• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng Phù Đổng mở Hội Gióng

Văn hoá 11/05/2011 10:13

(Toquoc)- Hôm nay, ngày chính hội của Hội Gióng đã được tổ chức tại xã Phù Đổng- Gia Lâm- Hà Nội.

(Toquoc)- Hôm nay, ngày chính hội Hội Gióng- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được tổ chức tại xã Phù Đổng- Gia Lâm- Hà Nội.

Lễ hội của cộng đồng

Đã thành thông lệ, trải mấy trăm năm nhưng cứ đến ngày 9/4 âm lịch, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lại mở hội Gióng tưởng nhớ công đức vị Phù Đổng Thiên Vương.

Hội Gióng ở Phù Đổng có 5 làng tham gia, gồm: Phù Dực, Phù Đổng,  Đổng Viên (xã Phù Đổng), Đổng Xuyên, xã Đặng Xá (Gia Lâm) và Hội Xá, thuộc phường Phúc Lợi (Long Biên). Phù Đổng, Phù Dực thay phiên nhau làm giáp kéo hội được cử vào các tướng Văn Lang, gọi là ông Hiệu và các đội binh cận vệ. Đổng Viên, Đổng Xuyên cử đội quân báo, quân lương. Hội Xá với phường múa hát Ải Lao và trò bắt hổ. Hội mở từ mùng 7 nhưng mùng 9 mới là chính hội.

Hội Gióng vẫn luôn được người dân gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn giá trị

Hội Gióng ở làng Phù Đổng hằng năm thu hút hàng nghìn người trực tiếp tham gia và hàng vạn người tham dự. Năm nay, cùng với niềm vui Hội Gióng đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên bất chấp thời tiết nắng nóng, lượng du khách về với lễ hội vẫn tăng lên so với mọi năm.

Ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: “Công tác chuẩn bị được chính quyền và nhân dân xã Phù Đổng bắt đầu từ cuối tháng 2 âm lịch, trong đó việc chọn người đóng ông Hiệu, cô tướng, phù giá, các phường áo đỏ,  áo đen...được tiến hành khá kỹ lưỡng”.

Vẫn như mọi năm, hoạt động mở đầu ngày chính hội là lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng với "lực lượng" hàng trăm người thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. Đến đầu giờ Ngọ (11 giờ), phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước đền Thượng. Đây là màn thể hiện mang ý nghĩa rằng sức mạnh đoàn kết có thể chiến thắng thú dữ. Trong khi đó ở cuối làng Đổng Viên, trên bãi Đống Đàm cạnh hồ sen- tượng trưng cho trận địa địch, 28 nữ tướng của địch đã dàn trận. Tiếp đó là hội trận tái hiện đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc với phường áo đỏ, áo đen với ông tiểu hổ dẫn đoàn ca vũ Ải Lao, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu cờ, đội quân phù giá tháp tùng xe Long Mã, rồi đến cuộc giao chiến với giặc được hình tượng qua ba ván múa cờ hết sức độc đáo của ông hiệu Cờ. Ván cờ thứ ba kết thúc nghĩa là quân ta đã thắng.

Sau trận đánh Đống Đàm là trận đánh ở Soi bia. Tương truyền, sau khi giành thắng lợi, đại quân Thánh Gióng đang ăn mừng chiến thắng ở đền Thượng thì nhận được hung tin quân địch phản kích, bao vây quân ta. Ngay lập tức, đội quân Thánh Gióng xung trận lần thứ hai. Trận địa ở Soi Bia được bố trí tương tự như ở Đống Đàm, chỉ khác là cờ được phất từ trái sang phải, ngược chiều với trận đánh thứ nhất. Ván thứ ba kết thúc thì tiếng trống, chiêng nổi ba hồi vang rền báo tin quân ta thắng trận hoàn toàn. 28 tướng giặc phải rời kiệu quỳ gối chấp tay xin hàng. Lúc này, ông thủ từ bên phía đại quân đến trước hai nữ tướng chỉ huy, tước kiếm, lột mũ áo và múa kiếm xung quanh hai người này, tượng trưng cho sự hành quyết. Các nữ tướng còn lại được tha bổng.

Cùng với hàng ngàn người dân trong làng náo nức sửa soạn lễ vật tham gia lễ hội, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Phù Dực) cho hay, dù công tác xa nhà, cuối tuần mới về làng nhưng hằng năm cứ đến Hội Gióng, bất kể thời tiết thế nào, bất kể thời gian nào, chị cũng về làng, về với Hội Gióng. Những người con của làng đi làm ăn xa cũng vậy. Chị Thủy cho hay, bản thân người dân Phù Đổng phải say mê với Hội thì mới có thể truyền được tình cảm ấy đến những người tham dự lễ hội và thu hút ngày một nhiều hơn người dân các nơi về với Hội Gióng.

Sức sống bền bỉ trong đời sống

Trải hằng trăm năm, một điều không thể phủ nhận đó là sức sống lâu bền của Hội Gióng trong đời sống người dân Phù Đổng. Hằng năm, người dân đều không tiếc công sức, tiền của để đóng góp vào việc tổ chức lễ hội.

Hàng ngàn người dân về với Hội Gióng- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Đặc biệt, hễ ai được được chọn vào vai Ông Hiệu thì đó là đem lại niềm vinh dự cho gia đình, dòng họ. Ông Hiệu cũng được dân làng kính trọng bằng cách lấy chức danh ông “Hiệu” để gọi thay tên của người đó đến hết đời. Các nữ tướng đóng giả giặc Ân là những cháu thiếu nhi khỏe mạnh, xinh đẹp dưới 13 tuổi kèm đội phù giá từ vài chục đến hàng trăm người ở mọi lứa tuổi cũng phải trải qua quá trình tập luyện công phu. Anh Nguyễn Mạnh Tường vào vai Ông Hiệu Cờ lễ hội năm nay cho hay: “Chuẩn bị cho lễ hội năm nay, tôi cùng 70 thành viên khác trong họ đã tập luyện bền bỉ suốt nửa tháng. Kinh phí mà gia đình tôi bỏ ra để mua trang phục, làm lễ rước và chiêu đãi họ hàng lên tới hàng chục triệu đồng, song với mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, chúng tôi lấy đó là niềm vinh dự”.

Ông Cường cho hay, cho đến thời điểm này, xã Phù Đổng vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cho việc tổ chức Hội Gióng. Chương trình hành động quốc gia về Hội Gióng cũng mới chỉ giao chung chung cho các cơ quan hữu quan chứ chưa giao cụ thể cho xã Phù Đổng cần làm gì, làm như thế nào. Mặc dù vậy, xã Phù Đổng đã và đang giảng dạy chuyên đề về Hội Gióng trong các trường học trên địa bàn với mục đích truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ. Ông Cường mong muốn Nhà nước sớm quan tâm đến Hội Gióng bằng việc hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh phí tổ chức lễ hội, còn khâu tổ chức, các hoạt động diễn xướng vẫn do nhân dân Phù Đổng đảm nhiệm như ngàn xưa đến nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Bền- Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho biết, các cơ quan quản lý sẽ chỉ định hướng và hỗ trợ tuyên truyền nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lễ hội sẽ vẫn do cộng đồng tổ chức và làm chủ, có như thế, lễ hội mới được bảo tồn và giữ được giá trị nguyên bản trong đời sống nhân dân./.

“Hội Gióng ở làng Phù Đổng là hội trận mà không có gươm đao, tất cả được tái hiện bằng biểu tượng. Đó là hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng; đồng thời thể hiện sự nhân nghĩa, khoan hồng của quân và nhân dân ta từ ngàn đời nay” - Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận định.

Hà An

Ảnh: A. Tuấn

NỔI BẬT TRANG CHỦ