• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng Chương trình MTQG về Văn hóa: Khai thác được các giá trị để văn hoá trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước

Thực hiện: Bảo Trân | 20/02/2024

(Tổ Quốc) - Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Kỳ vọng Chương trình MTQG về Văn hóa: Khai thác được các giá trị để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tiếp tục yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.

Chương trình được triển khai trong giai đoạn 10 năm, đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần. Trong đó nhấn mạnh về các dự án xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế và cải thiện, nâng cấp một số thiết chế văn hoá.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, nghiên cứu các tài liệu về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; các tài liệu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam…

Căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đến nay, Bộ đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, sớm trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

"Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến thời điểm này, dự thảo Chương trình đã được Hội đồng tư vấn thông qua và đang chờ Hội đồng cấp quốc gia quyết định. Sau đó, Bộ VHTTDL sẽ tập trung hoàn thiện để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội trong phiên họp gần nhất như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ 6 vừa qua" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Khai thác được các giá trị văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước

Đánh giá về Chương trình này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hóa.

Việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là hết sức cần thiết, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá, góp phần phát triển bền vững của đất nước thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.

Chia sẻ thêm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, văn hóa là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức, lối sống, giá trị cao đẹp và lòng tự hào dân tộc. Phát triển văn hóa chính là bảo đảm đạo đức, lối sống và những giá trị của cộng đồng và những giá trị của cộng đồng, dân tộc được bảo tồn và phát triển, giúp ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển và xã hội ngày càng văn minh, phát triển bền vững.

Hình minh họa

Nữ đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sau khi được Quốc hội thống qua sẽ khai thác được các giá trị văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước đúng với chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội.

Vị đại biểu ngành Văn hóa cũng chia sẻ thêm, trong văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.

"Tôi kỳ vọng về Chương trình này sau khi được Quốc hội ban hành Nghị Quyết là phải tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam có chất lượng về chiều sâu và chiều rộng, có quy mô và nguồn lực đủ mạnh để triển khai có hiệu quả mục tiêu đã đề ra" - đại biểu Đoàn Đắk Nông bày tỏ.

Vững tin vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa

Nhấn mạnh về nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu cho rằng, các chính sách cần được đưa vào Chương trình là cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Theo đại biểu, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc anh em, chung sống với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và biến mất.

Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống, để từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, mà còn giúp chúng ta có hành trang kiến thức và sự tự tin văn hóa, để chúng ta bước đi vững chắc vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Đại biểu cũng cho rằng cần đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng được yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường./.




NỔI BẬT TRANG CHỦ