• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn hoá 25/09/2018 08:00

(Tổ Quốc) - Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê ở huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên là một trong tám Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Thực hiện nghi thức cúng trong lễ trưởng thành. Ảnh: svhttdlPhuYen

Những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Ê Đê Phú Yên

Mỗi một dân tộc đều có lịch sử hình thành, phát triển theo thời gian, cùng với đó là những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy qua từng thời kỳ lịch sử thăng trầm của mỗi vùng đất, buôn làng. Đối với người Ê Đê Phú Yên, từ bao đời nay các tập quán xã hội đã thấm sâu vào đời sống tinh thần của mỗi đồng bào nơi đây.

Theo số liệu thống kê năm 2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, người Ê Đê trên địa bàn có dân số 24.824 người, sinh sống chủ yếu ở hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong đó, tập trung đông nhất ở huyện Sông Hinh, chủ yếu ở các xã Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Trol, Ea Ly, thị trấn Hai Riêng,...

Người Ê Đê Phú Yên theo tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của người Ê Đê Phú Yên rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng. Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê Đê Phú Yên tiến hành các lễ nghi nông nghiệp theo vòng cây trồng, cũng như các nghi lễ theo vòng đời người để cầu mong sức khỏe và tuổi thọ. Các nghi lễ vòng đời gồm có: lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả,...

Bên cạnh đó, người Ê Đê Phú Yên luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống con người được biểu hiện ở một hệ thống gồm 7 lần hoặc 9 lần lễ cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả đời người. Đồng bào quan niệm, mỗi con người có làm được đủ các lễ này mới thấy yên tâm và theo độ tuổi, lễ vật cúng cũng tăng dần lên. Con người muốn mạnh khỏe, yên ấm, thành đạt thì phải thực hiện các nghi lễ với thần linh để mong sự phù hộ của thần linh, trong đó lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng.

Lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê Phú Yên thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua các nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê Phú Yên.

Niềm vui và cũng là trách nhiệm

Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành. Ảnh: sovhttdlphuyen

Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng, nghi lễ này đã tồn tại hàng trăm năm qua và là một trong những nghi lễ truyền thống tiêu biểu của người Ê Đê sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Việc Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê (huyện Sông Hinh và Sơn Hòa) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui của không chỉ đồng bào Ê Đê nói riêng, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung. Đây còn là căn cứ cơ sở để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có sự nhìn nhận, đánh giá đúng tầm đối với các di sản.

Trả lời phóng viên Báo điện tử Tổ quốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác văn hóa thông tin cơ sở, lễ cúng trưởng thành đã và đang được người Ê Đê Phú Yên bảo tồn, gìn giữ và thực hành một cách phổ biến ở các xã, thị trấn có người Ê Đê sinh sống trên địa bàn huyện Sông Hinh và Sơn Hòa.

Thời gian tới, Sở sẽ cùng các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người Ê Đê thực hiện việc bảo tồn, thực hành Lễ cúng trưởng thành, duy trì tổ chức nghi lễ này trong các gia đình; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là việc truyền dạy cho đội ngũ kế cận thực hành di sản;

Bên cạnh đó, hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” để có sự tôn vinh, ghi nhận kịp thời những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Về thời gian thực hành lễ cúng, Sở cho biết có thể điều chỉnh rút ngắn để phù hợp với cuộc sống hiện nay, không ảnh hưởng đến công việc của mọi người trong gia đình, dòng họ và bà con buôn làng; đồng thời việc thực hiện nghi lễ phải đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là yêu cầu cần thiết đặt ra, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì yêu cầu đó càng phải coi trọng. Tuy nhiên, để đưa các di sản phát triển xứng tầm, đúng với tên gọi di sản quốc gia thì sự trách nhiệm, sự chung tay của chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ thể là điều thực sự cần thiết.

 

 

 

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ