• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lạm thu đầu năm học: Những cái gật đầu mang tên tự nguyện đầy miễn cưỡng

Thời sự 13/09/2017 07:13

(Tổ Quốc) -Đầu mỗi năm học, chuyện lạm thu không mới nhưng lúc nào cũng nóng và làm đau đầu những bậc phụ huynh dù trước đó đã ký vào dòng chữ “tự nguyện”.

Ngoài những khoản đóng góp cố định và được công khai rộng rãi như: Học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể…, còn lại một số mục như: đồng phục, tiền ăn, tiền trang bị cơ sở vật chất (điều hòa, học phẩm, trang bị…), xây dựng trường, quỹ lớp, quỹ Hội phụ huynh, học thêm… thì mỗi trường một mức giá khác nhau, đây chính là “kẽ hở”  để tình trạng lạm thu trong trường học có đất sống.

Để hợp thức hóa các khoản thu đó, nhà trường nếu lịch sự thường mang về cho phụ huynh một bản thông báo, trong đó có thể có những khoản tiền đóng góp cao - thấp khác nhau nhưng không thể không có dòng chữ “tự nguyện” đi kèm. Còn có trường hợp "tiền trảm hậu tấu", cứ làm xong đâu đấy rồi kêu gọi xã hội hóa. Và cái tờ giấy có chữ “tự nguyện” kia như một bảo bối hữu hiệu khiến nhà trường mỗi khi cần đóng góp lại mang ra, đồng thời là chiếc phao an toàn nếu như có ý kiến “nói ra nói vào”.

Nhưng tại sao lại có chuyện phụ huynh tự tay ký vào những khoản tiền có “đóng dấu” chữ tự nguyện đằng sau mà thực chất là thứ tự nguyện đầy miễn cưỡng, “ bằng mặt nhưng không bằng lòng”, trong lòng đầy ấm ức, khó chịu?.

Ảnh minh họa. Nguồn Tri thức trẻ.

Là bởi, họ chỉ là những người “thấp cổ bé họng”. Nếu họ có phản đối thì người chịu hậu quả không ai khác, chính là họ, là con cái họ. Họ chấp nhận trở thành người “hèn”, không dám nói thật suy nghĩ của mình, không dám đấu tranh vì không muốn làm xáo trộn việc học của con nếu phải chuyển trường, chuyển lớp khi năm học mới đã thực sự đến.

Họ - những người phụ huynh không nghĩ ý kiến thẳng thắn của mình có thể làm thay đổi được nhà trường. Không khéo “được vạ má đã sưng”. Và hơn hết, rất có thể khi bóng họ xa dần thì sự khó chịu, bực tức của những thầy cô giáo được nhà trường giao nhiệm vụ thu đủ, đúng thời hạn để không làm mất điểm thi đua của lớp sẽ trút lên đầu con cái. Mà trong mắt trẻ con thì thầy cô giáo là nhất, thầy cô giáo luôn đúng và người sai chỉ có thể là chính học sinh hoặc cha mẹ học sinh. Không những thế, sức đề kháng của mỗi học sinh còn quá thấp. Những em mẫu giáo, tiểu học còn quá nhỏ, làm sao cha mẹ có thể dám đi ngược lại những yêu cầu của nhà trường để thầy cô không phân biệt đối xử?

Một phụ huynh từng kể, vì không đồng ý đóng  góp tiền mua máy phát điện ở trường mầm non, vì trường mầm non đã thuộc dạng được ưu tiên điện, không có chuyện bị cắt điện, nhưng ngày nào đi học về con cũng nhắc. Một tuần sau thì con bảo không đi học nữa vì nếu bố mẹ không đóng tiền cô sẽ không cho vào lớp.

Một phụ huynh khác thì khá bức xúc cho biết, vừa ra tết (2/2017) con mới đi mẫu giáo nhà trường đã bắt mua hai bộ đồng phục, vậy mà mấy tháng sau vào năm học mới (9/2017) nhà trường lại bắt mua hai bộ đồng phục nữa. Lý do là nhà trường thay mẫu đồng phục mới. Và để chống chế cho việc không lãng phí đồng phục, nhà trường quy định cả tuần các cháu mẫu giáo mặc đồng phục cả mẫu cũ và mới. Với quy định này thì phụ huynh càng bức xúc, vì các cháu mẫu giáo còn đang tuổi ăn tuổi chơi, có khi sáng vừa mặc đồng phục, ăn xong đã bẩn phải thay, mải chơi không kịp đi tiểu đúng chỗ cũng phải thay, chơi đùa nhiều mồ hôi ra cũng phải thay… giờ lại còn phải nhớ thứ 2 phải mặc đồng phục cũ hay mới, thứ 3 lại mẫu mới hay cũ thì quá là rắc rối, chẳng khác gì tra tấn tinh thần!.

Hay như chuyện yêu cầu học sinh phải sử dụng "đồng phục vở, nhãn vở" mang logo của trường với các màu xanh, đỏ, cam, vàng quy định cho số môn tương ứng. Thế nên mới có tình trạng, ngày đầu tiên của năm học mới, phụ huynh vẫn í ới gọi nhau đổi vở vì người mua được toàn màu xanh, người lại có toàn màu cam. Ấy là chưa kể, có phụ huynh chậm chân đến mua thì bộ phận bán vở ở trường thông báo... "đã hết và phải chờ". Điều khiến phụ huynh bức xúc hơn là giấy "vở đồng phục" quá trắng, sẽ ảnh hưởng không tốt tới thị lực của trẻ, biết vậy mà vẫn phải bấm bụng cho con dùng. 

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều những câu chuyện bức xúc vì nhà trường lạm thu. Tất cả những phụ huynh kể trên đều có một điểm chung là nhìn thấy rõ cái sai của nhà trường, nhưng không dám nói thẳng với trường, khi tiết lộ với báo chí cũng yêu cầu không để tên thật để đỡ ảnh hưởng đến con. Và cuối cùng điểm chung nữa là: dù ấm ức, không bằng lòng, nhưng rồi vẫn phải đóng tiền cho xong, cho yên chuyện, cho con cái được học hành bình thường như bao đứa trẻ khác.

Nhà trường – nơi giáo dục, trao truyền tri thức mà lạm thu trên những cái gật đầu đầy miễn cưỡng của phụ huynh, trên sự non nớt, chưa đủ sức “chống đỡ” của những đôi mắt trẻ thơ thì thật đau đớn, xót xa…

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ