• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lên cột cờ Lũng Cú

20/12/2016 14:53

(Tổ Quốc)- Sắc đỏ trên cột cờ Lũng Cú như sắc nắng làm ấm lòng người. Một Đồng Văn nhiều sắc màu, nhiều hương vị đắm đuối cho đến giờ tôi vẫn còn cảm giác chao nghiêng như người say sóng đất khi về với đất biển. Những bước núi chập chùng như ngọn sóng dâng cao trong lòng mình - ngọn sóng của tình yêu Tổ quốc khi về với vùng đất địa đầu đất nước…





(Tổ Quốc)- Từ thành phố Hà Giang nhà văn Nguyễn Quang nhắn cho tôi “Cậu lên Đồng Văn đi sắp cuối mùa Tam Giác Mạch rồi”. Ơi cái loài hoa mang tên một loại lúa (mạch) từng là loài hoa cứu đói lại nở bao sắc màu đan xen nhau. Từ tím ngăn ngắt đến hây hây đỏ như má phúng phính mịn màng của các cô gái vùng cao. Lại thỉnh thoảng chớp chớp hàng mi, lấp lánh tỉ tê anh ánh màu thổ cẩm nở trong các kẽ đá rồi bạt ngàn vươn ra cả một thảm hoa như nương ngô.
Tôi hỏi Nguyễn Quang: “Lũng Cú có phải là thung lũng này ngày xưa có nhiều loài chim cú không anh? Cũng giống như miền Tây Nghệ An có địa danh Con Cuông (nghĩa là ngày trước ở đó có rất nhiều con chim công sặc sỡ màu lông rất đẹp). Nguyễn Quang vốn là phóng viên báo Hà Giang - một người khá am hiểu như “thổ công” của vùng đất này. Anh là một cây bút viết ký có hạng giải thích cho tôi: “Lũng” trong tiếng H’Mông là ngô; Lũng cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy vì nơi đây có những cánh đồng lớn đều trồng ngô. Đây là cách giải thích đơn giản nhất: mộc mạc, giản dị như tâm hồn người dân tộc vùng này. Rồi Nguyễn Quang lại đưa ra một đáp án khác cũng có lý mang màu sắc huyền thoại về ngọn núi nơi đây: Ngọn núi Lũng Cú tức nơi rồng thiêng từng cư ngụ. Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước. Mặc dù ở độ cao chót vót nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn, được dân coi là “long nhãn” (tức là mắt rồng). Tương truyền xưa kia cư dân nơi đây luôn thiếu nước sinh hoạt, điều đó đã làm cho rồng thiêng động lòng trắc ẩn bay về trời để lại đôi mắt cho dân làng tạo thành hai hồ nước này. Thấy tôi ngẩn người ra trước cái tên Lũng Cũ, nơi có cột cờ cao vút lộng bay, lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước thì ông nhà văn xứ Hà Giang này lại bất ngờ đưa ra một phương án giải thích thứ ba có sức thuyết phục mà thuyết phục một cách hào sảng đó là: Lũng Cú đọc chệch tiếng Hán sang tiếng H’Mông từ “long cổ” tức trống của nhà vua. Lịch sử chép rằng sau khi đại phá quân Minh, vua Lê Lợi đã cho treo cái trống thật to ở trên núi (có sách còn chép ngay từ thời Lý, Thái úy Lý Thường Kiệt đã cho dựng trống nơi này) dùng tiếng trống ấy truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải. Mỗi khi có nguy tiếng trống lại vang xa hàng mấy dặm…



Cờ đỏ tung bay trên cột cờ Lũng Cú

Trước lúc lên cao nguyên đá Đồng Văn để thăm cột cờ Lũng Cú tôi đã đọc cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài kể về nhà văn Nguyễn Tuân đã từng lên đây và viết cái bút ký nổi tiếng “Mõm Lũng Cú tột Bắc”. Tô Hoài kể: ngày đó Nguyễn Tuân được cán bộ địa phương cấp cho một con ngựa và đi với nhà văn là một chú liên lạc khá thông thuộc vùng này. Những năm đầu 60 ông Nguyễn người ham xê dịch đã từng viết những thiên tùy bút “Thiếu quê hương” hay “Vang bóng một thời” cũng đã qua cái tuổi 50. Chân lại đau khớp vì thế phải tốn đến mấy lạng cao hổ thứ thiệt Nguyễn Tuân mới vượt đỉnh Mã Phi Lèng rong ruổi hàng tháng để đến được mõm Lũng Cú này. Mã Phi Lèng là dốc đệ nhất đỉnh đèo trời nam có độ cao 2000m thuộc cao nguyên Đồng Văn nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong gần 7 năm (1959-1966) với trên 2,2 triệu lượt người ngày công lao động. Trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Phi Lèng do các thanh niên trong đội cảm tử đảm nhiệm. Nguyễn Tuân viết: “Chỗ dốc Mã Phi Lèng (Sống Mũi Ngựa) này phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, đánh mìn, bổ đá, khắc đá. Ba năm trước cũng vào tiết thu tôi đứng nơi mép vực Mã Phi Lèng nhìn nhánh Nho Quế như thế này. Hồi ấy, phá để khai đường, ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông tít tắp dưới kia. Có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan hút ra thành khói”. Mới biết để có con đường nhựa cho xe 24 chỗ ngồi hôm nay chạy đến cột cờ Lũng Cú đã có bao công sức xương máu của bao người đổ xuống. Và ông nhà văn khá kỹ tính chữ nghĩa này đã có lần giở bản đồ ra lấy cái dây dọi buộc hòn đá nhỏ dọi từ đỉnh tột bắc Lũng Cú thành một đường thẳng đứng về phía tột nam đất nước thì bất ngờ nhận ra: Lũng Cú tột bắc và Cà Mau cực nam là hai mũi nhọn cùng nằm trên đường kinh tuyến 1050. Mũi Lũng Cú đây ngã ngã sang đông và mũi Cà Mau trong ấy chênh chếch sang phía tây. Lũng Cú cái đỉnh của hình na ná như một tam giác cân mà một góc là Sa Vĩ ở Móng Cái và gốc kia là Tây Tạng của mạn Điện Biên hết thày đều là đất thiêng của tổ quốc cả. Nhưng Lũng Cú trước nay vẫn nổi trội hơn trong tâm linh lẫn tâm thức của con dân Việt về cương vực lẫn chủ quyền quốc gia. Tôi lại hình dung ra nhà văn Nguyễn Tuân ngày ấy chống gậy tre nhét chiếc chai con đựng rượu trên ngực áo, đeo chiếc ba lô vải trong có vắt cơm nóng bằng mo cau có gói lá chuối gói muối vừng. Ông vượt cổng trời Quản Bả, vượt dốc Chín Khoanh, vượt dốc Cán Tỷ đề ngồi trên hòn đá yên ngựa trên đỉnh dốc Thẩm Mã. Riêng cái tên dốc Thẩm Mã (thẩm định chọn ngựa tốt) là cả một câu chuyện dài để nói về cái cheo leo hiểm trở của cái dốc này. Chuyện xưa kể rằng những chức dịch phong kiến vương quốc Mèo xưa mỗi lần cho sai dịch đi mua hàng trăm con ngựa. Rồi mang về, chọn ngày nắng gắt trên cao nguyên đá, lùa đàn ngựa tới đây dưới chân dốc Thẩm Mã này để thử ngựa. Họ chất lên lưng mỗi con ngựa hai viên đá. Mỗi viên nặng khoảng gần 1 tạ bây giờ và bắt đầu đánh cho ngựa phi lên dốc. Những con ngựa bị ngã, những con bị khuỵa gối hay không vượt lên được thì đưa vào ngựa nuôi để làm chè “trảm mã” là thứ lá chè được cho ngựa ăn sau đó mổ dạ dày ngựa ra lấy lá sao lên thành loại trà đặc sản. Còn những con ngựa vượt được dốc thì trở thành vật bất ly thân là phương tiện chính trên con đường buôn bán thuốc phiện…



Du khách với hoa tam giác mạch

“Quê hương tôi tự nó đã cao rồi”, Nguyễn Quang ngâm nga câu thơ không biết của ai giữa đỉnh đèo lộng gió. Cái con đường Hạnh Phúc hay còn gọi là quốc lộ 4C vắt mình trên cao nguyên đá, hình hài đá, tâm hồn đá thẳm sau nơi cõi đá. Tất cả mọi người khi bước chân đến cao nguyên Đồng Văn xưa và công viên địa chấtt toàn cầu hôm nay đã phải thốt lên: “Chao ôi đá… toàn đá!”. Nguyễn Quang bảo tôi: hiện tại cao nguyên đá Đồng Văn có năm cái nhất: nhiều đá nhất, nhiều người Mông nhất, khát nước nhất, nghèo đói và khó khăn nhất nước. Ở đây “Đất không quá 3m bằng, trời không quá 3 ngày nắng”, nước vẫn là một nỗi khao khát của ngời dân vùng đất này chắt đá để lấy nước. Ở dưới thung lũng sâu kia dòng Nho Quế cứ lững lờ trôi mảnh mai như sợi chỉ mà người dân nơi đây phải xuống lấy nước cõng từng can nhựa mất cả ngày đường. Và tôi cứ bâng khuâng trăn trở với cái ý nghĩ: Tại sao vùng đất khát nước, thiếu nước quanh năm này lại mang tên Hà Giang, tên của sông của nước như một khát vọng sống dù chỉ là trong tâm tưởng. Và chính điều đó càng làm cho mõm tột bắc Lũng Cú có lá cờ hồn Tổ quốc lộng gió thêm thiêng liêng biết bao.

Lên cột cờ Lũng Cú lần này tôi lại nhớ đến lá cờ đỏ sao vàng ở sông Hiền Lương (Bến Hải) còn gọi là sông Tuyến.  Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng vào đây và tỉ mỉ thận trọng đếm phía bắc của cầu lát bao nhiêu phiến gỗ. Ông còn cho biết cột cờ ở sông Tuyến Hiền Lương làm bằng cây gỗ phi lao (hay còn gọi là cây dương gỗ dai, lá nhỏ mọc thành rừng ở các đồi cát ben biển). Cây cột cờ ấy lần đầu dài khoảng 12m đỡ lá cờ ban đầu rộng 15,36m2; rồi sau đó để đáp ứng niềm mong ngóng của người dân bờ nam trong những ngày đất nước cắt chia đã thay cột cờ không biết làm thứ vật liệu gì để có độ cao 34m đỡ sải cờ 108m2. Tôi lại nhớ cột cờ ở đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) nơi gần nơi biệt thự nhỏ của hai thi sĩ Xuân Diệu và Huy Cận với địa chỉ quen thuộc với giới thi nhân: “Nhà tôi, hai bốn cột cờ…”. Bệ cột cờ Lũng Cú kiểu dáng bát giác gần với kiểu cột cờ Hà Nội có chiều cao 33,15m. Trong đó phần chân cột cao 20,25m đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Chân bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những nét họa tiết minh họa các giai đoạn của từng thời kỳ lịch sử đất nước cũng như con người, tập quán các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên cột đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m. Nhà văn Nguyễn Quang cho tôi biết: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu làm bằng cây sa mộc. Cột được xây lại từ thời Pháp thuộc năm 1887 và cứ thế cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại với kích thước quy mô lơn dần cho đến ngày hôm nay. Nguyễn Quang có trí nhớ tuyệt vời khi anh hỏi tôi: Cậu có biết ai là người nghĩ ra may lá cờ ở Lũng Cú có chiều dài 9m, chiều rộng 6m để có 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em vì trước đó cờ nhỏ hơn nhiều. Nói rồi Nguyễn Quang “bật mí” làm cho tôi phải bất ngờ: Là một nhà thơ người dân tộc ở xứ Hà Giang cậu ạ. Thì ra đó là ông Hùng Đình Quý hồi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn và chính xác ngày thay lá cờ có con số như là một biểu tượng thiêng liêng của tình đoàn kết dân tộc là ngày 12/8/1978. Chúng tôi cùng vào thăm trạm biên phòng Lũng Cú. Trạm đảm nhận nhiều công việc trị an ở vùng biên viễn gồm 9 bản với hơn 2000 dân gồm nhiều dân tộc: Mông, Lô Lô, Tày, Dáy, Pu Péo… Nhưng có một công việc chính của trạm biên phòng nơi đây là lo làm sao giữ cho được 24/24 giờ sắc cờ lúc nào cũng tươi, lúc nào cũng lành lặn. Trước hết nói đến sự lành lặn nguyên vẹn của lá cờ được may bằng hai lớp vải ni lông màu đỏ nhẹ và mát, thứ vải làm khăn quàng đỏ cho các em thiếu nhi được khâu bởi một loại chỉ đặc biệt. Nhưng nghe anh em bộ đội biên phòng nói rằng một hoặc 2 tuần, nhiều nhất những kỳ lặng gió được đến 3 tuần, phải thay cờ. Đặc biệt công việc vất vả và nguy hiểm là khi các chiến sĩ biên phòng trèo lên thay cờ phải chống đỡ với những cấp độ gió cấp 5, cấp 6, có khi lên đến cấp 7, cấp 8. Những lá cờ bị rách phải thay được giữ lại làm quà tặng cho các đoàn khách đặc biệt đặt chân đến nơi địa đầu Tổ quốc này, mang theo một phần kỷ vật lá cờ Tổ quốc. Khi cột cờ được xây lại khánh thành vào ngày 25/9/2010 thì lá cờ trên đỉnh cột cờ được lắp trong cán cờ bằng nguyên cây gỗ Pơmu.

Trong chuyến đi lên Đồng Văn lần này tôi gặp nhiều đoàn khách du lịch cả tây và ta chọn phương thức “phượt” bằng xe máy để có thể thích đâu dừng đó, rẽ ngang, rẽ dọc đâu có cảnh đẹp là dừng. Khác hẳn với đi xe khách không được dừng ngắm cảnh đẹp mà mình yêu thích. Tôi nhớ cái lần gặp Nguyễn Quang đầu tiên ở Trại viết văn Đại Lải. Anh từ Hà Giang xuống bằng “con xe” Honda Nhật màu đen 250 phân khối to như một con cào cào khổng lồ. Anh nói đó là mọt trong hai chiếc xe Nhật nhập nguyên chiếc tặng cho hai thứ trường giao thông. Ông nhà báo ở xứ Hà Giang này quen tháp tùng các đoàn cán bộ giao thông đi khảo sát và xây dựng các tuyến đường nên một trong hai vị thứ trường mến anh và “sang tên” cho anh. Có được phương tiện cơ động linh hoạt này anh có thể vào tới những bản xa heo hút với địa hình phức tạp. Ngày xưa thì đi bằng ngựa bây giờ cũng là ngựa nhưng là ngựa cơ giới. Nguyễn Quang bảo: Cánh thanh niên thuê xe từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn giá 300.000đ/ ngày còn dân tây thì thuê cả xe ô tô bán tải chỉ chở lốp xe máy dự phòng và một vài thứ phụ tùng thiết yếu cùng cơ số hậu cần như nước khoáng, bánh mỳ đi theo cho cả một đoàn rong ruổi bằng phương tiện xe máy. Cái xe nào hỏng nặng dọc đường thì cho lên thùng xe và mời chủ nhân lên buồng lái ô tô.

Đường lên Đồng Văn xứ đá bạt ngàn hoa Tam Giác Mạch. Thời điểm tôi lên đã cuối mùa nhưng hoa vẫn còn khoe sắc. Loài hoa không đài các kiêu sa, màu hồng phơn phớt nhưng lại có sức cuốn hút lạ lùng. Tìm hiểu loài hoa đặc trưng này, tôi được nghe kể về một sự tích có tính huyền thoại rằng: Ngày xưa người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa. Một năm nọ lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa vẫn chưa tới. Cả bản làng u ám, người dân đi tìm khắp ngõ ngách mà không thấy cái ăn. Bỗng bà con nhận ra trong gió thoang thoảng mùi hương lạ. Dân bản lần theo khe núi thì thấy rừng hoa li ti với những chiếc lá hình tam giác ẩn kín dưới hoa. Người dân đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo vượt qua được đói khát nên gọi nó là Tam Giác Mạch. Người dân bản địa ở đây gọi cây Tam Giác Mạch là “Chezz”. “Chezz” được trồng sau vụ ngô trên cao nguyên đá khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau rất hữu dụng: Thân khi chưa ra hoa có thể dùng ăn thay rau. Khi có hoa thì dùng cho trâu bò, đến khi cây “chezz” kết hạt thì ăn cùng mèn mén thay cơm hoặc làm bánh ăn có vị thơm, bùi giống ngô nếp. Đặc biệt hạt Tam Giác Mạch có thể nấu rượu có mùi hương thơm dịu nhẹ uống vào êm, ngọt có cảm giác như uống nước sương đêm được chắt từ núi rừng. Sắc màu hoa tam giác mạch là đặc sản du lịch ở vùng cao nguyên đá này cho mọi người ở dưới xuôi lên chụp ảnh. Có cả một lễ hội hoa Tam Giác Mạch được tổ chức hàng năm.



Tác giả ở chân cột cờ Lũng Cú

Xa rồi Hà Giang, xa rồi cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng sắc đỏ trên cột cờ Lũng Cú như sắc nắng làm ấm lòng người. Một Đồng Văn nhiều sắc màu, nhiều hương vị đắm đuối cho đến giờ tôi vẫn còn cảm giác chao nghiêng như người say sóng đất khi về với đất biển. Những bước núi chập chùng như ngọn sóng dâng cao trong lòng mình - ngọn sóng của tình yêu Tổ quốc khi về với vùng đất địa đầu đất nước…

                                                                        Hà Tĩnh, ngày 18/12/2016

Ghi chép của nhà văn Nguyễn Ngọc Phú

NỔI BẬT TRANG CHỦ