• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội Đâm đuống của người Mường, Hòa Bình

29/01/2018 10:21

(Cinet) – “Đâm đuống” của đồng bào dân tộc Mường (Hòa Bình) là một tục lệ đẹp, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết của bà con trong bản Mường.

(Cinet) – “Đâm đuống” của đồng bào dân tộc Mường (Hòa Bình) là một tục lệ đẹp, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết của bà con trong bản Mường.

Thày mo làm lễ khấn thần, phật, tổ tiên trước mâm lễ

Đâm đuống thường được người Mường tổ chức vào dịp Tết, hội mùa, cưới xin và dựng nhà. Đây là một nét văn hóa lâu đời, độc đáo của người Mường. Tiếng Mường gọi lễ hội này là "chàm đuống"- chàm là đâm từ trên xuống, đuống là máng gỗ để giã lúa. Nó được gọi phổ biến là “Đâm đuống”.

Lễ Đâm đuống được hình thành từ cuộc sống lao động của cư dân nông nghiệp vùng trung du, từ công việc giã gạo bằng cối và chày gỗ của phụ nữ. Đến nay, đâm đuống không mang ý nghĩa về công cụ lao động mà tồn tại như một tục lệ cổ truyền. Theo quan niệm của người Mường tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều may mắn sẽ đến nhiều bấy nhiêu.

Mở đầu, sau tiếng cồng chiêng được gióng lên, mâm lễ (gà luộc, xôi, rượu..) được cô gái bê đi trước, tiếp theo là ông mo, cuối cùng là đoàn nhạc lễ (ban nhạc gồm nhạc cò ke, ống sáo…) và dàn chiêng đi một vòng quanh sân lễ. Ông mo ngồi cúng lạy trước mâm lễ, khấn trời phật; đức thánh Tản Viên ở núi thánh Ba vì; Bà chúa Thác bờ và các thầy; thần linh, thổ công, thổ địa ở Làng VHDL các DTVN và làng Mường... cầu sức khỏe, mùa màng bội thu. Tiếp theo đó, ông mo thực hiện nghi lễ cầu khấn mát nhà bằng việc vẩy nước xung quanh không gian làm lễ.

Phụ nữ dùng cây gỗ dài tượng trưng cho chiếc chày để đâm đuống.

Sau phần lễ, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống vang lên và nghi thức đâm đuống bắt đầu. Tốp 6 cô gái trong trang phục truyền thống của mình cầm 6 cây chày gỗ thực hiện động tác đâm đuống. Chiếc đuống hình chiếc thuyền độc mộc đã được đặt sẵn giữa sân lễ từ trước như được đánh thức bằng âm thanh gõ nhịp nhàng từ những chiếc chày gỗ dài.

Theo nhịp tay đâm đuống mau hay chậm, âm thanh cũng chuyển điệu sang những tiết tấu khác nhau, có nhịp 2 xen nhịp 3…Lúc tiếng chày vang lên theo nhịp điệu nhất định, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống khác cũng vang lên phụ họa, tạo thành bản nhạc vui tươi, khỏe khoắn, rộn ràng.

Đây là một cuộc giao hòa tâm linh, thần bí có mặt ở hầu hết các cuộc vui cầu mưa, cầu mùa, cầu mùa màng tươi tốt bội thu. Lễ hội này còn mở màn, mở đầu cho một năm mới, cầu cho năm mới an lành, ăn nên làm ra, ấm êm, hạnh phúc. Đâm đuống còn là một nghệ thuật với hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong hội lễ, có tính nghệ thuật và có tính tổ chức, thể hiện sự biết ơn của thần linh, trời đất, gia thần gia tiên.

 

Minh Huyền

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ