• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vì để thiếu điện

Thời sự 04/11/2023 22:03

(Tổ Quốc) - EVN đã ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 1 Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện. Đồng thời, đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Chiều 4/11, tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, phóng viên đặt câu hỏi đến Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc bảo đảm cung ứng điện cuối năm 2023 và năm 2024. Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan trong việc bảo đảm cung ứng điện như thế nào?

Liên quan đến cách tính giá điện, Bộ Công Thương cũng nêu lên quan điểm hiện nay về cách tính giá điện và điều chỉnh giá điện đã tính đúng, tính đủ và phù hợp hay chưa? Làm thế nào để đảm bảo đủ nguồn điện cũng như nguồn lực để đầu tư phát triển cho ngành điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội cũng như là phát triển ngành điện một cách bền vững?

Xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện với lộ trình phù hợp

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Bộ Công Thương đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và đặc biệt là không để thiếu điện.

Kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vì để thiếu điện - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp: Bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng nhiên liệu đầu vào (than, khí, dầu cho sản xuất điện); đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch- Phố Nối; đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ chức phát điện; điều độ vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu, kỹ thuật, bảo đảm chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.

Ngoài việc đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương cũng triển khai các giải pháp khá quan trọng, đó là công tác liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đây là việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay,…

Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cao công tác dự báo, xây dựng các kịch bản để đối phó với các tình huống khẩn cấp, cực đoan có thể xảy ra trong vận hành hệ thống điện; đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho đời sống sinh hoạt người dân.

Về cách tính giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, căn cứ vào Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể về các phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, bao gồm chi phí các khâu trong quá trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, điều hành, quản lý ngành… đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chi phí đúng, đủ.

Các cơ chế điều hành, điều chỉnh mức giá bán điện bình quân thì đã được quy định rất rõ trong Quyết định 24 liên quan đến các nội dung như: Thông số đầu vào mà biến động làm cho giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng; và nếu giảm thì sẽ được xem xét điều chỉnh giảm tương ứng.

Điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết các mặt của đời sống kinh tế- xã hội, nên việc điều chỉnh điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, nên Quyết định 24 cũng quy định cần phải báo cáo Thủ tướng có ý kiến, trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện với lộ trình phù hợp. Hiện nay Bộ Công Thương đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc thanh tra về cung ứng điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã thanh tra và đã có kết luận thanh tra vào tháng 7 vừa qua. Trong đó, có nội dung rất quan trọng đó là công tác kiểm điểm. Vấn đề này Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Qua quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thực hiện rất nghiêm túc, và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan được chỉ ra tại kết luận thanh tra.

Các hình thức đề xuất kỷ luật, nội dung này đã được báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban đang chuẩn bị báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Riêng về phía Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra và tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan trong Bộ Công Thương, các nội dung kết luận cũng kiến nghị Bộ Công Thương kiểm điểm một số đơn vị (khoảng 5 đơn vị).

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban quản lý vốn để triển khai các giải pháp, đặc biệt là chỉ đạo EVN để khắc phục các hệ quả, nhất là tìm các giải pháp để tránh lặp lại các sai sót đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra của Bộ.

Kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn EVN

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sĩ Hùng cho biết, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã nêu một số tồn tại và vi phạm với các nội dung: Chậm đầu tư và hoàn thành một số nguồn lưới điện; đảm bảo dự trữ nguyên liệu sơ cấp để đảm bảo cung cấp điện; điều độ vận hành hệ thống điện một cách cân đối trong việc huy động các nguồn điện cơ cấu điện; vi phạm trong chỉ đạo điều hành vận hành hệ thống trong mùa khô 2023; gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng đặc biệt là trên khu vực miền Bắc vào tháng 5, tháng 6 năm 2023.

Kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vì để thiếu điện - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UB quản lý vốn nhà nước Hồ Sĩ Hùng tại buổi họp báo chiều 4/11

Theo ông Hồ Sĩ Hùng, đây là những nội dung rất quan trọng, làm rõ trách nhiệm các vấn đề liên quan những người, tập thể đã thực hiện nội dung này. Dựa trên nội dung thanh tra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN thực hiện kiểm điểm theo quy định.

Sau khi kiểm điểm, tiến hành lập Hội đồng kỷ luật đưa ra mức kỷ luật. Đến thời điểm hiện nay EVN đã thực hiện kiểm điểm rất nghiêm túc, làm rõ các vấn đề phát sinh và kể cả các giải pháp cần phải khắc phục.

Hiện nay EVN đã ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 1 Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện. Đồng thời, EVN cũng đã đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ủy ban Quản lý vốn cho rằng, EVN đã thực hiện kiểm điểm đúng nội dung, nghiêm túc và đề xuất các hình thức kỷ luật phù hợp. 

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ