• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lan tỏa văn hóa đọc từ Xứ Đoài books

Văn hoá 18/02/2023 09:50

(Tổ Quốc) - Là một người đam mê đọc sách, yêu văn hóa xứ Đoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã dành tâm huyết thành lập một kho sách mang tên Xứ Đoài books tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Tại đây, quán mở cửa miễn phí với tất cả mọi người, là nơi giao lưu về văn hóa xứ Đoài.

Điểm hẹn nhân văn

Từ quốc lộ 32 trên địa phận thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), không khó khăn khi tìm vào Xứ Đoài Books. Đó là căn nhà 3 tầng tại một khu tập thể, trước cửa nhà chủ nhân treo mành tre, trồng trúc, và bố trí các chậu lan, tạo nên một không gian giao lưu, đọc sách thú vị. Nơi đây có hàng nghìn cuốn sách về danh nhân xứ Đoài, do các tác gia xứ Đoài sáng tác. Nhiều nhất trong đó là các tác phẩm văn chương.

Xứ Đoài books – điểm giao lưu sách xưa và nay - Ảnh 1.

Có tình yêu sách từ bé và lớn dần theo thời gian, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi yêu thích sách từ bé, hồi mới vào lớp 1, do nhà ở gần hiệu sách tại ngã tư Trạm Trôi nên buổi trưa tôi thường ra hiệu sách để ngắm nhìn sách qua lớp kính, và cũng thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện tranh đọc. Cùng với đó, tôi được sống với ông nội, một người rất thích đọc sách nhất là các tác phẩm văn chương, thơ ca nên khi nghe ông ngâm thơ tôi lại càng thích hơn. Và cứ thế tình yêu đối với sách trong tôi càng lớn dần, lớn lên đi học tôi thường làm thẻ thư viện tại Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia để vào ngày nghỉ cuối tuần hay những kỳ nghỉ hè tôi sẽ đến đọc sách thỏa mãn đam mê của mình".

Xứ Đoài books – điểm giao lưu sách xưa và nay - Ảnh 2.

Bộ sưu tập tác phẩm của nhà thơ, nhà văn Tản Đà

Khi được hỏi từ bao giờ ông lại có ý tưởng thành lập một kho sách như này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: " Vì tôi yêu sách nên tôi tiết kiệm tiền mua rất nhiều cuốn sách với thể loại khác nhau như thơ ca, văn chương, đông y, khoa học kỹ thuật, triết học phương Đông… về để đọc. Thời đó, tôi chưa có định hướng mở ra Xứ Đoài books như bây giờ mà chỉ mua để thỏa mãn đam mê của mình thôi. Và khi tôi bắt đầu sinh hoạt trong câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài, tôi được giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ thì tinh thần yêu thơ ca, văn chương của mình được đẩy lên. Đặc biệt, khi Bảo tàng Văn học được mở cửa phục vụ vào năm 2015, tôi mới nảy ra ý tưởng mở một nơi để trưng bày sách của các thi nhân quê hương mình, lưu giữ lại để phát triển và lan tỏa cho mọi người biết đến một vùng đất giàu thơ văn như xứ Đoài".

Hiện nay, quán có tổng cộng hơn 2000 cuốn sách, những cuốn sách của rất nhiều các tác giả nổi tiếng như: Quang Dũng, Tản Đà, Xuân Quỳnh,… Để mua được những bộ sách cũ rất khó và tốn chí phí, có những bộ sách cũ ông phải tích cóp mãi mới "thỉnh" được về. Một trong số đó và bộ "Tản Đà vận văn" được in trước năm 1954.

Ngoài ra, các hiệu sách cũ có tiếng tại Hà Nội như hiệu sách của bác Cảnh ở phố Bát Đàn, anh Dư ở phố Bà Triệu hay bác Điền phố Thụy Khuê, chị Nga phố Trần Quốc Hoàn cũng là những địa chỉ quen thuộc để ông tìm sách, nhờ mua mỗi khi cần.

Xứ Đoài books – điểm giao lưu sách xưa và nay - Ảnh 3.

Những cuốn sách được ông Hùng giữ gìn cẩn thận

Hiện nay, khi công nghệ phát triển, ông Hùng thường tìm sách, mua sách cũ và mới qua sàn thương mại điện tử, hay các nhóm trên Facebook, Zalo... Thậm chí, ông Hùng còn đi vận động người nhà của các tác giả. "Có những cuốn sách không quý bằng bản chép tay của các tác giả nên muốn sưu tầm được tôi phải nhờ các nhà thơ, nhà văn thế hệ trước giới thiệu đến nhà riêng của tác giả để đi vận động sự đóng góp. Chính vì thế, tôi xác định mở quán sách này là của cộng đồng, tôi có ý tưởng, có điều kiện kinh tế xây dựng nhưng để có chất lượng và nguồn sách phóng phú thì phải cần đóng góp tham gia của tất cả mọi người. Và Xứ Đoài books luôn mở cửa đón mọi người, không chỉ đến đọc sách, mà còn giao lưu về văn hóa, văn học xứ Đoài".

Lan tỏa văn hóa đọc đến cộng cồng

Mong muốn lan tỏa được văn hóa đọc đến cộng đồng, đặc biệt các em học sinh, ông Hùng chia sẻ: "Mặc dù tôi mở quán là để phục vụ tất cả mọi đối tượng nhưng đối tượng tôi hướng đến chính vẫn là các em học sinh, sinh viên. Tôi muốn tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa văn hóa đọc để các em học sinh cũng có tình yêu sách như tôi. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, các bạn có thể đọc sách trên điện thoại, máy tính… nhưng tôi tin rằng đọc sách điện tử không thể thay thế được văn hóa đọc sách truyền thống. Vì qua đọc những cuốn sách cũ mọi người sẽ có những cảm nhận khác hoàn toàn so với đọc sách qua màn hình điện thoại, kể cả sách điện tử ra đời thì sách giấy vẫn tồn tại".

Xứ Đoài books – điểm giao lưu sách xưa và nay - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ quán Xứ Đoài books

Vì hiểu được giá trị của sách và mong muốn lan tỏa những giá trị ấy, gần đây, ông Hùng có sáng kiến tổ chức những "trạm đọc" di động. "Tôi đóng những giá sách kích cỡ 80 cm x 120 cm. Mỗi giá sách lại được bày các loại sách theo chủ đề nhất định. Mục đích làm những giá sách như thế để tôi có thể cơ động di chuyển đi khắp nơi mà không tốn quá nhiều công sắp xếp lại các loại sách. Tôi chỉ cần chở vài chuyến xe máy là có thể bố trí được một "thư viện di động" cho độc giả, và tôi sẵn sàng làm điều đó, nhất là chở sách đến các trường học để chia sẻ, giao lưu về văn học với các em học sinh" – ông Hùng chia sẻ thêm.

Dù Xứ Đoài books đã mở được gần 8 năm, thu hút được lượng không nhỏ người yêu văn học nghệ thuật nhưng ông Hùng vẫn mơ ước xây dựng Bảo tàng Văn học xứ Đoài để lưu giữ nhiều hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Ông Hùng chia sẻ: "Tôi đã chuẩn bị mặt bằng để xây dựng hai khu, gồm Xứ Đoài thơ và Xứ Đoài văn và đang chuẩn bị xin thủ tục để thành lập "Bảo tàng Văn học xứ Đoài"... Tại đây, người yêu sách có thể thưởng ngoạn các bộ sưu tập sách, tìm một cuốn thơ mà mình thích, ngắm nhìn các bộ gỗ lũa kỳ dị hay thưởng ngoạn thư pháp, tranh, ảnh đen trắng về xứ Đoài xưa".

Xứ Đoài books – điểm giao lưu sách xưa và nay - Ảnh 5.

Bộ sưu tập sách của nhà thơ Quang Dũng

Làm bảo tàng văn học sẽ rất kỳ công, tốn kém, nhưng với ông Hùng giá trị văn học nghệ thuật của "mảnh đất trù phú" như xứ Đoài thật không có tiền nào có thể mua được. Đó là niềm tự hào của những người con xứ Đoài hôm nay, mai sau. Và với ông, một bảo tàng như thế sẽ là cách để lan tỏa nét đẹp của văn hóa xứ Đoài và tăng sức hấp dẫn cho văn hóa đọc với giới trẻ./.

Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ