• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kon Tum: Triển khai hiệu quả những dự án giảm nghèo bền vững

Kinh tế 15/09/2023 16:04

(Tổ Quốc) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2018, chính quyền địa phương lựa chọn hộ nghèo Y Khoa (thôn Jơ Drợp, xã Đăk Năng, TP Kon Tum) hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đến nay, thu nhập từ tiền bán bê con và các phụ phẩm chăn nuôi đã giúp gia đình chị Y Khoa nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Kon Tum: Triển khai hiệu quả những dự án giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Dự án hỗ trợ bò phát triển chăn nuôi được thực hiện hiệu quả

Cũng từ Dự án này, năm 2018, UBND xã Vinh Quang đã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản cho hộ nghèo Y Trich - Kpă Drưt (thôn Kon Rờ Bàng 2) để phát triển chăn nuôi. Đến nay, thu nhập từ tiền bán bê con và phân bò giúp hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và vươn lên thoát nghèo. Trong tháng 9/2023, xã sẽ thu hồi nguồn vốn để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn xã.

Mô hình nuôi bò sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững do cộng đồng nhân dân thôn 5 (xã Đoàn Kết) là một trong những mô hình triển khai mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ dân tham gia cho rằng, mô hình này rất phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động, công việc chăm sóc bò đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Đặc biệt, những người tham gia dự án có tinh thần cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò và hỗ trợ các đối tượng khác về kỹ thuật cũng như kiến thức chăm sóc bò sinh sản. Mô hình nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Qua khảo sát, trong 8 hộ tham gia mô hình nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020, đã có 5 hộ thoát nghèo, 3 hộ thoát nghèo vươn lên nhóm hộ cận nghèo và mô hình này đang được chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng

Tương tự, tại huyện Kon Plông, từ nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, huyện đã triển khai thực hiện 7 dự án hỗ trợ giống vịt xiêm tại các xã Hiếu, Măng Cành, Măng Bút, Đăk Nên, Ngọc Tem, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen; triển khai 3 dự án nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất sả Ja Va tại các xã Đăk Ring, Ngọc Tem, Đăk Nên và hỗ trợ xã Đăk Tăng thực hiện 1 dự án trồng cây dược liệu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Qua 3 năm thực hiện dự án ở Kon Plông, có trên 90% số hộ có mức thu nhập ổn định, trong đó, có 60% số hộ tham gia dự án đã thoát nghèo, 30% số hộ từ nhóm hộ nghèo vươn lên nhóm hộ cận nghèo.

Theo UBND huyện Ia H’Drai, thời điểm cuối năm 2022, huyện còn 711 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,64% và 932 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 27,05% số hộ dân toàn huyện.

Xác định mục tiêu triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tìm được việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện chất lượng đời sống và thoát nghèo, đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, UBND huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo, trong đó, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở nguồn vốn được giao năm 2023 là hơn 56,2 tỷ đồng, để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Ia H’Drai đã tiến hành triển khai các dự án, tiểu dự án phục vụ công tác giảm nghèo. Trong đó, huyện đã triển khai Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội với 11 công trình công cộng, trường học, đường giao thông nông thôn, nghĩa trang nhân dân được đầu tư sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới. Với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã xây dựng 5 mô hình hỗ trợ người dân nuôi bò sinh sản, nuôi heo thịt. Với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp huyện cũng triển khai 5 mô hình hỗ trợ người dân nuôi dê và bò sinh sản, trồng cỏ giống làm thức ăn cho gia súc; tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững với các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm được tổ chức tại 3 xã trên địa bàn huyện thu hút 150 lượt người dân tham gia. Đối với dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiến hành hỗ trợ 69 hộ dân với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới nhà ở.

Bà Đỗ Thị Yến, trú tại thôn 2 (xã Ia Dom) chia sẻ: “Nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình tôi hiện nay đã có nhà ở mới, khang trang và kiên cố. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu lao động sản xuất để thoát nghèo”.

Song song với triển khai các dự án giảm nghèo, huyện Ia H’Drai còn chú trọng triển khai tuyên truyền về công tác giảm nghèo thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, chủ động, mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển các mô hình sản xuất để có thêm nguồn thu nhập, đồng thời, thu hút các tầng lớp nhân dân chung tay tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Bà Bạch Thị Mân - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Năm 2022 ngân sách Trung ương phân bổ 15.456 triệu đồng và năm 2023 là 38.935 triệu đồng cho các huyện, thành phố để triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần”, “cho chiếc cần câu” chứ không cho "con cá" để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra; đặc biệt tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo đạt và vượt kế hoạch được giao. Cụ thể tính đến cuối năm 2022, huyện Kon Plông tỷ lệ giảm nghèo 8,40%, đạt 105,5% kế hoạch; huyện Tu Mơ Rông tỷ lệ giảm nghèo 11,05%, đạt 138,13% kế hoạch; huyện Ia H’Drai tỷ lệ giảm nghèo 20,09%, đạt 251,14% so với kế hoạch.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ