• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt câu lạc bộ bóng đá châu Âu gặp khó tại thị trường châu Á

Thể thao 10/07/2023 13:46

(Tổ Quốc) - Nhiều câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu đang rút khỏi chuyến du đấu châu Á trước mùa giải ở Hàn Quốc, theo Nikkei.

Bảy đội bóng châu Âu đã dự kiến đến thăm Hàn Quốc vào mùa hè này trong chuyến du đấu châu Á trước mùa giải. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có trận đấu diễn ra vào ngày 30 tháng 7 giữa Manchester City và Atletico Madrid là vẫn theo kế hoạch. Các trận đấu giữa Wolverhampton Wanderers của Anh, Napoli và Roma của Italy, Celtic của Scotland và Real Mallorca của Tây Ban Nha đều đã bị hủy.

Theo Nikkei, động thái này phản ánh việc người hâm mộ và các liên đoàn ở châu Á ngày càng trở nên khắt khe hơn.

Người hâm mộ châu Á đòi hỏi đúng giá trị họ bỏ ra

Trong hai thập kỷ qua, các câu lạc bộ lớn của châu Âu thường đến thăm lục địa đông dân nhất thế giới, đặc biệt là khu vực phía đông và đông nam châu Á. Đây là cơ hội để thi đấu rèn luyện trước mùa giải chính thức, tăng cường tương tác và số lượng người hâm mộ cũng như tăng thêm doanh thu. Có thông tin cho rằng các câu lạc bộ lớn như Real Madrid và Manchester United có thể được trả khoảng 6 triệu USD cho một trận đấu, trong khi những câu lạc bộ như Wolverhampton và Real Mallorca có mức lương thấp hơn.

Kể từ năm 2003, khi Real Madrid đến thăm Trung Quốc và bị cho là không thể hiện nhiều sự nhiệt tình cũng như ít quan tâm đến người hâm mộ, các câu lạc bộ ngày càng trở nên khó hòa hợp hơn với người hâm mộ châu Á. Bên cạnh đó, việc nhiều câu lạc bộ không có những ngôi sao lớn cũng khiến những người hâm mộ khó chịu khi họ phải trả những khoản tiền đáng kể để mua vé.

Loạt câu lạc bộ bóng đá châu Âu gặp khó tại thị trường châu Á - Ảnh 1.

Trong giải đấu năm 2019, người hâm mộ Hàn Quốc khó chịu khi Ronaldo ngồi dự bị suốt trận. Ảnh: AP.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng vào năm 2019 khi câu lạc bộ Juventus của Italy đến thăm Seoul và bán được 66.000 vé với hình ảnh siêu sao Cristiano Ronaldo xuất hiện nổi bật trong các quảng cáo. Tuy nhiên, tiền đạo người Bồ Đào Nha, được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, lại ngồi dự bị trong suốt 90 phút. Tình huống này khiến một số người hâm mộ kiện ban tổ chức.

Giờ đây, Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc yêu cầu các nhà quảng bá phải trả khoản tiền đặt cọc khoảng 600.000 USD để chứng minh rằng họ có đủ tiền để tổ chức trận đấu và ký hợp đồng hứa bồi thường nếu các ngôi sao không xuất hiện. Trong trường hợp của Wolverhampton, Mallorca, Napoli và Celtic, họ đều có những cầu thủ Hàn Quốc đang thi đấu nên hứa hẹn về doanh thu. Nếu không có sự đảm bảo như vậy, các giải đấu có thể đã không được lên kế hoạch.

Celtic, đội cuối cùng tuyên bố rút khỏi chuyến du đấu năm nay, cho biết trong tuần trước rằng "nhà tổ chức đã không đáp ứng được yêu cầu về tài chính và hậu cần. Và sau nhiều tuần trì hoãn, câu lạc bộ đã đưa ra quyết định khó khăn là chấm dứt hợp đồng và rút khỏi tour thi đấu".

Celtic vẫn tiếp tục đến Nhật Bản để thi đấu ở Yokohama và Osaka. Với năm cầu thủ Nhật Bản trong đội, Celtic rất nổi tiếng tại đây.

Chiến lược dựa vào cầu thủ không còn hiệu quả

Dựa vào tình hình trên, có thể thấy các đội không quá nổi tiếng của châu Âu đang phụ thuộc vào các cầu thủ địa phương để thu hút các thị trường châu Á.

Simon Chadwick, Giáo sư Thể thao và Kinh tế Địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA ở Paris, chia sẻ nhận định với Nikkei: "Họ phải thấy rằng các hoạt động tiếp thị của họ ở châu Á đều dựa vào việc họ có các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hay không. Người hâm mộ từ những quốc gia này sẽ theo dõi đội bóng và mua vé xem thi đấu. Nhưng một khi các cầu thủ của họ chuyển đi, những người hâm mộ này sẽ ngừng ủng hộ câu lạc bộ."

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào những ngôi sao tên tuổi là một chiến lược đầy rủi ro ngay cả đối với những câu lạc bộ lớn hơn. Một thập kỷ trước, giải La Liga của Tây Ban Nha quảng bá mạnh mẽ ở châu Á là nhờ hai cầu thủ: Lionel Messi và Ronaldo. Nhưng cả hai ngôi sao này hiện tại đều không thi đấu tại Tây Ban Nha.

Chadwick nói: "Hiệu ứng của các cầu thủ rất nhanh và mang về doanh thu lớn. Nhưng một khi họ bị thương, nghỉ hưu hoặc di chuyển sang nơi khác, thì bạn không còn chỗ dựa cho thương hiệu của mình".

Đó là lý do tại sao Manchester United, một trong những câu lạc bộ lớn nhất toàn cầu, đã khai trương trung tâm giải trí và trải nghiệm Nhà hát của những giấc mơ (biệt danh của Sân vận động Old Trafford) tại Bắc Kinh vào năm 2021. Đây là cơ sở đầu tiên trong số năm dự án được lên kế hoạch trên khắp Trung Quốc. Theo Chadwick, ngoài mục tiêu ban đầu là cung cấp các loại hình giải trí tương tác và thu hút người hâm mộ, đây là một nỗ lực để xây dựng hình ảnh bền vững, không còn quá dựa dẫm vào các cầu thủ ngôi sao và thậm chí là cả tên tuổi câu lạc bộ.

Ông nói thêm: "Cơ sở này mang trải nghiệm thư giãn và giải trí để từ đó mọi người tiếp cận bóng đá. Bạn phải cho người hâm mộ châu Á một lý do để ở lại với bạn trong một thời gian dài.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ