• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lạnh lùng” Theresa May – Angela Merkel: vô ý hay ẩn ý?

Thế giới 06/01/2017 10:11

(Tổ Quốc) - “Nếu có thể thì, họ sẽ làm ngơ nhau” – điều gì đã đóng băng quan hệ của hai người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu?

Theo một nguồn tin độc quyền của tờ Telegraph, sáu tháng sau khi chính thức nắm quyền, mối quan hệ giữa Thủ tướng Anh, bà Theresa May và người đồng cấp đến từ nước Đức, bà Angela Merkel, đang ở mức đáng báo động – được đánh giá là “gần như không tồn tại”.

Việc bà May không thể gần gũi hơn được với Thủ tướng Đức đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại trong Chính phủ Anh, cũng như giới chính trị gia nước này, đặc biệt vào thời điểm Điều khoản 50 và tiến trình đàm phán về sự ra đi của Anh khỏi châu Âu, sẽ chính thức bắt đầu chỉ trong chưa đầy 3 tháng nữa.  

Các quan ngại ngày càng rõ nét hơn, đi cùng với tranh cãi xoay quanh lá đơn từ chức của Đại sứ Anh tại Liên minh Châu Âu, ngài Ivan Rogers. Từng được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng của các cuộc thương lượng Brexit, lý do cho sự ra đi bất ngờ của ông Rogers hiện vẫn còn là một ẩn số.

Ông Ivan Rogers từng được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng của các cuộc thương lượng Brexit

“Mối quan hệ về cơ bản là không tồn tại [giữa bà May và bà Merkel] gây ra nhiều lo lắng,” một quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh nói với tờ Telegraph. “Bà Merkel không thể thay đổi mọi thứ, nhưng bà ấy vẫn là sự lựa chọn duy nhất [cho chúng ta] để hiện thực hóa mọi việc ở châu Âu. Và chúng ta cần mối quan hệ đó phát triển đúng hướng.”

Các quan chức và nhà ngoại giao đến từ cả Anh và Châu Âu đều tỏ ra bất an trước việc bà May và bà Merkel không tạo được “phản ứng hóa học” cần thiết trong những cuộc gặp gỡ gần đây tại London, Berlin và Brussels.

Tính cách hướng nội của bà May là nguyên nhân?

Nhiều lý do đã được đưa ra nhằm giải thích cho việc tại sao hai nữ lãnh đạo quyền lực nhất của châu Âu lại không thể tìm được tiếng nói chung. Trong số đó, sự thận trọng bẩm sinh và cách tiếp cận lạnh lùng với các mối quan hệ cá nhân của Thủ tướng Anh – được coi là một trong những nguyên nhân chính.

Theo một nguồn tin, trong một cuộc điện đàm giữa bà May và bà Merkel trước Giáng sinh, người đứng đầu Chính phủ Anh đã từ chối chia sẻ với người đồng cấp nước Đức của mình bất kỳ thông tin nào trong các liên lạc mang tính cá nhân.

“Bà May liên tục nhắc lại những lời tẻ nhạt với bà Merkel – ‘chúng tôi đang rời Liên minh Châu Âu, chứ không phải là châu Âu’ – nhưng lại không đề cập đến vấn đề căn bản, để xóa bỏ sự không hài lòng đến từ phía Đức,” một nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ.

Sự thận trọng bẩm sinh và cách tiếp cận lạnh lùng với các mối quan hệ cá nhân khiến bà May khó xây dựng mối quan hệ thân thiết với người đồng cấp Merkel

Một nguồn tin khác từ nước Đức nhận xét, “sự lạnh lẽo” giữa bà May và bà Merkel hoàn toàn đối lập với những cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Đức với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi cả hai bên đều rất cởi mở trao đổi quan điểm của mình.

“Một điều đáng chú ý về bà Merkel là bà không muốn lãng phí thời gian,” nguồn tin này nói, “nếu bà Thủ tướng đã quyết định nhận điện thoại, nó cần phải mang lại giá trị cao.”

Mặc dù Thủ tướng Đức không bao giờ chia sẻ ý kiến cá nhân của mình, nhưng các quan chức đã “tinh ý” nhận ra rằng, có một sự thay đổi trong thái độ của bà Merkel khi đề cập đến bà Theresa May, so với cựu Thủ tướng Anh David Cameron. “Bà Merkel thường hay nói ‘David thế này, David thế nọ’; nhưng giờ đây, bà hiếm khi nhắc tới bà May,” nguồn tin trên cho biết thêm.

Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ dường như “đóng băng” kể từ cuộc họp tại Hội đồng châu Âu vào tháng trước, khi Anh “ngoảnh mặt” trước kế hoạch của Đức và Pháp nhằm thành lập tổng bộ quân đội EU, cho phép điều hành các lực lượng quân sự.

Thủ tướng Đức, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz và Thủ tướng Anh tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tháng Mười hai

Theo một nhà ngoại giao có mặt tại Hội đồng EU, đến phút cuối kế hoạch vẫn bị bỏ ngỏ sau khi Anh tuyên bố sẽ tẩy chay tổng bộ, và coi đó là một mối đe dọa đến sự tồn tại của NATO. “Bà May không trực tiếp phát ngôn gì chống lại bà Merkel – bà ấy không phải làm như vậy, bà ấy chỉ nói ‘Không’ – và mọi người đều hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng, nếu có thể, họ sẽ làm ngơ nhau. Thật sự khó có thể phá hủy một mối quan hệ, khi mà bản thân nó còn không tồn tại,” nhà ngoại giao nhận xét.

Quan hệ Anh – Đức đã được đánh giá quá cao?

Nhìn từ góc độ khác, những người ủng hộ cho nữ Thủ tướng Anh cho rằng, bà Merkel góp phần không nhỏ tạo ra sự lạnh lùng này; đặc biệt sau khi bà bày tỏ một lập trường cứng rắn về Brexit trong những tháng gần đây; cũng như quyết định “bắt tay” với Paris để đối kháng với London - nhằm “sắp đặt” một cục diện chính trị mới cho EU hậu Brexit.

Các chuyên gia cho rằng, thế bế tắc Anh – Đức có thể phần nào được phá vỡ, nếu bà May sớm đưa ra thỏa thuận về tình trạng của những chuyên gia EU làm việc tại Anh – một nỗ lực của London nhằm gieo những hạt giống chia cách đầu tiên tại châu Âu, đồng thời bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán trước khi điều khoản 50 được viện ra.

Một số nhà phân tích khác chỉ ra, nếu những cố gắng hướng tới việc cải thiện mối quan hệ May – Merkel không có kết quả - điều này phản ánh, Chính phủ Anh hiện tại nhìn nhận, ông David Cameron và Đảng Bảo thủ đã đánh giá quá cao những gì nước Đức và bà Merkel có thể làm cho nước Anh. Việc bà Merkel từ chối ủng hộ ý tưởng của ông Cameron về hạn ngạch nhập cư, được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến nước Anh không thể đưa ra một thỏa thuận phù hợp, dẫn đến việc chính phủ Cameron đã không thể thuyết phục đại đa số người dân nước mình nói “không” trước Brexit.

Chính quyền David Cameron đã mắc sai lầm khi đánh giá quá cao mối quan hệ Anh - Đức?

Cho dù là lý do nào, thì tình trạng lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa hai nữ lãnh đạo quyền lực, cũng đang góp phần tạo nên những đợt sóng ngầm trên chính trường Anh. Trong khi, giới chức Đức hiểu rằng, bà Merkel không muốn trở thành “cây cầu” kết nối giữa EU 27 và nước Anh; các quan chức Anh cũng thông tỏ, vào thời điểm các cuộc thương lượng với Pháp và Bỉ gặp khó khăn, Đức sẽ là một yếu tố mang tính quyến định, có thể giúp đem lại một thỏa thuận có lợi cho Anh.

“David Cameron đã phạm sai lầm khi đề cao quá mức tầm quan trọng của mối quan hệ với Merkel, và tin rằng ‘Angela có thể thay đổi được điều đó’”, Charles Grant, giám đốc của Trung tâm cải cách châu Âu nhận xét. “Đáng chú ý là, chính quyền May đang mắc phải lỗi đối ngược, khi không bỏ ra nỗ lực với người Đức – một điều rất nan giải, bởi vì mặc dù không điều hành toàn bộ châu Âu, bà Merkel vẫn luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng so với bất kỳ ai.”

(Theo Telegraph)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ