• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Loạn" danh xưng trường quốc tế: Thực tế luật quy định như thế nào?

Giáo dục 16/08/2019 18:39

(Tổ Quốc) - Tình trạng loạn danh xưng trường quốc tế đang khiến các bậc phụ huynh như lao vào "mê hồn trận" chọn trường cho con và điều đáng quan ngại: ở Việt Nam chưa có quy định nào về trường quốc tế!

Tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả

Những ngày qua, Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài về danh xưng các trường quốc tế, có đúng là quốc tế hay không? 

Sau vụ việc tại trường Gateway, một loạt trường tại Hà Nội theo phản ánh của phóng viên đã hoặc là âm thầm thay đổi từ quốc tế của nhà trường, hoặc mập mờ xóa chữ quốc tế trên website của nhà trường, hoặc trước cổng chính không có chữ quốc tế nhưng biển tên chỉ dẫn lại có từ "quốc tế"... Tình trạng loạn danh xưng này đang khiến các bậc phụ huynh như lao vào "mê hồn trận".

Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố có 11 trường quốc tế nhưng chưa cung cấp được đó là những trường nào. 

img3740-15658507359001428632685

Một trường trên địa bàn Hà Nội tháo gỡ biển tên quốc tế trong ngày 15/8. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Còn tại TP HCM, theo số liệu công bố trên website của Sở GDĐT TP, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài, đã được cấp phép và công nhận là trường có yếu tố nước ngoài nhưng nhiều trường không nằm trong danh sách này vẫn quảng cáo là trường quốc tế.

Trả lời báo điện tử Tổ Quốc, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT khẳng định rõ ràng: "Khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên".

Ông Phạm Quang Hưng cho biết thêm, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP. 

Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng" và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. 

"Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ 'quốc tế' mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định"- ông Phạm Quang Hưng nêu.  

Tuy nhiên, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. 

Ông Phạm Quang Hưng cho rằng, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, của sở giáo dục. 

Theo quy định tại Thông tư 36 năm 2017 của Bộ GDĐT, các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết. 

Bộ GDĐT mong người dân cung cấp thông tin về những trường hợp vi phạm

Hiện nay, nhiều trường ở Việt Nam tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh trong khi chương trình dạy học vẫn Việt Nam. Về trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động các trường này, theo ông Phạm Quang Hưng, Nghị định 127/2018/NĐ-CP đã quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. 

Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.

Ông Phạm Quang Hưng cũng khẳng định, trên thực tế, đã có một số hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GDĐT gần đây đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm (nếu có). Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. 

Mới đây, Thanh tra Bộ GDĐT cũng đã đề nghị Sở GDĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.

"Bộ GDĐT cũng mong nhận được sự phối hợp người dân trong việc cung cấp các thông tin về những hiện tượng vi phạm của các cơ sở giáo dục để kịp thời xác minh, chấn chỉnh và xử lý vi phạm"- ông Phạm Quang Hưng nêu./.


Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ