• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Chuyển dần sang xiếc lợn, xiếc trâu để bảo vệ động vật hoang dã

Văn hoá 23/05/2018 13:58

(Tổ Quốc) -Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang trong lộ trình chuyển đổi dần sang các loại xiếc thú nuôi thay thế động vật hoang dã.

NSND Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, xu hướng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay là đang trong lộ trình chuyển đổi dần sang các loại thú nuôi thay thế động vật hoang dã.

Ủng hộ quan điểm bảo vệ động vật hoang dã

Vừa qua, Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) vừa có thư ngỏ kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc về việc Liên đoàn Xiếc Việt Nam có động thái gì trước những kêu gọi này, ông Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Việc chuyển xiếc thú, động vật hoang dã sang các loại hình xiếc khác đã được lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam tính toán từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện dài.

NSƯT Tống Toàn Thắng với hơn 20 năm làm xiếc trăn (ảnh Liên đoàn xiếc VN)

NSND Tạ Duy Anh Ánh cho biết, lịch sử ngành Xiếc Việt Nam ra đời từ hai nhóm Xiếc vào ngày 16 tháng 1 năm 1956 do ông Phạm Xuân Thư làm đội trưởng với 20 cán bộ và diễn viên tham gia phục vụ đặc thù nhỏ lẻ đơn sơ. Ngày 15 tháng 5 năm 1958, ông Tạ Duy Hiển đã sáp nhập gánh Xiếc thú của mình cùng với đội Xiếc Trung ương. Thời đó, đoàn xiếc thú của ông Tại Duy Hiển đã biểu diễn rất nhiều xiếc thú gồm hổ, báo, sư tử, ngựa vằn…Sau khi sáp nhập, đoàn Xiếc được dẫn dắt bởi ông Tạ Duy Hiển, và lấy tên “Đoàn Xiếc Thống Nhất”, được Bộ Văn hoá chuyển thành đơn vị nghệ thuật do nhà nước quản lý với tổng số 47 người trong biên chế.

Sân khấu xiếc là sân khấu tròn, có đường kính 13m, đây là quy định chung của ngành xiếc toàn thế giới. NSND Tạ Duy Ánh cho biết, quy định đó xuất phát điểm là sân khấu để biểu diễn xiếc ngựa.

Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng trên thế giới vẫn chia hai luồng ý kiến: Phản đối biểu diễn xiếc động vật hoang dã và đồng thuận với biểu diễn xiếc động vật hoang dã vì cho rằng, như vậy khiến loài người gần với thiên nhiên, loài vật hơn. Ông Tạ Duy Ánh cũng cho biết thêm, hiện nay, ở những đoàn xiếc lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Italia… vẫn có những tiết mục biểu diễn với sư tử, hổ, báo, voi… Vào đầu năm 2018, Hiệp hội bảo vệ động vật châu Á cũng đã đến tham quan Liên đoàn xiếc Việt Nam. Sau đó, họ đánh giá rất cao và hài lòng với việc chăm sóc, tạo điều kiện sống tốt nhất cho các con thú ở Liên đoàn. Đối với các con thú được nuôi dưỡng, tập luyện và biểu diễn tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, mùa hè có quạt mát, mùa đông có sưởi ấm.

NSƯT Tống Toàn Thắng- chàng “Thạch Sanh” với hơn 20 năm biểu diễn xiếc trăn cho biết thêm: “Chúng tôi có đội ngũ gồm 20 người làm công tác chăm sóc các con thú như: bác sĩ chăm sóc sức khỏe, nấu ăn, tắm rửa vệ sinh…Ngoài ra, khi tập luyện, chúng tôi không dùng hình thức roi vọt, đánh đập các con thú. Hiệp hội bảo vệ động vật châu Á sau đó có cho rằng, điều kiện đời sống vật chất như vậy họ cũng yên tâm chứ không như những gánh xiếc tư nhân nhỏ”- NS Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Chuyển dần sang các loài gần gũi với con người

Những tiết mục xiếc gấu như thế này sẽ không còn khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam thay thế xiếc động vật hoang dã bằng xiếc các loài thú nuôi (ảnh Liên đoàn xiếc VN)

Tuy nhiên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đang chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người. Trong chương trình xiếc dịp Tết 2018, xiếc lợn đã được Liên đoàn đưa vào biểu diễn phục vụ khán giả. Những tiết mục mới lạ này cũng đã và đang hấp dẫn các khán giả nhí.

NSND Tạ Duy Ánh cho biết, ngoài xiếc chó, lợn, trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ biểu diễn thêm xiếc trâu, xiếc mèo, chim vẹt…Với những con voi, sư tử, gấu… sau nhiều năm biểu diễn, Liên đoàn đưa về Công viên Thủ Lệ để chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho các con thú nghỉ dưỡng.

“Tuy nhiên, nếu sân khấu xiếc không còn xiếc thú nữa thì rất khó”- NSND Tạ Duy Ánh nhận định.

NSND Tạ Duy Ánh cũng cho biết thêm, trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống, may mắn là nghệ thuật Xiếc vẫn có sức hấp dẫn nhờ đối tượng phục vụ đặc thù là thiếu nhi. Tuy nhiên, để giữ gìn “thương hiệu” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các nghệ sĩ luôn phải kiên trì tập luyện, tìm tòi, dàn dựng những tiết mục mới, hấp dẫn khán giả. Với xiếc thú, người nghệ sĩ phải là diễn viên, diễn cùng con thú như bạn, để tạo cảm giác gần gũi với khán giả, với con thú chứ không phải đơn thuần là người huấn luyện./.

 

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ