• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lãnh đạo đối lập Nga nghi bị đầu độc: Berlin càng "rắn", Moscow càng "bình chân như vại"

Thế giới 26/08/2020 11:24

(Tổ Quốc) - Bloomberg đăng tải, với sức khỏe của chính trị gia phe đối lập Nga Alexey Navalny vẫn ở trong tình trạng nghiêm trọng tại một bệnh viện ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đứng ở phía cuối của chiếc "dây thừng" giằng co với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, có vẻ như chính Berlin cũng không rõ phải làm những gì.

Hai nguồn tin thân cận với văn phòng Thủ tướng Đức tiết lộ, Berlin đang rất thất vọng vì Moscow không thể hiện sự linh hoạt. Đối với ông Putin, bà Merkel là một cầu nối với phương Tây và bà cũng có xu thế lựa chọn từ ngữ cho những phát ngôn của mình một cách rất cẩn trọng.

Tuy nhiên, trong vụ việc Navalnay, giọng điệu của người đứng đầu chính phủ Đức đã thay đổi. Chưa đầy 2 tiếng sau khi các bác sỹ tại bệnh viện Charite thông báo gần như chắc chắn Navalny bị đầu độc, bà Merkel đã công khai yêu cầu ông Putin phải tiến hành điều tra "đầy đủ như một vấn đề khẩn cấp".

Cũng theo các nguồn tin trên, tốc độ phản ứng của Thủ tướng Đức là nhằm gửi đi một dấu hiệu tới Điện Kremlin rằng, bà Merkel rất coi trọng vấn đề này. Trước đó, quan hệ Berlin-Moscow đã bắt đầu tuột dốc liên quan tới những cáo buộc Nga đứng sau vụ ám sát tại một công viên ở Berlin vào mùa hè năm ngoái cũng như vụ tấn công mạng vào Hạ viện Đức năm 2015.

Là một người lớn lên ở Đông Đức và có thể nói tiếng Nga, bà Merkel từng tìm cách tận dụng vị thế của mình để mở ra một kênh quan hệ với ông Putin. Trước khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, lãnh đạo Nga là một nhân viên của KGB hoạt động ở Dresden, Đức.

Lãnh đạo đối lập Nga nghi bị đầu độc: Berlin càng rắn, Moscow càng "bình chân như vại" - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny được cho là đã bị đầu độc (ảnh: Getty)

Ảnh hưởng chỉ có giới hạn

Tuy nhiên, những nỗ lực của bà Merkel tỏ ra chỉ có giới hạn nhất định. Tất cả những chỉ trích liên quan tới việc Moscow sáp nhập Crimea không thể thay đổi được tình trạng thực tế, ngay cả khi Nga đã bị loại khỏi nhóm G8.

Và trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước nhiều thách thức còn bà Merkel không có ý định quay trở lại chính trường sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm sau, nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ có nhiều không gian hành động hơn mà không cần phải quá lo nghĩ về những phản ứng mang tính trả đũa.

Thực tế, phát ngôn viên của ông Putin đơn giản phủ nhận lời kêu gọi của bà Merkel bằng cách khẳng định, không cần điều tra vì vẫn chưa có bằng chứng cụ thể là Navalny bị đầu độc. Sau khi được điều trị ban đầu ở một bệnh viện ở Omsk, Siberia, cuối tuần trước, chính trị gia người Nga đã được chuyển tới Berlin.

Người đứng đầu Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin thậm chí còn cho rằng, toàn bộ vụ việc có thể là "một đòn khiêu khích của Đức và thành viên khác thuộc EU, nhằm tạo ra thêm nhiều lời cáo buộc dành cho nước Nga".

Hôm thứ 2 (24/8), theo các bác sỹ của bệnh viện Charite, họ tìm thấy dấu vết của một chất chưa xác định có liên quan tới thuốc ức chế cholinesterase trong cơ thể ông Navalny. Giáo sư về dược học và các chất độc tại Berlin là Ralf Stahlmann cho biết, những chất mạnh nhất trong nhóm ức chế cholinesterase, có thể được sử dụng để điều trị chứng mất trí nhớ và Alzheimer. Chúng cũng được coi là "các chất độc chiến tranh cấp quân đội".

Lãnh đạo đối lập Nga nghi bị đầu độc: Berlin càng rắn, Moscow càng "bình chân như vại" - Ảnh 2.

Quan hệ giữa ông Merkel và Putin đang ngày càng xuống dốc (ảnh: Bloomberg)

Triển khai các biện pháp cứng rắn hơn

Ít nhất một nghị sỹ trong đảng của bà Merkel là ông Michael Brand đã lên tiếng kêu gọi EU và Berlin triển khai "các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng các vụ giết người được chính phủ tài trợ, đang ngày càng gia tăng". Tuy nhiên, các quan chức khác tại Berlin nhận định, vẫn còn quá sớm khi nói về trừng phạt.

"Tất nhiên, điều này rất tệ cho quan hệ của Nga với Đức và châu Âu", Giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga Andrey Kortunov nói trong một cuộc phỏng vấn.

Mặc dù vậy, câu hỏi luôn được đặt ra là, cần phải làm gì để thay đổi sự cân bằng địa chính trị. Các cuộc biểu tình nhằm vào Điện Kremlin tại vùng Viễn Đông của Nga cũng như phong trào phản đối Tổng thống thân Nga tại Belarus là Alexander Lukashenko – có thể sẽ thay đổi cách suy nghĩ của một số người.

Ông Kortunov chỉ ra, những sự kiện trên có thể khiến phương Tây coi vụ Navalny như một "dấu hiệu rằng ông Putin đang mất đi quyền kiểm soát tình huống".

Nếu mâu thuẫn giữa Moscow với Berlin tiếp tục leo thang, các dự án như đường ống Nord Stream 2 có thể đối mặt với nhiều nguy cơ. Để bảo vệ cho Nord Stream 2, Chính phủ Merkel từng phải hứng chịu không ít chỉ trích từ cả Mỹ và các nước EU.

"Điều này có thể làm thay đổi sự cân bằng trong nội bộ EU và Đức nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận nhượng bộ", ông Kortunov dự đoán.

Niềm tin bằng 0

Niềm tin giữa bà Merkel và ông Putin đang ở vào thời điểm thấp nhất trong lịch sử và mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo tiếp tục tuột dốc kể từ khi Điện Kremlin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 đồng thời ủng hộ cho phong trào li khai tại vùng Donbas, Ukraine.

Hồi tháng 5, bà Merkel cáo buộc Moscow đứng sau một vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của Hạ viện Đức. Trong khi đó, các công tố viên Đức cũng cho rằng, có những nhân tố Chính phủ Nga trong vụ ám sát một người đàn ông Georgia tại công viên Tiergarten ngay giữa ban ngày vào tháng 8/2019.

Cuối năm ngoái, trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với ông Putin về Ukraine tại Paris, bà Merkel đã nhắc lại yêu cầu Nga phải cung cấp hỗ trợ pháp lý và ông Putin đã đồng ý.

Tuy nhiên, giới chức Đức chỉ ra, sự hỗ trợ như vậy vẫn chưa xuất hiện và đến giờ thì không còn ai kỳ vọng vào nó nữa.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ