• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội cầu mưa của người Mông

Văn hoá 30/10/2023 20:32

(Tổ Quốc) - Dân tộc Mông là dân tộc sống hòa quện, thân thiện với môi trường rừng núi nên có nhiều lễ thức tâm linh liên quan đến thiên nhiên. Bên cạnh đó, họ cũng một đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú và đa dạng, tạo nên truyền thống văn hóa Mông với rất nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của người Mông chính là Lễ hội cầu mưa.

Người dân tộc Mông hiện nay chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông… Hiện nay người Mông đã di cư sang nhiều nơi khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lâm Đồng.

Trong "Tiếp cận văn hóa Hmông (Mông) của tác giả Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ" đã cho biết khá chi tiết về Lễ hội cầu mưa của người Mông. Theo đó, nếu năm nào qua tháng Ba gối sang tháng Tư âm lịch vẫn chưa có mưa thì người Mông sẽ tổ chức làm lễ cầu mưa.

Lễ hội Cầu mưa của người Mông - Ảnh 1.

Nếu năm nào qua tháng Ba gối sang tháng Tư âm lịch vẫn chưa có mưa thì người Mông sẽ tổ chức làm lễ cầu mưa (ảnh minh họa)

Hình thức cầu mưa đơn giản, gọn nhẹ, không dựng đàn cúng tế "đào vũ" tổ chức cầu kỳ như một số tộc người khác. Khi tổ chức cúng, dân làng cử ra một người cao niên có uy tín nhất các họ trong bản làm chủ.

Vật giao hòa là một con chó tó, trói 4 chân lại. Cử 2 hoặc 4 thanh niên khỏe mạnh khiêng con chó đi từ xóm này sang xóm khác. Trên đường đi họ ghé vào các nhà và thỉnh cầu, đại ý: Trời hạn hán quá, nếu con chó cũng không chịu được, mọi người làm ơn bỏ ra một chút tiền làm lương thảo cho con chó này dò đường lên trời để tâu trình với Ông Trời rủ lòng thương muôn loài ở dưới trần gian mà thả mưa sớm để dân làng khai mương, làm ruộng. Lời thỉnh cầu được mọi người hưởng ứng tùy theo lòng hảo tâm mà quyên góp số tiền. Số tiền quyên góp được nhiều hay ít đều dùng vào mua các lễ như: mua gạo, rượu, hương, giấy bản, gà, vịt hay lợn để làm lễ.

Sau khi sắm đủ đồ lễ, dân làng chọn đám ruộng bị khô hạn nhất để tiến hành lập giàn cúng ở giữa ruộng đó. Giàn cũng được cắm 4 cây xanh làm cọc, cuốn cành, lá cây lại làm mái. Đan một tấm giát bắc ở chính giữa 4 cọc vừa tầm người đứng. Tất cả đồ lẽ để lên trên tấm giát, tức là giàn cúng. Giấy bản cắt thành sải treo ở  4 góc giàn tượng trưng cho 4 phương Đông, Nam, Tây, Bắc. Trên giàn để 2 hoặc 4 sải giấy bản. Chủ lễ thắp hương cắm trên giàn và ở dưới cột giàn mỗi phương một que hương rồi đọc lời khấn.

Kết thúc lễ, con chó được thả ra cho chạy đi. Nếu chó dựng đuôi chạy khắp mảnh ruộng, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên nhìn trời hoặc nhìn ra núi non xa, đó là điều tốt lành. Nếu con chó cụp đuôi chạy thẳng về nhà chủ, như vậy cuộc sống vẫn còn gian nan vất vả.

Cúng xong, rượu và tàn tro giấy bản sẽ được rẩy quãi ra xung quanh giàn cúng. Các đồ lễ sẽ được các vị cao niên và mọi người thụ lộc ngay tại chỗ. Trong khi thụ lộc, các vị sẽ bàn soạn việc tiếp tục làm lễ cúng rừng nếu như đã vài năm hoặc năm đó bỏ qua lễ cúng cầu Xênh – Tiên, tạm hiểu là Thần Địa vực, tương tự như Nữ chú rừng xanh vẫn được thờ ở các đền, miếu.

Lễ hội cầu mưa của người Mông - Ảnh 2.

Lễ cầu mưa cũng là dịp để đồng bào hội tụ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống tín ngưỡng cũng như cuộc sống hàng ngày (ảnh minh họa,langvanhoavietnam)

Mưa thuận gió hòa là một mong ước chính đáng của những người làm nông, gắn lao động sản xuất với thiên nhiên để mùa màng tươi tốt, cây cối phát triển tốt tươi, đủ lúa, đủ ngô để chăn nuôi, đẩy lùi đói nghèo, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.

Lễ hội cầu mưa vẫn lưu giữ được những nét độc đáo của những phong tục truyền thống xưa như một phần trong văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào hội tụ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống tín ngưỡng cũng như cuộc sống hàng ngày. Lễ cầu mưa của dân tộc Mông thể hiện mong muốn tốt đẹp của những người làm nông từ xa xưa cho đến ngày nay. Bên cạnh đó còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh Lễ hội cầu mưa, người dân tộc Mông còn có nhiều lễ khác liên quan đến thiên nhiên như: Lế cúng rừng, Lễ cầu mùa, Lễ mừng cơm mới, Hội Gầu tào.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ