• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí

Văn hoá 08/08/2023 16:06

(Tổ Quốc) - Từ lâu, Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) đã nổi tiếng là nơi sản sinh ra các họa sĩ năng và được những người yêu mến gọi là "làng họa sĩ". Với mong muốn mang lại cho các em thiếu nhi một sân chơi lành mạnh, bổ ích trong dịp hè và khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật trong thế hệ trẻ, các họa sĩ của làng đã mở lớp học vẽ miễn phí dành cho các em nhỏ nơi đây.

Người nông dân trở thành họa sĩ

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 cây số, làng Cổ Đô, huyện Ba Vì là làng quê yên ả trải dài ven đê sông Hồng, nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với ngã ba Hạc từ lâu đã nổi danh khắp vùng. Bởi đây là làng lụa, làng thơ, làng nghề truyền thống, vùng đất của những danh nhân tên tuổi như Nguyễn Sư Mạnh, Nguyễn Bá Lân...

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí - Ảnh 1.

Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô (bên trái)

Nhiều năm nay, Cổ Đô còn được mệnh danh "làng họa sĩ" với những hoạt động mỹ thuật sôi nổi. Theo họa sĩ Hoàng Tuấn Việt – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô cho biết: "Ở Cổ Đô, từ người già đến em bé ai cũng biết đến câu chuyện về người tiên phong đem hội họa về làng là họa sĩ Sỹ Tốt - ông đã từng đạt Giải thưởng Nhà nước, tác giả của những tác phẩm: Ơ Bố; Tiếng đàn bầu, Lúa non buổi sớm, Em nào cũng được đi học… Khi ông đi bộ đội về đã được cử đi học tại trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, trở về quê, ông đã mở các lớp dạy vẽ cho người dân trong làng, từ đó phong trào yêu mỹ thuật của làng ngày càng được nhân rộng hơn.

Gọi là "làng họa sĩ" bởi Cổ Đô hiện có hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đều là những họa sĩ chuyên nghiệp, đã trải qua trường lớp. Còn những họa sĩ "không chuyên", tức là những người nông dân yêu thích mỹ thuật và cầm cọ vẽ tranh thì đông đảo hơn nhiều. Chính vì thế, ở làng còn có Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, hai bảo tàng hội họa là Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2016 và Bảo tàng Sỹ Tốt, gia đình đặt tại nhà riêng cố họa sĩ. Ngoài ra, còn có hàng chục phòng tranh cá nhân của các họa sĩ "chân đất", chủ yếu tự trưng bày tác phẩm của mình".

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí - Ảnh 2.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô - nơi trưng bày nhiều các tác phẩm của họa sĩ trong làng

Các tác phẩm mà họa sĩ Cổ Đô sáng tác chủ yếu theo trường phái hiện thực với những chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước, miêu tả những hình ảnh rất đỗi thân quen như cảnh làng quê, con trâu, cây rơm, góc vườn... nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại ngày nay, các họa sĩ của làng cũng đã cập nhật, sáng tạo đa dạng các chủ đều, màu sắc trong sáng tác đề phù hợp với tính đương đại.

Nơi ươm mầm tài năng nhí

Không chỉ là địa điểm sinh hoạt cho những người yêu thích hội họa, làng Cổ Đô còn là nơi ươm mầm tài năng cho các thế hệ họa sĩ nhí của làng. Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt chia sẻ: "Vào đầu những năm 1990, những lớp học vẽ từ thiện được mở ra ngay tại nhà của các họa sĩ trong làng, từ chiếc bút lông, hộp màu, bảng vẽ... thậm chí cả những bữa ăn cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều được miễn phí. Từ đó đến nay, với mong muốn kế thừa và phát huy truyền thống hội họa của làng, chúng tôi đã liên tục duy trì mở lớp dạy học vẽ miễn phí cho các cháu học sinh có năng khiếu, yêu thích hội họa trong và ngoài địa phương, mỗi khóa trên 50 cháu.

Hiện nay, lớp học vẽ của làng ngày càng phát triển, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của làng mà nhiều em nhỏ đến từ các huyện, thị, địa phương bạn như Thị xã Sơn Tây, Hà Đông, Quốc Oai, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên... cũng quan tâm và đến tham gia. Qua các khóa học, đến nay đã có hơn 350 em thiếu nhi được tham gia lớp học vẽ, trong đó có nhiều cháu thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và trẻ tàn tật".

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí - Ảnh 3.

Hằng năm, vào dịp hè, các họa sĩ trong làng lại tổ chức lớp học vẽ miễn phí cho các em nhỏ

Việc đào tạo vẽ tranh ở đây cũng thật lạ: Không giáo trình, không phương tiện hiện đại, những người thầy đứng lớp cầm tay chỉ việc cho học trò trước đó còn là những nông dân chân lấm, tay bùn... Nhưng vì tình yêu tranh, những lớp đào tạo họa sĩ tại Cổ Đô cứ thế ra đời.

Tại các buổi của khóa học, các họa sĩ của làng Cổ Đô đã hướng dẫn cho các em cảm nhận về màu sắc, cách phối màu, sử dụng kỹ thuật đường nét, các chất liệu dùng vẽ tranh. Nhiều chủ đề chính như ước mơ của em, tĩnh vật màu, vẽ theo nhạc, chân dung, phong cảnh, môi trường, chủ đề gia đình, phong cảnh quê hương, lao động, lễ hội, văn hóa, thể thao… được các em thích thú thể hiện trên giá vẽ.

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí - Ảnh 4.

Ngoài thời gian học trên lớp, các họa sĩ còn tổ chức các buổi tham quan thực tế

Ngoài thời gian học tập ở lớp, các họa sĩ còn tổ chức cho các em học sinh tham quan thực tế để vẽ tranh phong cảnh. Những bức tranh về làng quê mùa gặt, bãi nổi sông Hồng, làng chài Cổ Đô... qua những nét vẽ mộc mạc của các em thật giản dị, gần gũi. Từ các buổi vẽ tranh dã ngoại đã giúp các em học sinh nơi đây thêm hiểu biết, yêu mến quê hương - nơi các em được sinh ra và lớn lên.

Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt bày tỏ: "Lớp vẽ miễn phí không chỉ thể hiện sự kế tiếp truyền thống hội họa của làng, mà còn là nơi khơi dậy và vun trồng những mầm non hội họa cho quê hương, đất nước. Qua các lớp học, chúng tôi mong muốn tạo cảm hứng cho trẻ em sáng tạo, tìm tòi khám phá và phát huy trí tưởng tượng về sắc màu hội họa, để lớp học trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh, là món ăn tinh thần không thể thiếu của các em thiếu nhi Cổ Đô trong các dịp hè".

Làng họa sĩ Cổ Đô – nơi ươm mầm tài năng nhí - Ảnh 5.

Những bức tranh về làng quê mùa gặt, bãi nổi sông Hồng, làng chài Cổ Đô... qua những nét vẽ mộc mạc của các em thật giản dị, gần gũi

Tuy nhiên, do lớp dạy vẽ là hoàn toàn miễn phí, nên để có kinh phí mua vật tư hội họa hàng năm cho các cháu, Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô thường phải đi xin hoặc vận động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Bởi vậy trong thời gian tới, họa sĩ Hoàng Tuấn Việt rất mong muốn các mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ để có thêm nhiều lớp học vẽ miễn phí bổ ích cho các cháu./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ