngày 23/4/2010), tại Điện Kính Thiên (Đền Thượng) trên núi Nghĩa Lĩnh sẽ diễn ra lễ dâng hương theo nghi thức quốc gia. Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch nước và nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sẽ được Ðài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp.

Trong những ngày qua, hàng triệu lượt du khách đã về với Đất Tổ. BTC lễ hội Đền Hùng 2010 cho biết, trong hai ngày cuối hội (9 và 10/3 âm lịch) lượng khách sẽ còn tăng lên nhiều lần.

Trong hai ngày này, đến với Đền Hùng, du khách có cơ hội thưởng thức và chiêm ngưỡng những kỷ lục mới của lễ hội.

Chiếc bánh chưng khổng lồ hình lập phương mỗi cạnh cao 1.8m được xếp từ 18 ngàn chiếc bánh chưng nhỏ do Tập đoàn Mai Linh cung tiến. Bánh chưng sẽ được phát lộc vào sáng ngày 10/3- sau lễ dâng hương.

Một kỷ lục khác là bát miến khổng lồ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn miến SO Long Thành (Chương Mỹ, Hà Nội) đặt sản xuất tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Chiếc bát đựng miến có đường kính miệng 1,8m, cao 1,2m.

Chiếc bát được trưng bày tại Đền Giếng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng). Đêm nay 22/4 (9/3 âm lịch) sẽ nấu miến và khoảng 10 giờ sáng 10/3 sẽ phát lộc cho người dân về Giỗ Tổ. Nguyên liệu để nấu bát miến này gồm: 200kg miến; 1.000 lít nước ninh từ 100 kg xương, 50 kg thịt gà, 50 kg thịt lợn; 10kg mì chính, hạt nêm; 10kg rau sống, hành. Tổng trọng lượng bát miến nặng khoảng 1,5 tấn.

Cẩm Hà

Ảnh: Dương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ