• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội kỷ niệm 44 năm Thành phố mang tên Bác

Văn hoá 29/06/2020 20:30

(Tổ Quốc) - Lễ hội kỷ niệm 44 năm Thành phố mang tên Bác; "Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - thành phố văn hóa"; Liên kết đào tạo liên thông chuyên ngành nghệ thuật là tin văn hóa tiêu biểu tại thành phố TPHCM mới đây

Lễ hội kỷ niệm 44 năm Thành phố mang tên Bác

Trong suốt thời gian diễn ra từ 27-6 đến 2-7, Lễ hội TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 44 năm Ngày TP Sài Gòn - Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi sẽ được trình diễn tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1.

Cụ thể, ban tổ chức sẽ giới thiệu những hình ảnh về "Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hơn 320 năm Văn hóa - Lịch sử"; Trưng bày giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống và sản xuất; Thực hiện các gian nhà văn hóa giới thiệu các hoạt động nghề truyền thống đặc trưng của thành phố, các tỉnh miền Đông Nam Bộ; chương trình nghệ thuật đặc biệt, diễu hành xe hoa; giải việt dã; các hoạt động xiếc, ảo thuật…

Lễ hội kỷ niệm 44 năm Thành phố mang tên Bác - Ảnh 1.

Chương trình diễn ra từ tối 27/6 đến hết ngày 2/7/2020, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 - Ảnh: VOV

Ngoài ra, hoạt động "Ngày hội Gia đình Văn hóa - Hạnh phúc", hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XIX cũng được diễn ra tại lễ hội. Ban tổ chức tái hiện hình ảnh những gia đình nhiều thế hệ, gia đình người Việt xưa và gia đình người Việt hiện đại ngày nay. Cùng với đó là những màn trình diễn áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế nổi tiếng.

Đặc biệt, đến với Lễ hội TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 44 năm Ngày TP Sài Gòn - Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách và người dân thành phố còn được thưởng thức các tiết mục Đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc đặc sắc do các nghệ nhân, nghệ sĩ thành phố trình bày, cùng những tiết mục hát bội do các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh biểu diễn.

Tại lễ khai mạc vào tối 27/6, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại mốc lịch sử quan trọng khi TP Sài Gòn - Gia Định chính thức được mang tên vị lãnh tụ kính yêu - Thành phố Hồ Chí Minh; cùng nhìn lại hành trình vàng son của TPHCM 44 năm đã qua bằng tất cả niềm tự hào xen lẫn xúc động. Ngay sau lễ khai mạc, đoàn đại biểu đã tham quan các hoạt động văn hóa được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó có chương trình biểu diễn đờn ca tài tử, hát bội, trình diễn thời trang áo dài Việt, biểu diễn nhạc trẻ, các gian trưng bày triển lãm hình ảnh TPHCM 44 năm tự hào mang tên Bác, các gian hàng làng nghề truyền thống… Khu vực sân khấu chính diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người. Chương trình được xây dựng thành 3 chương: Ơn Người sáng mãi, Thành phố tôi yêu, Cất cao đôi cánh.

"Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - thành phố văn hóa".

Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM đã phối hợp tổ chức chương trình Đối thoại văn hóa với chủ đề: "Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - thành phố văn hóa".

Khẳng định TPHCM quan tâm đến sức mạnh văn hóa của đất nước, của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "TPHCM coi văn hóa như một nguồn lực phát triển mạnh mẽ cần khai thác tốt hơn trong thời gian tới". Cụ thể, trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), TPHCM đã nêu mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong 6 giải pháp TPHCM chú trọng để phát triển giai đoạn tới, giải pháp thứ hai là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. TPHCM cũng có chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Để khởi đầu cho quá trình nhấn mạnh hơn, coi trọng hơn, khuyến khích hơn về văn hóa, năm 2020 TPHCM chọn chủ đề là "Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Và từ tháng 6-2020, TPHCM tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông, tạo môi trường, không gian để các chuyên gia văn hóa, người làm nghệ thuật, nhà quản lý, người Việt Nam ở trong và ngoài nước… trao đổi về văn hóa; là điều kiện tìm hiểu đời sống văn hóa đang diễn ra như thế nào; phát huy sức mạnh văn hóa cho sự phát triển ra sao, phát huy sức mạnh của mỗi cán bộ, mỗi người dân đóng góp cho sự phát triển của TPHCM.

"Đối thoại văn hóa, cùng chung tay để văn hóa trở thành yếu tố đặc trưng, động lực cho sự phát triển, để TPHCM trở thành TP văn hóa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trân trọng các ý kiến góp ý, trao đổi về đặc trưng, về thực trạng đời sống văn hóa của TPHCM cũng như những hiến kế, giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - thành phố văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa, vừa văn hóa sông nước Nam bộ, vừa văn hóa đô thị công nghiệp hóa đầu tiên của Việt Nam, vừa ảnh hưởng văn hóa nước ngoài. Người TPHCM là người của nhiều địa phương, dân tộc đến sinh sống, làm ăn nên văn hóa TPHCM là văn hóa chấp nhận sự đa dạng, không dị ứng cái lạ, cái mới mà chấp nhận, quan sát, nếu tốt thì học tập. Đó là yếu tố giúp cho TPHCM năng động, sáng tạo. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: "Nếu không quan tâm đầy đủ về văn hóa, nếu chỉ phát triển nghiêng về kinh tế thì có nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội, rối loạn xã hội".

Từ đó, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở các giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng cần tăng cường quản lý văn hóa ở TPHCM và quận huyện; chỉ rõ làm được gì, chưa làm được gì. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) sắp tới, TPHCM sẽ có chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa gồm 10 đề án cụ thể.

Liên kết đào tạo liên thông chuyên ngành nghệ thuật

Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đã có văn bản gửi Sở VHTTDL về việc đề xuất chủ trương cho trường liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành Sư phạm âm nhạc năm 2020.

Theo nhà trường, trong 3 năm (2017-2019), được sự chấp thuận của UBND tỉnh, nhà trường đã thực hiện liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành Sư phạm âm nhạc hệ vừa làm vừa học. Kết quả, đã và đang đào tạo hơn 120 học viên, trong đó có học viên khóa đầu đã tốt nghiệp.

Căn cứ vào công văn phúc đáp của Nhạc viện TP.HCM đồng ý liên kết với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai mở lớp liên thông từ trung cấp âm nhạc lên đại học 3 năm, cao đẳng sư phạm âm nhạc lên đại học 2 năm, ngành Sư phạm âm nhạc hệ vừa học vừa làm năm 2020 (gồm 80 chỉ tiêu), nhà trường đề xuất Sở VHTTDL trình UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương để trường được phối hợp hoàn tất thủ tục mở lớp đào tạo.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ