• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm thế nào để các cây bút trẻ phải bứt khỏi "thang bậc" lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được?

Văn hoá 13/01/2019 09:58

(Tổ Quốc) - "Nếu các cây bút trẻ tự bằng lòng với những cái họ đã viết lâu nay thì khó có thể bứt phá, khó có thể khẳng định tên tuổi của mình" – đây là một trong những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của nhà văn Phong Điệp với báo điện tử Tổ Quốc trong buổi trao giải thưởng văn học của Tạp chí xứ Thanh.

PV: Thưa nhà văn Phong Điệp, chị là một trong số 4 thành viên ban giám khảo được đảm nhiệm vai trò thẩm định các tác phẩm dự thi văn học của Tạp chí xứ Thannh. Hơn nữa chị cũng là người gắn bó nhiều năm với văn học trẻ, hiện tại chị cũng là Phó trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, vậy chị có thể đưa ra nhận định của mình đối với các cây bút trẻ truyện ngắn từ cuộc thi này?

Nhà văn Phong Điệp: Tôi cho rằng chất lượng chuyên môn, mặt bằng của cuộc thi này không hề thua kém văn học trẻ hiện nay, ngay cả cuộc thi ở Trung ương. Ban giám khảo chúng tôi làm việc khá vất vả vì sự chênh lệch giữa các tác giả đoạt giải cao không nhiều lắm. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã đi đến sự thống nhất và có thể thấy rằng các tác giả có sự tìm tòi nghệ thuật đổi mới trong phong cách nghệ thuật và chạm được những vấn đề nhân sinh đã được giải cao trong cuộc thi này.

Điều ấy cho thấy mối quan tâm của các tác giả trẻ rất đa dạng, họ đã nắm bắt được những thay đổi trong đời sống cũng như những vấn đề nóng của đời sống và thể hiện rất nghệ thuật trong tác phẩm. Các tác phẩm đạt giải đã chinh phục trước hết ban giám khảo và tôi nghĩ rằng sẽ chinh phục được độc giả. Tôi cho rằng đó là thành công của cuộc thi lần này.

Làm thế nào để các cây bút trẻ phải bứt khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được? - Ảnh 1.

Nhà văn Phong Điệp

PV: Một điểm nổi bật và khác biệt của cuộc thi văn xuôi cũng như thơ trên Tạp chí xứ Thanh là tuy cấp độ của địa phương nhưng lại mở ra cơ hội cho đối tượng dự thi cho tất cả các cây bút trên cả nước, nhà văn nhận định như thế nào về điều này?

Nhà văn Phong Điệp: Đây là điều tôi rất bất ngờ. Bởi thường tôi hay nhiều người luôn nghĩ cuộc thi cấp tỉnh thì thường chỉ khoanh vùng ở cấp tỉnh. Và điều này tôi nghĩ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc thi. Nhưng khi đọc tác phẩm thì thấy sự trải dài của tác giả trong Nam ngoài Bắc, từ TP. Hồ Chí Minh đến tận Hà Giang, Điện Biên và số lượng tác giả của tỉnh Thanh Hóa chỉ góp một phần tiếng nói nhỏ. Rõ ràng cho thấy sự cởi mở của Ban tổ chức. Họ sẵn sàng dành cuộc thi này, cơ hội này cho tất cả mọi người.

Nếu họ bằng lòng với những cái họ đã viết lâu nay thì khó có thể bứt phá, khó có thể khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng khi những tác giả có một sự "thức tỉnh" thì họ sẽ có một cú hích lớn cho sáng tác của họ.

Nhà văn Phong Điệp

Tôi nghĩ đây là một tham vọng của Ban tổ chức khi không giới hạn cuộc thi cấp tỉnh mà mở rộng thành cấp quốc gia, khi họ mời gọi, quy tụ được tác giả trẻ, thậm chí những người viết trẻ đã từng đoạt giải và có tên tuổi trong văn học trẻ tham dự cuộc thi này. Đó là một cái tham vọng cực kỳ tốt, giúp cho tác giả trẻ ở xứ Thanh nhìn đấy là một cuộc đua mà họ tự mình phải bứt ra khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được. Một cuộc đua đầy kích thích người trẻ, công bằng chứ không phải việc mở ra cuộc thi cấp tỉnh là chỉ trao cho người ở tỉnh đó.

Và giải thưởng của cuộc thi đã thể hiện rất rõ là những giải cao của truyện ngắn không trao cho tác giả xứ Thanh. Nhưng ngược lại, thơ thì các tác giả xứ Thanh đều đạt giải cao.

Làm thế nào để các cây bút trẻ phải bứt khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được? - Ảnh 3.

Phó chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa Nguyễn Văn Túy, nhà thơ Lê Quang Sinh và nhà văn Phong Điệp (từ trái qua)

PV: Theo nhà văn, khi nhìn vào giải thưởng truyện ngắn, các cây bút trẻ Thanh Hóa không được giải cao nên vui hay buồn?

Nhà văn Phong Điệp: Tôi cho rằng đây là một sự thức tỉnh. Nếu họ không vượt được mặt bằng văn học chung hiện nay thì họ tự bị đánh tụt lại trong thang bậc. Và điều này rất tốt cho sáng tác văn học. Nếu họ bằng lòng với những cái họ đã viết lâu nay thì khó có thể bứt phá, khó có thể khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng khi những tác giả có một sự "thức tỉnh" thì họ sẽ có một cú hích lớn cho sáng tác của họ.

PV: Chị có mong các địa phương khác khi mở ra các cuộc thi văn học nghệ thuật sẽ không giới hạn đối tượng dự thi bó hẹp trong tỉnh để ít nhiều trở thành một cuộc cọ sát, cuộc đua mới mẻ, hứa hẹn chất lượng sẽ cao hơn và để văn học nghệ thuật địa phương "không có khoảng cách" với những thành phố lớn?

Làm thế nào để các cây bút trẻ phải bứt khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được? - Ảnh 4.

Các tác giả đạt giải trong cuộc thi

Nhà văn Phong Điệp: Tôi rất mong điều này ở các cuộc thi địa phương. Tôi thấy hiện giờ ở nhiều địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo dành cho văn học chưa nhiều, và để tạo được không khí văn chương chưa thực sự tốt. Một số tỉnh hiện nay đã làm rất tốt việc mở rộng, quan tâm đến các cây bút trẻ như Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Thanh Hóa… họ không những có tính phát hiện, còn tạo được không khí, có sự bồi dưỡng cho các tác giả trẻ sân chơi. Ví dụ như ở Thanh Hóa ngoài việc mở cuộc thi toàn quốc họ còn mở trại sáng tác cho các cây bút trẻ , họ còn mời gọi các tác giả ngoài tỉnh tham dự. Các địa phương khác nếu có điều kiện cũng nên học tập.

Làm thế nào để các cây bút trẻ phải bứt khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được? - Ảnh 5.

Các tác giả đạt giải

Chúng ta cứ đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thật trong đó có văn học nhưng nếu chúng ta không phát hiện, bồi dưỡng và tạo sân chơi thì việc đánh giá cao chỉ là hình thức.

Cảm ơn nhà văn!


Ngày 12/1, tại Thanh Hóa, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải thưởng văn học của Tạp chí xứ Thanh. Theo đó, trong hai lĩnh vực thơ và văn xuôi chỉ có 1 giải nhất dành cho tác giả trẻ 9x Phan Đức Lộc của Điện Biên với tác phẩm Mùa đông ở Sính Phình. Ngoài ra 4 tác giả được trao cho tác giả: Nguyễn Văn học (Con khổng tước và cô tiểu thư); Hiền Nguyễn (Thí dụ ngày mất tiền); Phạm Tiến Triều (Bùa lá; Lũ trẻ với những chú chim non); Việt Hưng (Từ khóa; Cúc áo anh rơi thảm ỏ nhà người) cùng 6 giải ba và 8 giải tư.

Ban giám khảo của cuộc thi ngoài 2 thành viên từ Tạp chí xứ Thanh còn có các nhà văn, nhà thơ: Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội), nhà văn Phong Điệp (Phó Ban nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Trưởng ban biên tập văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội), nhà thơ Lê Quang Sinh (Phó Giám đốc Bảo tàng Nhà văn Việt Nam)


Hiền Nguyễn (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ