• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm rõ hơn về linh vật Việt Nam

Giải trí 23/12/2015 01:03

(Toquoc)- Linh vật Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, có giá trị ra sao trong đời sống tinh thần của người Việt, điều này đã phần nào được lý giải qua tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống”.

(Toquoc)- Linh vật Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, có giá trị ra sao trong đời sống tinh thần của người Việt, điều này đã phần nào được lý giải qua tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống”.



Những linh vật Việt trong đời sống văn hóa truyền thống

Tọa đàm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Di sản văn hóa Trần Lâm Biền đã tham gia cuộc tọa đàm, giới thiệu đến công chúng những linh vật cơ bản của Việt Nam và đặc điểm nhận dạng linh vật Việt.

Ông khẳng định: Linh vật (Con vật thiêng) Việt Nam cơ bản nhất phải nhắc đến long, lân, quy, phượng. Trong đó, rồng (long) trong dân gian thường hay liên quan đến mây, mưa, sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi; còn với vương triều phong kiến, rồng thường hay gắn với uy quyền của nhà vua.

Linh vật là sản phẩm tư duy liên tưởng của con người gắn với thực tế cuộc sống, đặc biệt là lao động sản xuất. Qua linh vật, con người gửi gắm vào đó ước vọng, niềm tin vì vậy linh vật mang trong mình sức mạnh tổng hòa của nhiều con vật hội tụ lại. Bởi vậy, linh vật cũng được hình thành bởi những đặc điểm nổi bật của các con vật khác. Ví dụ như con Phượng, đầu chim ưng, mắt hình giọt lệ, chân hạc, móng diều hâu, cánh đại bàng, đuôi công… Phượng và lân là các linh vật thường gắn với tầng trời, là hiện thân của các bậc thánh nhân, người tài trí; sau này phượng còn được gắn với hình ảnh của hoàng hậu trong các triều đình phong kiến. Con lân trong văn hóa người Việt còn có nhiều tên gọi khác như nghê, sấu, cù… Con rùa là vật dưới đất, thường hay đội hạc nhằm tạo nên thế âm dương đối đãi… Ngoài 4 linh vật nêu trên, văn hóa Việt Nam còn hay để cập đến một số linh vật khác như hổ, voi, hươu, ngựa, cá chép, khỉ…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền khẳng định: Trải qua nhiều thời kì, giai đoạn lịch sử, văn hóa Việt Nam có giao thoa, học tập nhiều nét từ văn hóa nước ngoài song về cơ bản, linh vật của Việt Nam luôn giữ nét hiền hòa, cân bằng tạo cảm giác yên bình chứ không có tính chất áp chế, đe dọa như linh vật nước ngoài…

Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Cuộc tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống” là một hoạt động thiết thực, giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa của các hình tượng linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống Việt Nam, từ đó nâng ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu đã lo ngại về tình trạng “hổng” kiến thức về linh vật. TS. Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm cho rằng trong thời gian gần đây, thuật ngữ “linh vật” được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, truyền hình, báo mạng... và các trang mạng xã hội song theo khảo sát thì 40 năm trở lại đây, các từ điển tiếng Việt hiện đại không ghi nhận từ “linh vật”. Bởi vậy, để lấp lỗ hổng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bên cạnh việc bổ sung những kiến thức cụ thể về linh vật truyền thống thì cũng cần có những tài liệu về mỹ thuật truyền thống, từ điển về mỹ thuật để những người quan tâm tới lĩnh vực này cũng như các học sinh, sinh viên chuyên ngành có thêm các tư liệu để tra cứu, so sánh, đối chiếu.

Với mong muốn cho công chúng hiểu rõ hơn về linh vật Việt Nam, hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đang trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”. Trưng bày giới thiệu đến công chúng 30 loại hình linh vật qua gần 100 hiện vật tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các loại hình linh vật tiêu biểu gồm: Vật tổ trong văn hóa Đông Sơn; hình tượng Rồng; hình tượng Kỳ Lân; hình tượng Rùa, Long mã; hình tượng Phượng; hình tượng Hạc; hình tượng Cá hóa rồng; hình tượng Ngựa có cánh; hình tượng Chim thần Garuda; hình tượng Si vẫn; hình tượng Bồ lao; hình tượng Thao Thiết; hình tượng Tiêu Đồ; hình tượng Tích Tà; hình tượng Rắn; hình tượng Hổ; hình tượng Chó; hình tượng Voi; hình tượng Khỉ; hình tượng Uyên ương; Sư tử - Nghê; 12 con giáp… góp phần giúp cho công chúng hiểu hơn về linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống, từ đó yêu hơn giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Bài&ảnh: Hồng Hà



NỔI BẬT TRANG CHỦ