• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lập cơ quan chống tham nhũng độc lập?

Thời sự 27/10/2012 00:13

(Toquoc)-Thảo luận về báo cáo công tác PCTN năm 2012, nhiều ĐBQH cho rằng nên lập cơ quan PCTN độc lập...

(Toquoc)- Trình bày dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay, dự luật đã có nhiều chỉnh sửa so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9/2012.

Thu gọn đối tượng kê khai

Dự án Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quy định cụ thể hơn việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.  

Về Ban chỉ đạo Trung ương về  phòng, chống tham nhũng, theo Kết luận số 21 năm 2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, dự thảo đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Dự thảo lần này cũng bổ sung quy định dẫn chiếu các quy định pháp luật có liên quan về hình thức tố cáo hành vi tham nhũng, việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng tại Điều 81;

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ, quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách tại Điều 83.

Về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nếu đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo đề xuất là tất cả những người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ quá rộng, không có tính khả thi.

Vì thế, Chính phủ đề xuất, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra cho hay, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú.



Các đại biểu cho rằng. nên lập cơ quan chống tham nhũng độc lập. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Lập cơ quan chống tham nhũng độc lập?

Cũng liên quan đến nội dung này, buổi chiều, các ĐBQH đã thảo luận về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Đối với tội phạm tham nhũng, các đại biểu cho rằng, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa cao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn ít. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Đây là những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng đề nghị cần thành lập cơ quan chuyên trách công an theo dõi lĩnh vực này:

“Có nhiều nguyên nhân mà chúng ta có thể làm được nhưng trong đó tôi cho rằng đó là cơ chế đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta lại không cho phép công an điều tra bí mật đối với cán bộ đảng viên thì làm sao bắt được. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cho phép theo dõi một số đối tượng có quy định cụ thể thì tôi nghĩ là bắt được tham nhũng. Nếu chúng ta không sửa đổi cơ chế đó thì dù chúng ta có sửa luật pháp hay sửa gì chăng nữa thì việc đấu tranh cũng không có hiệu quả”, ĐB Thuyền nhấn mạnh.

ĐB Lê Thị Nga, Thái Nguyên thì cho rằng cần tăng vai trò của kiểm toán nhà nước và kê khai tài sản thì mới có thể nâng cao hiệu quả công tác này.

Đặc biệt, ĐB Triệu Đình Nhã còn cho rằng không thể cho tội phạm tham nhũng đã bị kết án hưởng án treo, đặc xá tha tù trước thời hạn như các tội phạm thông thường khác.

Các ĐB Triệu Đình Nhã, Nguyễn Văn Pha… đều cùng có chung ý kiến cần lập cơ quan độc lập chống tham nhũng. Tuy nhiên, cơ quan này thuộc đâu thì vẫn còn là điều phải bàn cãi. ĐB Nguyễn Văn Pha, cho rằng cơ quan này cần có chức năng điều tra và nên thuộc Quốc hội.

Theo dự thảo Luật, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định.


Những người sau đây phải kê khai tài sản, thu nhập:

Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân;

Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy, trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng và tương đương trở lên trong Công an nhân dân;

Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính, nghiên cứu viên chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước;

Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước;

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học của Nhà nước tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường đại học, cao đẳng của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính  Đại học Quốc gia, đại học vùng;

Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức;

Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị; chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong doanh nghiệp của Nhà nước; người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp;

Bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy  viên ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước;

Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.



S.Đào- L.Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ