• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lãnh đạo EU thống nhất chiến lược tăng cường vị thế trên trường quốc tế

Thế giới 06/10/2021 17:22

(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) -Tây Balkans ở Slovenia vào ngày 5/10, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận chiến lược tăng cường vị thế của châu Âu trên trường quốc tế.

Theo trang Politico, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã gặp mặt tại lâu đài Brdo ở Slovenia trong cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 6 năm nay nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong giải quyết hàng loạt vấn đề như tình hình tại Afghanistan, quan hệ đối tác an ninh AUKUS (Anh-Mỹ-Australia) và sự phát triển của quan hệ EU-Trung Quốc.

Lãnh đạo EU thống nhất chiến lược tăng cường vị thế trên trường quốc tế - Ảnh 1.

Các lãnh đạo EU chụp ảnh trước cuộc họp không chính thức vào tối 5/10 ở Slovenia. Ảnh: AFP

Tại cuộc họp không chính thức diễn ra vào tối 5/10, lãnh đạo EU đã thống nhất tiếp tục tăng cường năng lực hành động tự chủ và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh, rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng gần đây, các nước EU cam kết sẽ huy động sức mạnh tổng hợp và củng cố năng lực thích ứng thông qua cắt giảm sự phụ thuộc. EU đã thống nhất nâng cao hành động tự chủ, tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác có cùng quan điểm, đặc biệt là với Mỹ và trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - nền tảng an ninh của EU.

Thay đổi địa chính trị

Trước đó, liên quan đến vấn đề Afghanistan, việc Mỹ vội vã rút quân khỏi khu vực này cũng như thông báo bất ngờ của Tổng thống Joe Biden về quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới là AUKUS đã khiến EU, đặc biệt là Pháp dường như không hài lòng.

Trong cuộc họp tối 5/10, Tổng thống Pháp Macron cho biết châu Âu có thể hợp tác "thiện chí với các đồng minh và đối tác", đồng thời theo đuổi "độc lập và chủ quyền của mình".

Các nhà lãnh đạo EU cũng cân nhắc về việc xây dựng một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã thống nhất giao nhiệm vụ cho người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là ông Josep Borrell soạn thảo văn bản vốn được được xem như "La bàn chiến lược" (Strategic Compass) nhằm đưa ra các chiến lược mới của EU đối với thế giới.

"Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng thế giới đang có sự thay đổi về cán cân quyền lực địa chính trị", ông Borrell nói. "EU phải tạo ra một nền văn hóa chiến lược chung để chia sẻ với các thách thức đang đối mặt và đây chính là chiến lược cần hướng tới."

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho rằng, cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, đặc biệt là Mỹ và NATO - nền tảng an ninh của EU là việc làm hết sức cần thiết.

"Phải rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng gần đây, cam kết củng cố các điểm mạnh và tăng cường khả năng phục hồi bằng việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nước khác. Để trở nên hiệu quả và quyết đoán hơn trên trường quốc tế, EU cần phải nâng cao năng lực hành động tự chủ", ông Michel nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš khẳng định tiếp tục duy trì EU tự chủ trong bối cảnh NATO vẫn là nền tảng an ninh của khối.

"Quá trình thảo luận về quyền tự chủ chiến lược không phải là lựa chọn của EU và NATO hay của riêng EU mà là khái niệm bao hàm. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đây là cách duy nhất để khẳng định NATO vẫn đang và sẽ tiếp tục duy trì với tư cách là nền tảng an ninh của châu Âu ", ông Krišjānis Kariņš nhận định.

Chương trình nghị sự về năng lượng

Theo Politico, lãnh đạo các nước EU cũng bày tỏ lo ngại về giá năng lượng tăng trong phiên họp ngắn. Ông Michel cho rằng vấn đề năng lượng sẽ tiếp tục là chủ đề ưu tiên tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Hội đồng châu Âu vào cuối tháng này ở Brussels.

Thủ tướng Slovak Eduard Heger nhấn mạnh sự tín nhiệm của EU phụ thuộc vào hành trình tăng cường quan hệ của liên minh với các nước Balkan trong bối cảnh một số thành viên đang muốn trở thành thành viên của EU. Hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của EU nhằm làm sâu sắc hơn nữa đối thoại chính trị với Tây Balkan, vấn đề hợp tác an ninh và kế sách can dự chiến lược hướng tới xây dựng một châu Âu mạnh mẽ, ổn định và thống nhất.

"Điều đó khẳng định EU phải nỗ lực hết sức vì vai trò toàn cầu. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh này thì trước tiên phải bắt đầu có hành động thuyết phục ở châu lục", ông Heger viết trên twitter.

Giới quan sát cho biết, lãnh đạo các nước EU vẫn có những bất đồng nhất định về vấn đề quân sự chiến lược nhưng nhìn chung, họ đã tìm thấy các đồng thuận trong việc xác định lợi ích chung.

"Một số ý kiến bày tỏ tập trung vào các vấn đề ở châu Âu trong khi các ý kiến khác lại nhấn mạnh đến ưu tiên quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cuối cùng, chúng tôi đã thống nhất là cùng tập trung vào hai việc này và đưa ra các hướng giải quyết thuyết phục", một quan chức của EU nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ