• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên tiếp cảnh báo đại dịch COVID-19 kèm suy thoái, toàn cầu tăng tốc không kể giàu, nghèo

Thế giới 28/02/2020 12:22

(Tổ Quốc) - WHO cho rằng, các nước giàu cũng phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra đại dịch trong khi giới tài chính lo ngại viễn cảnh về suy thoái toàn cầu.

Reuters đăng tải, hôm thứ Sáu (28/2), những hy vọng rằng dịch bệnh virus corona mới – hay còn được gọi là COVID-19, có thể được kiểm soát tại Trung Quốc đã biến mất sau khi số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh trên khắp toàn cầu. Các quốc gia bắt đầu tăng cường dự trữ thiết bị y tế trong khi giới đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Giá cổ phiếu đang trên đà tiến tới tình huống tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 trong bối cảnh dịch bệnh khiến cho di chuyển quốc tế và các chuỗi cung cấp bị gián đoạn.

"Diễn biến thị trường cho thấy Mỹ sắp xảy ra suy thoái", nhà kinh tế trưởng tại MUFG Chris Rupkey tại New York cho hay. "Thành thật mà nói, ở giai đoạn này sau khi các kế hoạch di chuyển bị chậm lại bởi virus corona khiến chuỗi cung cấp toàn cầu đổ vỡ, sẽ là điều kỳ diệu nếu chúng ta có thể tránh được suy thoái".

Trong ngày 28/2, Đại lục Trung Quốc công bố có 327 ca nhiễm mới – mức thấp nhất kể từ ngày 23/1.

Tuy nhiên, số lượng người nhiễm mới trên toàn thế giới giờ đây đang vượt qua Trung Quốc. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, ngay cả các nước giàu giờ đây cũng phải chuẩn bị.

"Không một nước nào nên giả sử là mình sẽ không có trường hợp lây nhiễm, đó sẽ là một sai lầm chí mạng", ông Tedros nói, đồng thời đề cập tới trường hợp Italy – quốc gia châu Âu đang là tâm điểm của dịch với ít nhất 650 ca nhiễm và 17 người tử vong.

Theo Reuters, chỉ trong 24 giờ, gần 10 quốc gia tuyên bố có người bệnh COVID-19 đầu tiên.

Liên tiếp cảnh báo đại dịch COVID-19 kèm suy thoái, toàn cầu tăng tốc không kể giàu, nghèo - Ảnh 1.

Thành phố Daegu, Hàn Quốc đang là tâm điểm của bùng phát dịch bệnh ngoài Trung Quốc (ảnh: Yonhap)

Dự trữ y tế

Bên cạnh việc tăng cường dự trữ các thiết bị y tế, chính quyền các nước cũng tiến hành tạm thời đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện đông người như thể thao…, nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Hai quan chức Mỹ nói với Reuters, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc việc mở rộng khẩn cấp việc sản xuất thiết bị bảo hộ.

Còn tại châu Âu, số trường hợp nhiễm mới ở Pháp tăng gấp đôi. Đức cảnh báo về khả năng bùng phát đại dịch toàn cầu còn Hy Lạp – cửa ngõ cho người tị nạn từ Trung Đông, cũng công bố thắt chặt kiểm soát biên giới.

"Chúng ta có một cuộc khủng hoảng ở trước mắt. Một đại dịch đang xuất hiện", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.

Phát biểu tại Geneva, ông Tedros nhấn mạnh, Iran, Italy và Hàn Quốc đang ở "thời điểm quyết định" trong những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát rộng hơn.

Ngân hàng đầu tư Mỹ BofA mới đây đã giảm bớt mức độ dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm khủng hoảng kinh tế. Đại diện công ty đánh giá Moody cảnh báo, đại dịch corona virus có thể đẩy Mỹ và thế giới rơi vào khủng hoảng ngay trong nửa đầu năm 2020.

Liên tiếp cảnh báo đại dịch COVID-19 kèm suy thoái, toàn cầu tăng tốc không kể giàu, nghèo - Ảnh 2.

Một bác sỹ tại bệnh viện Chữ Thập đỏ Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Những điều mơ hồ

Hiện đang có những quan ngại đặc biệt về trường hợp một bệnh nữ ở Nhật Bản xét nghiệm dương tính với COVID-19 lần thứ hai. Hai ca tái mắc cũng được công bố tại Trung Quốc. Điều đó làm dấy lên những lo lắng rằng, người khỏi bệnh không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm lần nữa.

Các nhà khoa học chỉ ra, vẫn còn rất nhiều bí ẩn xung quanh virus corona mới, bao gồm cả việc nó có thể tồn tại trên các bề mặt trong bao lâu.

Hong Kong mới đây đã cách li một chú chó của bệnh nhân COVID-19 sau khi con vật này được xác nhận là "dương tính yếu" với virus mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào. Cần phải có thêm các kết quả xét nghiệm khác để chứng minh liệu đây có phải là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên động vật hay không.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bênh Mỹ (CDC) cho biết, họ đang đánh giá về thời gian tồn tại của virus trên các bề mặt. "Đối với đồng và thép, thời gian là vào khoảng hai tiếng", giám đốc CDC Robert Redfield nói. "Nhưng trên các bề mặt khác như bìa hay nhựa, nó sẽ lâu hơn và chúng tôi đang nghiên cứu thêm".

Theo ông, không phải từ không khí mà chính lây nhiễm từ các bề mặt là một trong những nguyên nhân dẫn tới "ổ dịch" trên du thuyền Diamond Princess tại Nhật Bản, với 700 hành khách và thuyền viên được xác nhận dương tính với COVID-19.

Liên tiếp cảnh báo đại dịch COVID-19 kèm suy thoái, toàn cầu tăng tốc không kể giàu, nghèo - Ảnh 3.

Người dân đeo khẩu trang phòng chống lây nhiễm COVID-19 (ảnh: xinhua)

Tương lai của Thế vận hội Tokyo 2020

Olympics Tokyo 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 7, tuy nhiên người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, Tiến sỹ Mike Ryan tiết lộ, họ đang thảo luận với các nhà tổ chức về khả năng hoãn sự kiện.

Virus corona mới đã làm đảo lộn hàng không và du lịch toàn cầu do các hãng hàng không hủy bỏ chuyến, các quốc gia từ chối cho du khách từ các vùng có dịch nhập cảnh và bản thân các người dân cũng không còn mặn mà với các chuyến du lịch.

Gã khổng lồ mạng xã hội Facebook cho biết sẽ hủy bỏ hội nghị phát triển thường niên trong khi Microsoft Corp tạm hoãn vô thời hạn một hội nghị về trò chơi dự kiến vào tháng tới.

Ông Ryan cũng cảnh báo, dịch bệnh tại Iran có thể tội tệ hơn dự kiến. Cộng hòa Hồi giáo hiện đang là nước có tỷ lệ người tử vong vì COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Điều này khiến người ta khó có thể không hồ nghi về con số 245 người nhiễm, trong đó có cả một số quan chức cấp cao mà Tehran công bố.

Một số nguồn tin tiết lộ với Reuters, tình báo Mỹ đang tăng cường giám sát tình hình lây lan virus corona toàn cầu, bao gồm cả Iran và Ấn Độ - quốc gia châu Á đông dân nhưng lại chỉ mới có một vài trường hợp dương tính. Cho tới nay, số lượng người nhiễm và tử vong vẫn tập trung ở Trung Quốc với gần 80.000 ca nhiễm và gần 2.800 người chết. Tuy nhiên, COVID-19 đã kịp lây lan tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến ít nhất 3.700 người nhiễm và 57 người tử vong. Giới khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm ra vaccine đặc trị cho virus. Quá trình này có thể cần tới 18 tháng.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ