• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ ở Việt Nam, cần tham khảo học hỏi từ các nước

Văn hoá 15/08/2019 13:28

(Tổ Quốc) – Sáng 15/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị liên quan về việc triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại buổi làm việc này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã báo cáo khái quát về kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 3605 ngày 27/9/2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, về việc ban hành Kế hoạch của ngành văn hóa, thể thao, du lịch thực hiện Quyết định số 1755 của Thủ tướng.

IMG_2834

Quang cảnh buổi làm việc

Theo Quyết định số 3605 của Bộ trưởng Cục Bản quyền tác giả cùng 06 đơn vị (Tổng cục Du lịch; Cục Điện ảnh; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Văn hóa cơ sở; Vụ Đào tạo) được giao triển khai 6 nhiệm vụ nằm trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sáu nhiệm vụ được giao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá thương hiệu quốc gia; xây dựng kế hoạch truyền thông; đề án xây dựng thương hiệu quốc gia; nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các nước.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, trên cơ sở những nhiệm vụ được giao, 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã từng bước triển khai đạt được một số kết quả nhất định. Ngành công nghiệp điện ảnh đã được Bộ VHTTDL lựa chọn làm trước, từ đó rút kinh nghiệm cho các ngành khác thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì phối hợp với Cục Điện ảnh và Tổng cục Thống kê thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp điện ảnh theo các đầu mục: Loại hình doanh nghiệp, ngành kinh tế; số lao động việc làm; nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh theo năm 2016, 2017; thuế và các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động ngành điện ảnh; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh….

Ở lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo…đều đang từng bước xây dựng, hoàn thiện các nhiệm vụ được giao. Tại buổi làm việc này, các đơn vị cũng đều chia sẻ về những vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu…vì liên quan đến các đơn vị, bộ ngành liên quan.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1755 và 3605 của các đơn vị. Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các nước cũng như các chuyên gia để vận dụng vào việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ cụ thể của đơn vị được giao.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng yêu cầu các đơn vị cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Quyết định 1755 và 3605. Cục Bản quyền tác giả cần tăng cường đôn đốc, giám sát và hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng cũng yêu cầu từ nay đến hết năm 2019, các đơn vị cần rà soát, đánh giá lại tất cả các nhiệm vụ được giao. Năm 2020 sẽ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vì vậy cần phải có sản phẩm (bộ cơ sở dữ liệu cơ bản về công nghiệp văn hóa Việt Nam). Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…/.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ